Phố Lê Lai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 14:43, 08/09/2017
Phố Lê Lai dài 408m, rộng 8m.
Từ đường Trần Quang Khải đến phố Đinh Tiên Hoàng, chạy cắt ngang qua ngã sáu Lý Thái Tổ - Ngô Quyền cạnh vườn hoa Chí Linh cũ (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) qua trước trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Đây nguyên đầu phía đông là đất thôn Vọng Hà, tổng Tả Túc còn đầu phía tây là chỗ giáp ranh hai làng Hà Thành và Tả Vọng, tổng Hữu Túc đều thuộc huyện Thọ Xương cũ.
Thời Pháp thuộc, đây là hai phố Đô-mi-rê (rue Dopminé) và Bon-nua (rue Bonhour) có từ năm 1919, đến năm 1945 đổi thành tên Thành phố Lục Tỉnh. Năm 1951 hai phố này gộp lại thành phố Lê Lai.
Lê Lai người thôn Dựng Tú, huyện Lương Giang, nay là xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
Đầu năm 1416, ông cùng người anh ruột là Lê Lãn và ba con trai là Lê Lô, Lê Lộ, Lê Lâm theo Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh. Tên ông đứng hàng thứ hai, sau Lê Lợi, trong bài văn thề ở hội thề Lũng Nhai do Lê Lợi tổ chức cùng 18 người thân tín vào đầu tháng hai năm Bính Thân (1416).
Đầu năm 1418, chỉ ít lâu sau ngày khởi binh, nghĩa quân rút về đóng ở núi Chí Linh (nay là núi Pù Rinh ở xã Giao An, huyện Lang Chánh, giáp với huyện Thường Xuân, Thanh Hóa). Quân Minh kéo tới bao vây. Lê Lợi bàn với các tướng: “Bây giờ ai có thể làm như Kỷ Tín xưa để ta tạm ẩn náu trong núi rừng, mưu tính về sau?” (Cương mục).
Lê Lai khảng khái tình nguyện mặc áo bào, cải trang làm Lê Lợi, xông ra trận. Giặc bắt được tưởng là Lê Lợi, giết đi rồi kéo quân về. Nhờ đó Lê Lợi thoát nạn, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Sau này khi đã thành công, Lê Lai được truy phong là “Thái úy Đệ nhất công thần”.