Trung Quốc yêu cầu Indonesia hủy đổi tên một phần biển Đông

Tin tức - Ngày đăng : 09:45, 03/09/2017

Trung Quốc vừa yêu cầu Indonesia hủy bỏ quyết định đổi tên khu vực hàng hải ở Tây Nam biển Đông thành biển Bắc Natuna.
Đài Channel NewsAsia (CNA) ngày 2-9 đưa tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi thư phản đối tới Đại sứ quán Indonesia tại Bắc Kinh. Nội dung thư phản đối thông báo của Jakarta hôm 14-7, trong đó nói rằng nước này sẽ đổi tên khu vực hàng hải ở Tây Nam biển Đông thành biển Bắc Natuna.

Bức thư được Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi ngày 25-8. Bắc Kinh nhấn mạnh việc Jakarta thay đổi "cái tên đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận có thể làm phức tạp và mở rộng tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lưu ý mối quan hệ giữa Trung Quốc và Indonesia đang phát triển mạnh mẽ, ổn định và tình hình ở biển Đông đang "tiến triển tốt đẹp". Vì vậy, bộ này cho rằng hành động đơn phương thay đổi tên một phần biển Đông của Indonesia "không có lợi cho việc duy trì tình hình tốt đẹp đó".


Trung Quốc yêu cầu Indonesia hủy đổi tên một phần biển Đông - Ảnh 1.

Một quan chức Indonesia chỉ ra vị trí của biển Bắc Natuna trên một bản đồ mới tại cuộc thảo luận với các phóng viên ở Jakarta hôm 14-7. Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, Bắc Kinh cho biết họ và Jakarta có những tuyên bố chủ quyền lãnh hải chồng lấn ở phía Tây Nam biển Đông. Dù phía Indonesia đổi tên khu vực hàng hải của mình cũng sẽ không thay đổi được thực tế này.

Jakarta chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền ở biển Đông nhưng khu vực hàng hải mà nước này gọi bằng tên biển Bắc Natuna lại chồng lấn với cái gọi là "đường chín đoạn" mà Bắc Kinh đơn phương thiết lập ở biển Đông.

Trước đó, năm 2016, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague – Hà Lan, ra phán quyết vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. PCA kết luận rằng không có cơ sở pháp lý hay lịch sử nào đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển giàu tài nguyên này.

Hôm 1-9, Mỹ tiếp tục bày tỏ lo ngại về hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở biển Đông. 

Thiếu tướng James S Hartsell thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ phát biểu bên lề Hội nghị Ấn Độ Dương năm 2017: "Trung Quốc đang quân sự hóa các đảo nhân tạo và tăng cường sự hiện diện vũ trang trên các hòn đảo này".

Ông Hartsell cũng tuyên bố máy bay và tàu của Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, trong đó có ở biển Đông.

Phạm Nghĩa/NLO (Theo Channel News Asia, ANI)