Tổng Cục Hải quan lên tiếng vì sao bắt giam 02 cán bộ Hải quan

Tin tức - Ngày đăng : 14:36, 12/09/2017

Liên quan đến việc xử lý vi phạm đối với cán bộ công chức thuộc Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh liên quan đến vụ 213 container tại cảng Cát Lái, Tổng cục Hải quan vừa lên tiếng thông tin chính thức về vụ việc này.
Bắt tạm giam 02 cán bộ Hải quan về vụ 213 container mất tích
Xe container vận chuyển hàng ra vào cảng Cát Lái chiều 17-7 - (Ảnh: G.Phạm/tuổitre)

Theo đó, ngày 9/9/2017,Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công an)đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Lâm (công chức Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) về hành vi “lợi dụng chức trách nhiệm vụ được giao đã cố ý không thực hiện đúng các quy định của ngành Hải quan tiếp tay cho một số đối tượng lợi dụng chính sách trung chuyển, quá cảnh hàng hóa để nhập hàng cấm từ nước ngoài vào tiêu thụ Việt Nam”.

Cũng liên quan đến vụ việc trên, trước đó, ngày 25/8/2017, C46 Bộ Công an cũng đã bắt tạm giam ông Trần Thanh Tùng, công chức Chi cục Hải quan Chuyển Phát nhanh (trước đó ông Tùng làm việc tại Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu - Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1) về hành vi “biết nhưng không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao,không quản lý seal theo quy định của Tổng cục Hải quan gây hậu quả nghiêm trọng”.


Để phục vụ cho công tác điều tra của cơ quan Công an, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã có các Quyết định số 1818/QĐ-HQHCM1742/QĐ-HQHCM về việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Lâm và ông Trần Thanh Tùng.


Đối với vụ việc 213 container nêu trênTổng cục Hải quan đã chủ động thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển độc lập tại một số cục hải quan tỉnh, thành phố khu vực trọng điểm phía Bắc và phía Nam. Từ đó đã phát hiện vào giữa năm 2015 có 213 container của 56 doanh nghiệp vận chuyển quá cảnh qua cảng Cát Lái (TP.HCM- cửa khẩu nơi đi) để trung chuyển bằng đường bộ, sau đó xuất đi Campuchia (cửa khẩu nơi đến).

Tuy nhiên, số container trên đã được doanh nghiệp vận chuyển khỏi cảng Cát Lái nhưng không được đưa đến cửa khẩu xuất theo quy định.


Liên quan đến vụ việc này, Tổng cục Hải quan xác định ngoài nguyên nhân một số công chức thừa hành tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cục Hải quan TP.HCM chưa thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ (cập nhật thông tin, theo dõi tình trạng vận chuyển hàng hoá; truy tìm hàng khi đã quá thời hạn đăng ký mà chưa có thông tin xác nhận hàng đã đến đích...) thì có những nguyên nhân rất quan trọng là: Đối tượng đã lợi dụng các yếu tố thuận lợi trong khâu cấp phép đăng ký kinh doanh và quản lý sau cấp phép để hoạt động buôn lậu (qua xác minh của cơ quan Hải quan thì 56 doanh nghiệp có 213 container nêu trên đều đã không còn hoạt động hoặc không có trụ sở tại địa chỉ đã đăng ký). Hiện tại Tổng cục Hải quan đã phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra, các đơn vị thuộc Tổng cục An ninh - Bộ Công an và Công an TP. HCM  để khám xét, điều tra các container và doanh nghiệp vi phạm.


Từ những nội dung nêu trên, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan TP.HCM xem xét, xử lý nghiêm những công chức có hành vi sai phạm, đồng thời kiến nghị cần phải chấn chỉnh khâu cấp phép và tăng cường công tác quản lý sau cấp phép đối với doanh nghiệp của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.


Thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại theo chủ trương của Chính phủ, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan, phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK),đồng thời tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra nội bộ và kiên quyết xử lý nghiêm minh công chức có hành vi vi phạm- Tổng cục Hải quan nhấn mạnh./.

Nguyên Vũ