UBND huyện cố tình không thực hiện Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh?

Tin tức - Ngày đăng : 23:42, 05/09/2017

Suốt nhiều năm qua, bà Đoàn Thị Thược, ông Trần Cao Tác gửi đơn khiếu nại về việc một số cán bộ UBND huyện Ia Grai lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý là trái quy định của pháp luật nhằm cưỡng đoạt 1,7ha đất của sản xuất của gia đình ở thôn Hà Thanh, xã Ia Der. Trước những chứng cứ xác thực của công dân, ngày 22/5/2012, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 557/QĐ-UBND trả lại 1,7ha đất và giấy CNQSDĐ mà chính quyền đã thu giữ trước cho gia đình bà Thược.
Song, thay vì xác định trách nhiệm thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Gia Lai, ông Dương Mah Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai lại dựa vào những lý do không chính đáng, những văn bản không còn hiệu lực pháp luật..v.v… cố tình không thực hiện Quyết định 557/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai.
Gia Lai: UBND huyện cố tình không thực hiện Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh?
Ông Trần Cao Tác bức xúc trình bày sự việc với phóng viên

Người mua đất hợp pháp bị thu hồi, kẻ lấn chiếm được… “cho qua”?

Từ năm 1996, ông Trần Cao Tác (thương binh hạng 3) cùng vợ là bà Đoàn Thị Thược được điều động vào Gia Lai. Để có nơi ở ổn định và phát triển sản xuất, vợ chồng ông Tác đã mượn 2 phòng tạm và 4,45ha đất do Công ty Sông Đà 4 mượn của UBND tỉnh Gia Lai để sản xuất nông nghiệp. Khi gia đình ông Tác đến diện tích đất này để sản xuất, nhiều hộ dân địa phương không đồng ý và họ cho rằng đây là đất họ khai hoang.

Nhằm ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, gia đình ông Tác, bà Thược đã vay mượn khắp nơi và mua lại 1,7ha (trong tổng số 4,45ha). Còn lại 2,75ha đất trên do không ai quản lý nên đã bị nhiều hộ dân khác lấn chiếm trái phép.

Sau khi mua được lô đất này, gia đình ông Tác tiến hành đầu tư sản xuất nông nghiệp, đóng thuế đất hằng năm theo đúng quy định của pháp luật. Ngày 15/12/1999, gia đình ông Tác, bà Thược được cấp GCNQSDĐ với diện tích 1,7ha đất sản xuất ổn định.

Năm 2004, UBND tỉnh Gia Lai ra Quyết định số 323/QĐ-UB thu hồi toàn bộ 4,45ha đất đã cho Công ty Sông Đà 4 mượn (bao gồm cả 1,7ha đất mà gia đình ông Trần Cao Tác đã mua và được cấp GCNQSDĐ từ năm 1999). Tuy nhiên, căn cứ vào “tham mưu” của huyện Ia Grai, UBND tỉnh Gia Lai ra Quyết định số 160/QĐ-UB chỉ thu hồi GCNQSDĐ và 1,7ha đất của gia đình ông Tác – một thương binh hạng 3 bỏ tiền mua đất, đóng thuế đầy đủ bị “thu hồi” còn nhiều hộ dân khác lấn chiếm đất trái phép trong diện tích 2,74ha còn lại… được “cho qua”!?

Trước sự việc này, gia đình ông Tác đã khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng nhờ can thiệp suốt nhiều năm qua.

UBND huyện cố tình không thực hiện Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh?
Mặc dù UBND tỉnh đã có quyết định nhưng UBND huyện vẫn... không thực hiện

“Thừa nước đục thả câu”, dùng hồ sơ giả lấn chiếm hơn 0,6ha đất?

Viện cớ diện tích đất mà gia đình ông Tác đã mua từ năm 1996 là “đất hoang, đất đang tranh chấp”, gia đình bà Đặng Thị Sang (một hàng xóm ngay cạnh nhà ông Trần Cao Tác) đã thuê thanh nhiên phá hàng rào phân định ranh giới giữa 2 gia đình, lấn chiếm hơn 0,6ha đất đồng thời đập luôn cả 2 căn phòng tạm mà Công ty Sông Đà 4 xây dựng năm 1990 và cho gia đình ông Tác mượn.

Ngay 09/5/2012, Văn phòng Chính phủ ra văn bản số 3206/VPCP-KNTC yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo việc kiểm tra, xem xét giải quyết vụ việc của gia đình ông Trần Cao Tác theo đúng quy định của pháp luật và thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả giải quyết.

Trước diễn biến phức tạp của vụ việc, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đồng thời giải quyết thấu đáo bức xúc của công dân, UBND tỉnh Gia Lai nhiều lần ra văn bản yêu cầu UBND huyện Ia Grai phối hợp với Đoàn Thanh tra liên ngành của tỉnh thẩm tra, xác minh và đề xuất giải quyết dứt điểm vụ việc. 

Sau quá trình thanh tra, xác minh của các cơ quan chức năng, ngày 22/5/2012, UBND tỉnh Gia Lai ra Quyết định số 557/QĐ-UBND huỷ tất cả Quyết định trước đó thu hồi 1,7ha đất của gia đình bà Thược, ông Tác và yêu cầu UBND huyện Ia Grai cấp lại GCNQSDĐ cho công dân.

Mặc dù Quyết định số 557/QĐ-UB của UBND tỉnh Gia Lai là hiện đang là Quyết định cao nhất trong giải quyết tranh chấp đất đai công dân theo trình tự hành chính và có hiệu lực kể từ ngày ký (22/5/2012), tuy nhiên, hơn 5 năm qua và cho đến hiện nay, thay vì xác định trách nhiệm thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Gia Lai, ông Dương Mah Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai dựa vào những lý do không chính đáng, những văn bản không còn hiệu lực pháp luật..v.v… cố tình không thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Gia Lai.

Vì sao UBND huyện Ia Grai không thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Gia Lai?

Theo điều tra của nhóm PV báo Người Hà Nội, hơn 5 năm qua, UBND huyện Ia Grai dựa vào đơn khiếu nại của bà Đặng Thị Sang – “người hàng xóm” lấn chiếm đất của ông gia đình ông Tác, bà Thược và cho rằng đây là “đất đang tranh chấp” nên không thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Gia Lai.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là những chứng cứ, hồ sơ, giấy tờ liên quan mà gia đình bà Đặng Thị Sang đưa ra không rõ ràng, nhiều dấu hiệu làm giả nhưng vẫn được UBND huyện Ia Grai công nhận.

Chẳng hạn trong “biên bản giám sát thực địa” của bà Sang ghi ngày 20/8/1991 nhưng thực tế lại được lập ngày 27/5/2005 nhằm hợp thức hoá hồ sơ giấy tờ. Bên cạnh đó, cũng tại văn bản này được đóng dấu của Hội Nông dân Tp. Pleiku xác nhận việc gia đình bà Sang cho Hội mượn đất đưa vào Hợp tác xã. Tuy nhiên, năm 1991, Pleiku vẫn đang là thị xã (phải đến năm 1999 mới được công nhận là Thành phố Pleiku)..v.v… Những minh chứng trên đã chứng tỏ hồ sơ của bà Đặng Thị Sang nhiều khả năng làm giả, với sự tiếp tay của nhiều cán bộ chính quyền nhằm mục đích hợp thức hành vi lấn chiếm đất của người khác.

UBND huyện cố tình không thực hiện Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh?
Thông báo của cơ quan công an 

Được biết, cơ quan Công an huyện Ia Grai cũng gửi thông báo số 371/TB-CAH kết quả kiểm tra, xác minh, giải quyết kiến nghị của công dân về hành vi làm giả hồ sơ của bà Đặng Thị Sang. Thông báo này cũng thừa nhận; “nội dung bà Đặng Thị Thược kiến nghị trong hồ sơ đất của bà Đặng Thị Sang, anh Trần Quang Hà có biên bản giám sát thực địa đề ngày 20/8/1991 là “giả” là đúng một phần, vì “biên bản giám sát thực địa” đề ngày 20/8/1991 không đúng về mặt hình thức, không đúng về thời gian (Công ty Sông Đà 4 được đổi tên từ Công ty xây dựng thuỷ điện miền Trung vào năm 1996 và Thành phố Pleiku được thành lập từ năm 1999) .”!

Ông Trần Cao Tác bức xúc trao đổi cùng PV báo chí: “Quyết định 557/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai có hiệu lực kể từ ngày 22/5/2012 trong đó huỷ những công văn, Quyết định thu hồi đất của gia đình tôi đồng thời yêu cầu UBND huyện Ia Grai cấp lại GCNQSDĐ cho gia đình tôi. Tuy nhiên, suốt hơn 5 năm qua, UBDN huyện Ia Grai không chịu thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Gia Lai và liên lục ra những công văn như 667/UBND-TNMT; 264/BC-UBND báo cáo sai sự thật lên UBND tỉnh. Chính quyền huyện Ia Grai lại dựa vào những lý do không chính đáng, những văn bản đã được Quyết định 557/QĐ-UBND huỷ bỏ chỉ hướng đến mục đích không thực hiện Quyết định của UBND tỉnh suốt hơn 5 năm qua rõ ràng là có dấu hiệu sai. Còn việc bà Đặng Thị Sang làm hồ sơ giả, biên bản giám sát thực địa giả… bên Công an huyện cũng ra thông báo khẳng định nhưng thật là thật – giả là giả chứ làm gì có kiểu hồ sơ “giả là đúng một phần” được?”...

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Thanh Luận