Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Vấn đề quan trọng nhất, tôi lo nhất là nguồn nhân lực"
Tin tức - Ngày đăng : 14:41, 12/11/2021
"Vấn đề quan trọng nhất, tôi lo nhất là nguồn nhân lực. Chúng ta có thể dành tiền mua trang thiết bị có thể nhanh, sớm được nhưng đào tạo nguồn nhân lực ngành y phải mất nhiều năm. Vì vậy, sắp tới cần tập trung cho đào tạo nhân lực. Đồng thời có chính sách thu hút nguồn nhân lực được đào tạo này xuống cơ sở" - Thủ tướng nói.
Sáng 12/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sau khi kết thúc phần chất vấn đối với các Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.Nhiều bài học kinh nghiệm từ chống dịch
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đặt vấn đề, đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nước ta đã chuyển sang thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đây là cách làm đúng, bước đầu có hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đề nghị Thủ tướng cho biết chương trình hành động ứng phó với dịch Covid-19 trong thời gian tới là gì?
Từ đó Chính phủ đã đưa ra được các trụ cột để phòng chống dịch, như: Cách ly nhanh chóng, hẹp nhất, nhanh nhất có thể; về xét nghiệm, virus nhìn không thấy, nếm không được, ngửi không được, nên phải xét nghiệm trên cơ sở đảm bảo khoa học, tiết kiệm, hiệu quả, an toàn; về điều trị thì phải từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn bệnh nhân chuyển nặng, giảm tử vong.
Trên cơ sở 3 trụ cột này, Chính phủ đã hình thành công thức chống dịch, đầu tiên là 5K, rồi 5K + vaccine, sau đó cộng thêm thuốc điều trị, công nghệ và đề cao ý thức người dân...
Thủ tướng chia sẻ, vừa qua ông ra nước ngoài, lãnh đạo các nước cũng có trao đổi về vấn đề này và thấy quá trình chống dịch dù chưa tổng kết "nhưng có bài bản". "Trên cơ sở đó, chúng ta mạnh dạn và tự tin mở cửa" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng nói, dịch bệnh cũng làm bộc lộ yếu kém là y tế dự phòng và y tế cơ sở, nên cần phải củng cố.
"Vấn đề quan trọng nhất, tôi lo nhất là nguồn nhân lực. Chúng ta có thể dành tiền mua trang thiết bị có thể nhanh, sớm được nhưng đào tạo nguồn nhân lực ngành y phải mất nhiều năm. Vì vậy, sắp tới cần tập trung cho đào tạo nhân lực. Đồng thời có chính sách thu hút nguồn nhân lực được đào tạo này xuống cơ sở" - Thủ tướng nói.
Chính phủ sẽ rà soát các chính sách hỗ trợ người dân
Nêu câu hỏi chất vấn Thủ tướng tại hội trường, đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) cho biết, việc đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng luôn được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Đại biểu đề nghị Thủ tướng nêu giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thủ tướng nêu vai trò của hạ tầng đặt ra cho đất nước chúng ta trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp đặt ra cho việc phát triển hạ tầng, theo Thủ tướng, trước hết phải tổng kết, rà soát lại việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong thời gian qua, cái gì chúng ta đã làm được, cái gì chúng ta chưa làm được và nguyên nhân khách quan, chủ quan, ở đâu.
Trên cơ sở đó, chúng ta xây dựng chiến lực, xây dựng quy hoạch để phát triển hạ tầng cho phù hợp. Và nhất là quy hoạch này phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; gắn với chủ trương, đường lối của Đảng đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh), cho biết, trước diễn biến phức tạp của đại dịch, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, theo đại biểu, các chính sách và việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân thời gian qua còn nhiều bất cập. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp khắc phục bất cập và sắp tới sẽ có thêm chính sách hỗ trợ nào?
Theo Thủ tướng, những bất cập mà đại biểu nêu đã được các Bộ trưởng trả lời, làm rõ tại hội trường trong hai ngày chất vấn vừa qua.
Đề cập đến những giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, chúng ta phải rà soát đánh giá lại các chính sách vừa rồi đã làm được gì và vấn đề gì chưa thực hiện được, nguyên nhân từ đâu.
“Trên cơ sở đó, chúng ta cũng rà soát lại các đối tượng, phạm vi, mức độ về hỗ trợ. Từ đó có căn cứ định ra một số chính sách hỗ trợ cho phù hợp, hiệu quả và tránh được tiêu cực như trục lợi chính sách hoặc bỏ sót” – Thủ tướng nói.