Theo chân nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu đến nước Pháp (1937)
Thơ - Ngày đăng : 09:27, 12/09/2017
Nhà khoa học, nhà báo Nguyễn Công Tiễu (14/ 8/1892 - 3/10/1976), hiệu Minh Nông, sinh tại làng Trà Bồ (tục gọi làng Chè), tổng Ba Đông (nay thuộc xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Thuở nhỏ ông học chữ Nho, sau học Quốc ngữ. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Nông lâm (1912), là người Việt Nam duy nhất được đề cử vào Hội đồng Nghiên cứu khoa học Đông Dương (Conseil de Recherches Sientifiques de l’Indochine) vào năm 1927.
Nguyễn Công Tiễu cũng là người sáng lập Khoa học tạp chí tại Hà Nội, ra được 232 số (số 1 ra ngày 1/7/1931 đến số 232, ra tháng 8/1940) và làm Chủ nhiệm Vệ nông báo… Đến đầu năm 1945, ông bị bệnh thiên đầu thống khiến mù cả hai mắt nhưng vẫn say mê nghiên cứu khoa học, sáng tạo chữ nổi dạy người mù. Năm 1960, ông được mời làm Ủy viên Trung ương Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Chủ tịch Hội người mù Việt Nam… Các công trình nghiên cứu cơ bản của Nguyễn Công Tiễu: Những kỳ quan vũ trụ (1929); Những điều bí mật về bèo hoa dâu (1934), Khảo cứu về bèo hoa dâu (1934); tác phẩm Du ký công vụ Du lịch Âu châu - Hội chợ Marseille - Đấu xảo quốc tế Paris (1937 - 1940; In lại. NXB Tri thức, H., 2017, 236 trang) và các bản thảo: Xem cây mọc dại biết loại đất hoang, Ký hiệu chữ nổi…
Đặt trong tương quan chung, tác phẩm Du ký Du lịch Âu châu - Hội chợ Marseille - Đấu xảo quốc tế Paris của nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu có một vị trí thật đặc biệt. Trên thực tế, vào nửa sau năm 1937, nhà nông học Nguyễn Công Tiễu có chân trong Hội đồng khảo cứu về khoa học Đông Dương từ mười năm trước đã lên đường sang Pháp tham dự hội chợ Marseille và ông đã tỉ mỉ “xin kê tên và địa chỉ mấy nhà xuất cảng gạo, chè, cà phê, hạt tiêu... để các nhà sản xuất ra những món hàng ấy biết chỗ mà bán”; đồng thời tham dự Hội nghị khảo cứu khoa học ở các thuộc địa Pháp, ở đó ông có đến dự mấy kỳ và “có được một lần lên diễn đàn để giảng nghĩa về cái máy chạy bằng ánh sáng mặt trời, mà ông Trần Công Tiến đã cùng tôi sáng chế ra năm nọ. Máy ấy gọi là Turbine solaire Tiêu – Tiên”… Chính nhờ chuyến đi đó mà nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu có được thiên du ký thú vị Du lịch Âu châu - Hội chợ Marseille - Đấu xảo quốc tế Paris in trên Khoa học tạp chí, từ số 170, ra ngày 11/9/1937, tr.502 - 504 đến số 230, ra ngày 1/5/1940, tr.606...
Vốn là nhà nông học, Nguyễn Công Tiễu sang nước Pháp tham dự hội thảo khoa học quốc tế, đến thăm các thành phố lớn, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhưng vẫn mong muốn tìm hiểu đời sống nông thôn, nông dân, tình quê, cảnh quê: “Từ ngày có nhiều lối giao thông tiện lợi, từ Nam sang Pháp, từ Pháp sang Nam, không mấy ngày là không có người đi về hai nước. Trong số người đi về ấy, có nhiều hạng: thương mại có, kỹ nghệ có, công chức có, du học có, du lịch có. Người ta sang Tây cũng như người Tây sang ta, phần nhiều hay ở những nơi thành thị, ít khi ở chốn nhà quê. Bởi thế cho nên khi về nước thường hay đem những câu chuyện tỉnh ra nói hơn là chuyện nhà quê. Chuyện tỉnh thì nhiều và dễ kiếm vì ở tỉnh có lắm thức hay vật lạ [...]. Nhân tôi vừa có dịp sang Pháp dự cuộc Đấu xảo quốc tế Paris, lại được sẵn thời giờ, nên có về miền nhà quê, ở nhiều nơi, giao thiệp với các hạng người, quan sát cuộc sinh hoạt, khảo cứu công việc làm của họ. Trong cuộc du lịch ấy tôi có sưu tập được ít nhiều tài liệu về chuyện nhà quê ấy, nay xin đem món dã vị đó cống hiến các ngài, dám chắc rằng các ngài chẳng được hài lòng, vì món đó, cho khéo soạn đến đâu cũng có phần nhạt nhẽo, khô khan. Nhưng còn mong ở lượng các ngài tùy ý mà cho thêm đồ gia vị, may ra món dã vị kia thanh đạm mà ngon” (Khoa học tạp chí, số 187, ra ngày 1-4-1938, tr.150)…
Rồi nhà khoa học, ký giả Nguyễn Công Tiễu dẫn người đọc đến làng Salinelle, thuộc tổng Sommière, quận Gard, ở về phía nam nước Pháp, cách Marseille chừng vài ba tiếng đồng hồ. Hãy nghe ông tả lại cảnh quan thôn quê nước Pháp cách ngày nay đã gần một thế kỷ: “Làng ở trên đỉnh đồi. Nhà làm hai bên đường như một phố ở tỉnh vậy; cái cũ, cái mới, cái thấp, cái cao; hầu hết mọi nhà đều xây tường bằng đá, vì đá ấy ngay ở đồi; gạch thường chỉ dùng để xây lò sưởi, làm cột. Mà phần nhiều lợp bằng ngói ống (tiges de bottes) xoai xoải; lắm cái mái trông sù sì, có dáng bền chặt, ít vẻ trang hoàng. Nhà nào cũng để nhiều cửa sổ, trong kính, giữa căng lưới cắt, ngoài ít khi có cánh chớp, phần nhiều là cửa ván sơn. Ở hai dãy nhà có lắm cái thật cổ, làm từ thế kỷ thứ mười bảy, nghĩa là đến nay đã ba trăm năm; có lắm cái tối tân, như trường học, nhà giây thép (có máy điện tín và điện thoại), nhà thờ, tòa xã trưởng (trên tòa xã trưởng có gác chuông, chuông treo lộ thiên, có báo giờ). Đường rộng đến 10 thước có trải nhựa, có lề đường; có đèn điện thắp suốt đêm, có máy nước, nước do máy bơm điện dẫn từ nhà máy nước riêng của làng lên lầu chứa nước. Khi chúng tôi vào trong làng có gặp mấy ông già, bà lão, mấy cậu con trai, cô con gái. Họ chào bà B. và thấy tôi là khách lạ da vàng, nhìn trộm một chút rồi lảng đi hay là vào trong nhà ngay, chứ không theo lũ lượt hay là quây vòng trong vòng ngoài như khi có ông Tây về nhà quê ta” (Bđd)...
Khi đến Paris, nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu xuống tàu điện ngầm, trải nghiệm cả phương tiện hiện đại cũng như sinh hoạt đời thường, ý thức văn minh, thanh lịch và trách nhiệm của mỗi công dân: “Trong xe rất sạch sẽ, có riêng mấy ghế đánh số để phần các nhà cựu binh. Không thấy đàn ông nhường đàn bà. Họ giữ gìn chỗ ngồi sạch sẽ lắm. Một lần tôi được mục kích việc sau này: tôi ngồi bên một bà đầm, cạnh bà có một chỗ không. Đối diện bà đầm có một người da vàng ngồi xem nhật trình. Người ấy gác một chân lên chỗ không ấy, làm cho cát bụi rơi xuống cạnh ghế. Bà đầm chẳng nói gì khi bà còn ngồi, nhưng khi bà đứng dậy sắp lên, bà nhẹ nhàng nói với ông đọc báo: “Xin ông lau sạch chỗ này cho”… Ông kia phải lấy tờ báo quạt sạch rồi bà kia mới đi” (Khoa học tạp chí, số 198, ra ngày 15-9-1938, tr.414)…
Cuốn Du lịch châu Âu... của nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu
Với tư cách người tham quan và nhà báo, người lược thuật thông tin về cuộc triển lãm, Nguyễn Công Tiễu đi xem, khảo sát và mô tả chi tiết 17 gian hàng, mở đầu là gian Phát biểu tư tưởng (Phát minh – Lâu đài khoa học, Văn chương - Thư viện, Bảo tàng và triển lãm, Diễn kịch, Âm nhạc, Ca vũ, Chớp bóng, Hội nghị và diễn thuyết)…
Với vị thế nhà khoa học, Nguyễn Công Tiễu đặc biệt say mê tìm hiểu, khám phá và tường thuật cái hay, cái mới, cái hiện đại của 8 ban ngành khoa học, kỹ thuật: Toán học - Ban Thiên văn - Ban Vật lý - Ban Hóa học - Ban Sinh lý - Ban Y học - Ban Giải phẫu - Ban Vi trùng… Đứng trước các sản phẩm triển lãm, nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu thấy hứng khởi với công việc chuyên môn: “Những người đi xem được đứng trước những cuộc thí nghiệm rất vui mắt kia trong Đài Khoa học, ai cũng lấy làm khoan khoái; nhiều người có cái cảm tưởng rằng mình cũng muốn làm nhà khảo cứu, biết đâu một ngày kia, mình lại không phát minh ra những điều bổ ích cho xã hội, nhân quần” (Khoa học tạp chí, số 202, ra ngày 15-11-1938, tr.511-512)…
Nhìn rộng ra, những trang ghi chép về quang cảnh hội chợ, không khí hội nghị khoa học, cơ sở các phòng ban chuyên môn, các điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đều được Nguyễn Công Tiễu diễn tả đầy đủ, chi tiết, khơi gợi hứng thú và đưa đến nguồn tri thức mới mẻ cho người đọc. Đặc biệt Nguyễn Công Tiễu luôn chú ý liên hệ, so sánh thực tại nước Pháp hiện đại với hoàn cảnh cụ thể của đất nước, dân tộc mình. Qua đây cũng có thể thấy rõ hơn năng lực và tâm huyết của một thế hệ trí thức Tây học, bên cạnh hoạt động nghề nghiệp chuyên môn vẫn trổ tài viết du ký, phác họa cảnh quan những miền đất mới, giúp bạn đọc quê nhà cùng được hưởng niềm vui du ngoạn “ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm”…
Đến nay, một số tác phẩm du ký viết về nước Pháp và mối quan hệ Việt - Pháp thuộc giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX đã bước đầu được sưu tập, tuyển in lại. Trong thời gian tới, việc tăng cường sưu tập và hoàn thành một bộ toàn tập các tác phẩm du ký theo chủ điểm nói trên chắc chắn không chỉ có ý nghĩa trên phương diện lịch sử mà còn giúp ích cho việc nhận thức con đường đổi mới, phát triển đất nước cũng như chính mối quan hệ Việt - Pháp trong hiện tại và cả thì tương lai.