Phố Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 13:32, 13/09/2017
Phố Lê Thánh Tông dài 558m, rộng 12-15m.
Từ Quảng trường Mười chín tháng Tám trước mặt nhà hát thành phố đến phố Trần Hưng Đạo. chỗ ngã năm giao với phố Hàn Thuyên, Trần Thánh Tông.
Đây nguyên là dải đất chạy men theo bức tường phía đông của tòa thành đất bao quanh thành Thăng Long xưa.
Thời Pháp thuộc gọi phố này là đại lộ Bô-bi-ô (boulvvarf Bobillot). Năm 1945 đổi thành phố Lê Thánh Tông. Năm 1949 đổi thành đại lộ Lê Thánh Tông. Từ sau năm 1954 gọi là phố Lê Thánh Tông.
Nay thuộc phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm.
Năm 1904 Pháp bắt đầu lập Trường Cao đẳng Y dược tại phố này, sau phát triển thêm khoa Luật.
Trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), nơi đây đã diễn ra chiến sự ác liệt giữa ta và địch, bộ đội thành Hà Nội đã giải thoát trên ba chục người bị địch giam giữ ở khu trường y dược này.
Lê Thánh Tông là miếu hiệu của Tư Thành, con thứ tư của Lê Thái Tông. Thánh Tông sinh năm 1442, được các triều thần đưa lên ngôi vua năm 1460. Thời kỳ ông trị vì (1460-1497) là thời tịnh nhất của triều Lê. Ông đã kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chống lại những hành động xâm phạm biên giới bằng mọi hình thức của giặc ngoại xâm.
Về mặt lập pháp, ông đã ban hành bộ luật nay quen gọi là Luật Hồng Đức, bộ luật tương đối tiến bộ so với tất cả các bộ luật của các triều đại phong kiến Việt Nam trước và sau đó.
Ông cũng có những biện pháp khuyến khích, phát triển nông nghiệp, văn hóa, giáo dục. Chính Lê Thánh Tông đã đặt ra lệ dựng bia ghi tên các tiến sĩ ở Văn Miếu, lập ra hội Tao Đàn, cắt cử người vẽ bản đồ cả nước, giao cho Ngô Sĩ Liên soạn bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”.
Bản thân ông cũng là một nhà thơ đặc sắc có nhiều bài được truyền tụng (cả Hán lẫn Nôm).
Ông mất năm 1497, thọ 56 tuổi, làm vua 38 năm.