Cha kiện con đòi tiền trúng số độc đắc

Tin tức - Ngày đăng : 09:43, 11/09/2017

Theo tòa sơ thẩm, người con gái không có chứng cứ gì chứng minh rằng người cha đã cho tặng số tiền 1 tỉ đồng nên tòa tuyên buộc phải trả lại...
Theo hồ sơ, tháng 5-2016, ông Phạm Văn Đồng (53 tuổi, ngụ huyện Tân Thạnh, Long An) trúng thưởng bốn tờ vé số, trong đó có ba tờ trúng giải độc đắc (1,5 tỉ đồng/tờ) và một tờ trúng giải khuyến khích (100 triệu đồng).

Kiện con gái đòi 1 tỉ đồng

Sau đó ông Đồng đã tặng cho người chị ruột của mình tờ vé số trúng giải khuyến khích, còn lại ba tờ trúng giải độc đắc thì ông giữ trong người.

Hay tin ông Đồng trúng số, ông NHH (con rể ông Đồng) đã đến kêu ông Đồng đưa ba tờ vé số độc đắc để đi lãnh thưởng giúp. Ông Đồng đồng ý. Tiếp đó, ông H. đưa ba tờ vé số cho vợ giữ. Vợ ông H. cùng một người con gái khác của ông Đồng là bà PTMS đã đi lãnh tiền trúng thưởng.

Theo ông Đồng, nhận được tiền trúng thưởng, các con ông đã chia nhau tiêu xài. Còn lại 1 tỉ đồng, bà S. đem gửi tiết kiệm tại một chi nhánh ngân hàng ở huyện Tân Thạnh. Ông Đồng nhiều lần yêu cầu bà S. chuyển số tiền này cho ông tự quản lý nhưng bà S. không chịu. Vì vậy ông Đồng đã khởi kiện, yêu cầu TAND huyện Tân Thạnh tuyên buộc bà S. phải trả lại 1 tỉ đồng cho ông.

Cha kiện con đòi tiền trúng số độc đắc - ảnh 1
Ông Phạm Văn Đồng, người đang kiện con gái để đòi lại 1 tỉ đồng tiền trúng vé số độc đắc. Ảnh: T.VÂN

Tòa tuyên con gái thua kiện

Theo yêu cầu của ông Đồng, TAND huyện Tân Thạnh đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong tỏa số tiền gửi tiết kiệm 1 tỉ đồng của bà S. trong sổ tiết kiệm tại ngân hàng. Ông Đồng phải nộp tạm ứng 200 triệu đồng để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm.

Làm việc với tòa, bà S. không đồng ý trả lại 1 tỉ đồng cho ông Đồng. Bà khai rằng sau khi nhận tiền trúng thưởng vé số, bà đã đưa cho ông Đồng khoảng 2 tỉ đồng để chia cho anh chị em cùng bà con họ hàng. Số tiền còn lại trong tài khoản của bà là 2 tỉ đồng, bà đã rút ra mua một căn nhà với giá 400 triệu đồng cho ông Đồng ở, sau đó rút thêm 100 triệu đồng nữa để mua nội thất trong nhà.

Cũng theo bà S., đến tháng 8-2016, bà rút tiếp 500 triệu đồng để đưa cho ông Đồng tiêu xài. Còn lại 1 tỉ đồng, ông Đồng nói cho bà nên bà đã gửi tiết kiệm với thời hạn một năm, có dự thưởng, không được rút trước thời hạn. Do cần tiền tiêu xài nên bà đã thế chấp sổ tiết kiệm này và vay ngân hàng 1 tỉ đồng.

Phía ngân hàng (tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) cũng có yêu cầu độc lập là yêu cầu bà S. phải trả lại 1 tỉ đồng tiền vay cùng gần 50 triệu đồng tiền lãi phát sinh. Cạnh đó, ngân hàng còn yêu cầu tòa hủy quyết định phong tỏa sổ tiết kiệm để ngân hàng thu hồi khoản vay của bà S.

Ngày 23-8-2017, TAND huyện Tân Thạnh đã đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm. Tòa nhận định rằng bà S. không có chứng cứ gì chứng minh rằng ông Đồng đã cho tặng bà số tiền 1 tỉ đồng này. Từ đó tòa tuyên buộc bà S. phải trả cho ông Đồng 1 tỉ đồng. Ngoài ra, tòa cũng tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của phía ngân hàng.

Sau phiên xử, ông Đồng đã kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm bởi theo ông, bản án sơ thẩm tuyên như vậy là ưu tiên cho phía ngân hàng được nhận toàn bộ số tiền 1 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm của bà S. Mà như vậy thì ông sẽ khó mà đòi lại được tiền từ bà S.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ kiện này có diễn tiến mới.

"Dù gì nó cũng là con tôi mà”…

Chúng tôi tìm đến nhà ông Đồng giữa trưa nắng, gặp ông đang mệt mỏi đạp xe từ vườn về. Nhìn ông gầy còm, khắc khổ đến tội nghiệp. Ngồi nghỉ mệt một lúc, ông kể: “Tôi có bốn người con. Vợ thì đã thôi nhau mười mấy năm rồi. Mấy đứa nhỏ sống với mẹ hết. Tôi ở một mình, có gì ăn đó. Hồi sau có một thằng con trai chạy về ở với tôi. Tôi nghèo lắm, không có tiền để cấp dưỡng, các con cũng không oán trách mà còn thường xuyên thăm hỏi. Hồi đó nghèo vậy chứ mà vui…”.

Theo ông Đồng, người con đang sống với ông bị khù khờ và kém trí nhớ. Anh nay đã 27 tuổi, vẫn đang sống phụ thuộc vào ông. Anh còn có đặc điểm là thích đi chơi, có khi đi chơi không biết đường về, ông phải đi tìm khắp nơi để dắt con về.

Tiếp xúc, thấy ông vẫn minh mẫn, chúng tôi hỏi sao ông không tự đến tòa mà phải ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng. Ông Đồng thở dài buồn bã: “Tôi không đành lòng đứng trước tòa để tố con gái mình. Dù gì nó cũng là con mình mà… Nó lấy tiền tôi mua ô tô cho chồng nó chạy, không chở tôi đi ngày nào. Tôi bệnh kêu con lấy xe chở cha đi khám bệnh, nó biểu tôi đi xe ôm đi… Mà nói thiệt, nó lấy hết tiền tôi cũng không buồn bằng cái nó hỗn. Tôi là cha mà nó chửi tôi như…”. Nói đến đây thì ông nghẹn lời, không nói được nữa.

Chúng tôi gặng hỏi thêm. Những nếp nhăn trên mặt ông Đồng như hằn sâu hơn. Co rúm người lại, ông buồn hiu lắc đầu: “Thôi, nó cũng là con tôi mà!”.

Theo ông Đồng, số tiền trúng thưởng các con ông đã chia nhau tiêu xài hết. Bà S. chỉ mua cho ông một căn nhà để ở. Hằng ngày ông vẫn phải làm vườn, tự kiếm tiền sinh sống. “Lâu lâu hết tiền, tôi qua xin nó cho được năm chục hoặc một trăm ngàn thôi, như vậy thì làm sao mà sống” - ông than thở.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, bà S. phủ nhận hết những điều ông Đồng nói. Theo bà, số tiền trúng thưởng bà rút ra chủ yếu là lo cho ông. Mua gì, sắm gì hay cho ai đều thông qua ý ông. Còn ô tô là bà mua để chạy dịch vụ, ngày ông yêu cầu bà chở ông đi thì xe kẹt chở khách. “Chở khách thì đông còn chở ông thì chỉ có một người nên tôi kêu xe ôm tới chở ông đi cho tiện thì ông không đồng ý” - bà S. giải thích.

Bà S. cũng phân trần là thời gian sau này bà phải dưỡng thai nên không thể thường xuyên tới lui chăm sóc cha được. Về số tiền 1 tỉ đồng gửi tiết kiệm, bà cho rằng đã được cha cho nên không đồng ý trả. “Còn ông cụ muốn kiện thì cứ kiện thôi…” - bà nói.

Thanh Vân/PLO