Mai Châu xa mà gần
Tin tức - Ngày đăng : 11:51, 11/09/2017
Mai Châu đây rồi. Tôi thoáng sững sờ, mặc dù chuyến đi đã được định trước. Vẫn một trưa nắng ong ong trong suốt trải dài khắp thung lũng nhưng hơi lạnh vẫn lan tỏa đây đó trong những vòm cây bờ suối:
Mai Châu thực đó, ư anh
Một đời khát đến ngỡ thành chiêm bao
(Miền tâm tư)
Nếu tính từ khi bài thơ "Tây Tiến" của cố thi sĩ Quang Dũng viết năm 1948, lúc tôi mới sinh đến nay đã gần 70 năm. Tôi thuộc bài thơ này qua một nhà thơ đàn anh vào thập niên 70 của thế kỷ trước, khi bài thơ còn bị coi nhuốm màu “tiểu tư sản tri thức!?”. Sau này khi tìm hiểu sự ra đời của bài thơ, tôi mới được biết: “Đoàn quân Tây Tiến được thành lập vào đầu năm 1947 địa bàn hoạt động khá rộng từ Châu Mai, Châu Mộc đến Sầm Nứa rồi vòng về miền Tây Thanh Hóa. Lính Tây Tiến phần nhiều là thanh niên Hà Nội thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, trong đó có cả học sinh, trí thức...”. Bên cạnh cái gian khó, hy sinh làm nên không khí bí tráng của lính Tây Tiến còn sự bay bổng lãng mạn nâng đỡ tâm hồn chiến sĩ: Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi... Đêm mơ Hà Nội Giáng Kiều thơm. Và tôi nhớ mãi: Mai Châu mùa em thơm nếp xôi để đến bây giờ tôi được đặt chân lên mảnh đất với sự ám ảnh của câu thơ ấy. Có lẽ vì quãng lùi khá xa về mặt thời gian khung cảnh Tây Tiến bị xóa nhòa, chẳng lưu lại được dấu vết nào đáng kể. Mai Châu cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó. Theo tôi cảm nhận thiên nhiên hùng vĩ với núi cao, sương khói, mây trời kết hợp hài hòa con người thuần hậu hồn nhiên nơi đây đã tạo cảm hứng thăng hoa của cố thi sĩ Quang Dũng trên nền hiện thực trần trụi, khốc liệt của chiến tranh cái hoài nhớ nên thơ không dễ gì có được...
Bản Lác được huyện Mai Châu (Hòa Bình) chọn làm điểm du lịch. Đó là một bản người Thái cách thị trấn Mai Châu không xa. Sàn nhà nằm chung nhưng có phòng ăn, phòng tắm nóng lạnh, đầy đủ tiện lợi cho khách du lịch. Bên dưới chủ nhà bán đồ lưu niệm như: hộp, rổ, mây tre đan, hàng thổ cẩm mỹ nghệ... phong phú về chủng loại và sắc màu. Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về phong tục tập quán người Thái thi phải vào tận trong bản Pheo, bản Lầu... Có lẽ sinh hoạt văn hóa chủ yếu dựa vào các đội văn nghệ bản làng trong xã phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Trang phục của các cô gái Thái với áo chẽn trắng, viền xanh, khuy bạc lóng lánh, váy xanh có nét hoa văn thêu khéo viền quanh. Hát hay, đàn giỏi, múa đẹp khiến du khách đắm say trong sinh hoạt cộng đồng. Nhất là ở đây có rượu Mai Hạ say nồng được mời từ các cô gái Thái duyên dáng...
Chủ tịch xã Mai Hạ là Vì Xuân Đức hồi tôi đến Mai Châu mới quen lần đầu đã cảm mến anh ngay. Dáng người dong dỏng cao, nét mặt hiền hiền, giọng nói từ tốn, khoan hòa khiến ai khi tiếp xúc với anh cũng thấy dễ gần. Cách đây hai năm, Thúy - phóng viên báo nơi tôi công tác lên Mai Châu thâm nhập thực tế được gặp anh tạo điều kiện viết bài phòng chống ma túy. Thế mới có chuyến Mai Châu giao lưu cùng chi đoàn xã Mai Hạ và chi đoàn báo tôi công tác nhờ sự đan kết này. Thuý cho tôi biết: “Anh Vì Xuân Đức là người rất mê thơ, cũng lãng mạn lắm đấy”. Trong buổi giao lưu cùng chi đoàn, anh đọc một mạch cả bài thơ của Lò Cao Nhum (nhà thơ người Thái) về Mai Châu trong xúc cảm dâng trào và khóe mắt ngấn lệ. Anh Đức đưa chi đoàn báo xuống các hộ chính sách tặng quà, đến đâu anh cũng được mọi người tiếp đón trọng thị. Khi tạm biệt, với chén rượu rưng rưng trên tay, anh nói: “Hẹn ngày gặp lại, lần sau anh lên nhớ ở lâu và tìm hiểu thực tế kỹ vào nhé!”. Tôi lại mắc nợ ân tình lần nữa. Thế đấy, Mai Châu ngỡ xa mà thật gần...