Đường Lê Đức Thọ, thuộc quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 10:38, 06/09/2017
Đường Lê Đức Thọ dài 2.000m, rộng 40 - 80m.
Từ đường 32 (trạm xăng dầu Mai Dịch) đến cửa sân vận động Quốc Gia Mỹ Đình. Đường đi qua các khu chung cư cao tầng, trụ sở Trung ương Hội kế hoạch hóa gia đình Việt Nam. Điểm cuối là sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, mặt đường rộng có 6 làn.
Nay thuộc phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy và xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm.
Tên đường mới đặt tháng 2/2003.
Lê Đức Thọ (1911 - 1990) tên thật là Phan Đình Khải, quê ở làng Địch Lễ huyện Mỹ Lộc, nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định.
Hoạt động cách mạng, từ khi còn đi học ở thành phố Nam Định, ông đã tham gia bãi khóa và dự lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh năm 1926. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương sớm, bị thực dân Pháp bắt đày đi nhiều nơi, hết Côn Đảo, Hà Nội, Sơn La, đến Hòa Bình.
Cuối năm 1944, sau khi ra tù, ông liên tục đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng, quyết định những chủ trương quan trọng: phát động cao trào cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa, toàn quốc kháng chiến. Từ năm 1948 đến 1954, ông công tác tại miền Nam, giữ chứng cương vị chủ chốt ở Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương cục miền Nam.
Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, cuối năm đó được bổ sung vào Bộ Chính trị, phụ trách những công tác tổ chức của Trung ương Đảng, kiêm chức Giám đốc trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, vào Quân ủy Trung ương.
Sau cuộc Tổng tấn công tết Mậu Thân năm 1968, ông được cử vào miền Nam công tác một thời gian. Tháng 5/1968, ông được giao nhiệm vụ phụ trách công tác đấu tranh ngoại giao, làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu chính phủ ta tại Hội nghị Paris bàn bề lập lại hòa bình ở Việt Nam và trực tiếp đàm phán với đại diện của Chính phủ Mỹ để giải quyết vấn đề hòa bình ở Việt Nam.
Sau Hiệp định Paris về Việt Nam (1973), ông được cử làm Trưởng ban miền Nam của Trung ương. Năm 1975, ông lại vào miền Nam tham gia chỉ đạo cuộc Tổng tiến công Mùa xuân và chiến dịch Hồ Chí Minh.
Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), ông tiếp tục giữ những chức vụ quan trọng của Đảng. Đến Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986), ông được cử làm Cố vấn của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Nhà nước ta và Chính phủ một số nước đã tặng ông nhiều huân chương cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Cách mạng tháng mười, Huân chương Ăngco.