Làng CHUÔNG
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 15:41, 25/08/2017
Làng Chuông là tên Nôm của xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội. Xã Phương Trung có 7 thôn hợp lại thành một làng, như thế đủ biết làng Chuông thuộc loại làng lớn ở trong vùng.
Làng Chuông nổi tiêng về nghề làm nón. Nón làng Chuông đẹp dáng lại bền, từng là kỷ vật tạo ra vẻ dịu dàng của bao cô gái bước lên xe hoa về làm dâu nhà chồng. Cả xứ Bắc Kỳ không mấy nơi là không biết đến nón làng Chuông.
Làng Chuông không chỉ nổi danh nghề nón mà từ xa xưa đã nức tiếng về hội chợ nữa.
Chợ làng Chuông
Hội chợ làng Chuông tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Giêng là hội chợ lớn nhất của tỉnh Hà Đông cũ. Sự khao khát muốn đi chợ Chuông của cô con gái được bà mẹ cảm thông, đồng tình, thể hiện qua đoạn ca dao lưu truyền phổ biến trong vùng:
Mồng chín ta chả đi đâu
Ở nhà têm trầu mồng mười
chợ Chuông
Bố đánh thì mẹ lại nuông
Dù cho chớ bỏ chợ Chuông
mồng mười
Bố đành thì mẹ lại cười
Dù cho chớ bỏ mồng mười
chợ Chuông
Cớ sao mà hội chợ Chuông lại hấp dẫn cô gái đến vậy?
Ngược trở lại cội nguồn của lịch sử, chúng ta biết rằng chợ xa xưa không thuần túy là nơi trao đổi hàng hóa, chợ còn là nơi quy tụ và diễn ra các sinh hoạt văn hóa ở trong vùng. Điều này còn tồn tại ở nhiều chợ phiên trên các vùng núi cao. Yếu tố trao đổi hàng hóa và yếu tố giao lưu tình cảm song song tồn tại. Một khi đã gọi là hội chợ thì các yếu tố văn hóa ở trong chợ cũng nổi trội hơn.
Điều này càng chứng tỏ qua việc xem xét lịch chợ diễn ra ở trong vùng nửa đầu tháng Giêng. Chúng ta thấy chợ Chuông không phải là chợ họp sớm. Trước đó hai ngày có phiên chợ Đình ở thị trấn Vân Đình, nhưng chợ Đình lại không được gọi là hội chợ.
Dân chúng đã giải thích tính chất hội ở chợ làng Chuông bằng một câu ca dao rất ngắn gọn:
Mồng mười đi chợ Chuông chơi
Xem đánh cờ người xem thổi cơm thi.
Rõ ràng câu ca dao trên đã phản ánh chợ Chuông mồng 10 chỉ là nơi để du khách “chơi”. Điều người ta quan tâm là đến chợ để xem hai trò diễn mang tính văn hóa độc đáo là đánh cờ và thổi cơm thi.
Đánh cờ người ở chợ làng Chuông được tổ chức ngay trước cửa đình trên khu đất họp chợ. Đánh cờ người là cuộc đấu trí giàu tình văn hóa giữa hai đối thủ trên một bàn cờ tướng mà các quân cờ đều bằng người thật. Một bên 16 quân cờ là nam giới ăn mặc sang trọng, phía trước áo in chữ Hán thể hiện chức năng của quân cờ đó. Bên kia, 16 quân cờ do nữ sắm vai. Riêng tướng sĩ ông và tướng sĩ bà của hai bên được ngồi trên ghế có lọng che, người sắm vai quân cờ khác phải đứng. Tục truyền người làm tướng ông, tướng bà ngồi trên ghế ở bàn cờ được làng chọn lựa rất kỹ càng, vừa đẹp về hình thức lại ăn ở phúc đức, trong năm gia tộc không có vận áo xám (việc tang). Sau cuộc thi đánh cờ người, các vị tướng ông, tướng bà sẽ mời quân cờ về nhà mở tiệc trầu cau chè nước. Gia chủ hãnh diện được làng chọn vào vị trí tướng cờ năm đó.
Thổi cơm thi ở hội làng Chuông
Du khách tới hội chợ Chuông là dịp xem những trai thanh nữ tú của đất Phương Trung phô bày vẻ đẹp trên bàn cờ tướng. Đánh cờ âu cũng là một nghệ thuật chơi cao cấp của cha ông ta được cả cộng đồng làng hưởng ứng.
Tục thổi cơm thi ở hội chợ Chuông giành cho cả hai phái nam và nữ. Đây là một trò diễn thi tài nấu nướng. Các cô gái của làng ứng thí sẽ đứng vào một vòng tròn vôi đường kính khoảng 1,5m, trong đó có một đứa trẻ chừng 6,7 tháng tuổi (không phải con đẻ của họ) và một con cóc cùng các đồ nấu nướng. Các cô phải lấy lửa từ bùi nhùi rơm, tước mía làm củi, nhóm bếp, trông trẻ con không khóc, trông con cóc không cho nhảy ra ngoài vạch vôi.
Theo một số cụ già địa phương thì hình thức vẽ một vòng tròn bằng vôi trắng là tượng trương cho trời, con cóc là cậu ông trời tượng trưng cho mưa (trên trống đồng có nhiều cóc đã mang ý nghĩa này). Giữ cóc trong vòng tròn được đồng nhất với ý thức cầu mưa, cầu một dòng sinh lực cho cây trồng, đảm bảo nguồn hạnh phúc. Trước đây, người con gái đi dự nấu cơm còn phải ăn chay và khi nấu không được nói cười, phải chăng để đồng nhất với mẹ Đất. Các cô gái vất vả vượt qua những điều kiện làng đặt ra còn để thử thách sự nhanh nhẹn, tháo vát của các cô gái làng Chuông. Nồi cơm của cô nào chín trước, dẻo ngon sẽ được làng thưởng.
Tục thổi cơm thi giành cho nam giới xưa tổ chức trên một cái đầm cạnh chợ. Chàng trai dự thi mỗi người được ngồi trên một thuyền nan câu, trong lòng thuyền chứa sẵn gạo, nước, củi, bùi nhùi giữ lửa. Khi có hiệu lệnh của các bô lão, các chàng trai bơi tay đưa thuyền từ bờ bên kia sang bờ bên này. Trong thời gian đó dẫu là tay ướt cũng phải tìm cách lấy lửa, nhóm bếp, vo gạo, nấu cơm. Mọi việc diễn ra trên chiếc thuyền câu vừa bơi vừa nấu cơm thật khó. Làm sao giữ được thuyền không chòng chành, bơi tiến về đích và nấu cho kịp nồi cơm thơm ngon. Đây cũng là thử thách đối với các chàng trai làng Chuông.
Cũng cần lưu ý là đằng sau sự đi chơi chợ, xem trò, bản thân mỗi người đến hội đều có một nhu cầu giao lưu tình cảm. Chẳng phải đương nhiên mà cô gái lại:
Mồng chín ta chẳng đi đâu
Ở nhà sắm sửa trầu cau mồng mười.
Các cô gái xưa ở trong vùng chuẩn bị đi hội chợ Chuông là như vậy đó. Mỗi cô đều bọc một túi trầu cau. Miếng trầu là đầu câu chuyện. Miếng trầu nên nghĩa nên tình. Gặp nhau ở giữa chợ mở gói trầu ra mời bạn bè miếng trầu do chính tay cô gái têm, hẳn là trong số bạn nhận trầu có người bạn trai mà cô gái đem lòng thương nhớ, sau đó họ nên nghĩa vợ chồng. Trong bối cảnh xã hội phong kiến ngày xưa trói buộc người con gái vào khuôn phép gia đình, bố mẹ đặt đâu con ngồi đó thì khát vọng của cô gái được têm trầu đi chơi chợ, giao tiếp rộng rãi với bạn bè mới chính đáng làm sao. Và, chỉ có người mẹ mới hiểu hết tâm trạng sâu kín của con gái mình.
Hội chợ Chuông thực chất là ngày hội sinh hoạt văn hóa nông nghiệp của một vùng đất. Văn hóa làng nghề cũng nhân dịp này thể hiện trong ngày hội chợ.
Trong tháng Giêng thì ngày mồng 10 có ý nghĩa khép lại ngày cuối của kỳ thượng tuần (từ mồng 1 đến mồng 10) chuyển sang kỳ trung tuần (từ mồng 11 đến 20); cũng có ý nghĩa là khép lại một tuần chơi đón mừng xuân mới (sau này chu kỳ tuần rút ngắn còn 7 ngày, nên ngày mồng 7 Tết là ngày hạ nêu, bắt đầu làm đồng, lịch người Mường ngày lùi tháng tiến nên ngày động thổ, mở cửa rừng là ngày mồng 6 Tết), để bước vào tuần thứ hai con người chú tâm vào việc làm ăn mưu sinh. Do vậy, hội chợ Chuông còn thêm ý nghĩa nữa là hội chợ mua bán lấy may dành cho những người làm nông nghiệp kiêm thủ công. Người làng Chuông có nghề cổ truyền làm nón, từ rất xa xưa, họ đã làm các loại nón đội đầu, trong đó phổ biến là nón thúng quai thao, sau năm 1930 mới chuyển sang làm nón Xuân Kiều hay còn gọi là nón Ba Đồn như ngày nay. Nghề làm nón là nghề thích hợp hơn với nữ giới và nữ giới cũng là đối tượng chính mua nón. Chính vì lẽ đó, hội chợ Chuông thu hút rất đông các bà, các cô tới chợ. Ngày nay con gái làng Chuông mang nón ra chợ bán lấy phước, đắt rẻ không thành vấn đề miễn là có người mau mồm miệng chân tay mua cho mình. Còn các cô gái trong vùng về hội chợ cuối buổi thường mua về cho mình một chiếc nón mới coi đó như là kỷ vật của ngày đi hội mà xưa kia rất hiếm hoi các cô mới có một ngày thư thái được cha mẹ cho đi chơi như thế.
Sau nữa cũng phải nói tới không gian làng Chuông mở hội chợ. Làng Chuông họp chợ ngay trước cửa đình và chùa. Đình Phương Trung sau nhiều lần tu sửa được xây dựng to đẹp vào cuối thế kỷ XIX. Mặc dù bị bom đạn quân Pháp hủy hoại nhưng đến nay làng vẫn giữ được nghi môn hai tầng đăng đối uy nghi, sau nghi môn là đại bái đồ sộ 5 gian trong bài trí nhiều đồ thờ tự thuộc loại quý hiếm.
Đình thờ người anh hùng dân tộc Phùng Hưng dân ngưỡng kính gọi là Bố Cái Đại vương. Phùng Hưng dẫn binh sĩ từ quê hương ông ở Đường Lâm theo dòng sông Đáy xuống tới trang Thời Trung (tên xưa của làng Chuông) thì đóng đồn binh luyện quân sĩ ở đó. Từ làng Chuông, Phùng Hưng dẫn quân qua Thạch Bích đến làng Triều Khúc (Hà Nội) đánh thẳng vào Tống Bình lật đổ ách thống trị phong kiến nhà Đường ở thế kỷ VII giành quyền tự chủ cho đất nước.
Sau này dân làng nhớ ơn lập đền thờ và tôn Phùng Hưng làm Thành hoàng của làng. Làng mở hội tưởng niệm Phùng Hưng vào ngày mồng mười tháng ba và ngày 25 tháng mười, làm lễ cờ ăn mừng chiến thắng của quân sĩ Phùng Hưng hạ được thành Tống Bình.
Kề liền đình là chùa Phương Trung. Đó là một ngôi chùa cổ với hệ thống tượng phật trên 100 pho. Điều đáng lưu ý là chùa Phương Trung bài trí hệ thống tượng thờ theo kiều “Tiền thần hậu phật”. Phía trước Phật đài, nhà chùa đặt vị trí trang trọng thờ tướng Đỗ Huệ và công chúa Phương Dung. Truyền rằng Đỗ Huệ là người làng Chuông đã dẫn 50 trai tráng của làng trong đó có các con trai và người trong họ gia nhập đoàn quân của Phùng Hưng tham gia đánh thành Tống Bình. Phùng Hưng phong Đỗ Huệ làm tướng chỉ huy. Còn công chúa Phương Dung là vợ của Phùng Hưng, bà đã “xuất gia tong đạo phật” chọn đất Phương Trung xây dựng chùa chiền, mở mang cõi phật. Sau ngày bà mất dân làng gọi là Đức Thánh Bà và thờ ở chùa.
Điều đáng nói là hội chợ ở cạnh một ngôi chùa cổ thờ phật nên nếu xuất hiện một tầng văn hóa sâu hơn cái ta thường thấy ấy là hội chợ Chuông phảng phất tín ngưỡng hội chùa. Đi hội chợ Chuông du khách vừa tham gia sinh hoạt chợ búa vừa đồng nghĩa với việc hành hương vãn cảnh chợ Chuông và đi lễ phật.