Sân khấu Thủ đô sáng đèn trở lại: Liệu có ''hút'' được khán giả?

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:49, 14/11/2021

Sân khấu Thủ đô đang có chuyển động tích cực khi các nhà hát sáng đèn trở lại, những dự án sân khấu được gấp rút hoàn thành cho kịp hẹn. Nhưng trong niềm vui được tất bật sau những ngày dài im ắng, các nghệ sĩ không giấu được nỗi lo lớn: Khán giả liệu có đến xem?
Sân khấu Thủ đô sáng đèn trở lại: Liệu có ''hút'' được khán giả?
Cảnh trong vở “Tình mẹ” của Hội Sân khấu Hà Nội.

Sôi nổi trở lại

Sự kiện kỷ niệm “100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam” (diễn ra từ ngày 21 đến 27-10 vừa qua) là “màn trở lại” ấn tượng của sân khấu Thủ đô sau nhiều tháng nghỉ giãn cách. Hàng loạt vở diễn nổi tiếng: “Chén thuốc độc”, “Người tốt nhà số 5”, “Ai là thủ phạm”, “Bạch đàn liễu”, “Phải có ba đồng” cùng các sự kiện sôi nổi diễn ra trong một tuần lễ đã mang đến bầu không khí mới cho đời sống sân khấu Thủ đô.

Ngay sau tuần lễ này, nhiều nhà hát gấp rút chuẩn bị cho Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 tổ chức tại Hải Phòng từ ngày 5 đến 16-11. Đại diện cho Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội tham dự liên hoan với vở diễn “Tình mẹ” do NSND Tuấn Hải đạo diễn, Nhà hát Kịch Hà Nội tham gia với 2 vở diễn “Hà thành chính khí” và “Làng song sinh”. Cùng với đó, các nhà hát đóng trên địa bàn Thủ đô như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Quân đội, Nhà hát Tuổi trẻ, Sân khấu kịch Lệ Ngọc, Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Nhà hát Công an nhân dân cũng gấp rút tập vở dự liên hoan, tạo nên bầu không khí sôi động.

Nhiều vở mới cũng được các nhà hát khởi công để kịp tiến độ dựng vở trong năm nay. Nổi bật có thể kể đến vở “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường” vừa được Nhà hát Kịch Hà Nội khởi công. Đây là kịch bản được tác giả Nhật Linh viết dựa trên câu chuyện về thân phận nàng Kiều trong tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du và được đạo diễn NSND Tuấn Hải dàn dựng.

Dự án sân khấu “Antigone” cũng thu hút sự chú ý của người yêu sân khấu Thủ đô bởi vở kịch “Antigone” của nhà viết kịch Hy Lạp cổ đại Sophocles là một tác phẩm văn chương vĩ đại của thế giới. Dự án này do Viện Goethe cùng Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác cùng các đạo diễn sân khấu Trần Lực, Bùi Như Lai, Hà Nguyên Long cùng với nhà sáng tác đa phương tiện Hà Thúy Hằng, biên đạo Trần Minh Hải và đạo diễn Lê Thị Hòa An từ thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Vẫn lo thiếu vắng khán giả

Sau thành công của sự kiện kỷ niệm “100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam”, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ trên trang cá nhân lời cảm ơn tới những nghệ sĩ đã vượt mọi khó khăn để góp sức vào sự kiện này. Chị cho biết: “Dự kiến tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam đã nằm trong kế hoạch của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam từ đầu năm 2021, song đến sát thời gian diễn ra lễ kỷ niệm mà tình hình đại dịch vẫn hết sức phức tạp, cộng thêm nhiều khó khăn khác, cứ ngỡ là không thể nào thực hiện được. Vượt qua được những khó khăn ấy mới thấy được tinh thần nhiệt huyết và tình yêu sân khấu của những người nghệ sĩ thật vô cùng đáng quý”. Tình yêu với sân khấu đã và đang trở thành động lực cho hàng trăm nghệ sĩ Thủ đô vượt khó, trụ lại với nghề.

Tuy nhiên, cũng trong sự kiện này, nhiều nghệ sĩ đã chia sẻ rằng họ không ngại khó, không ngại khổ, cái ngại lớn nhất đó là sự “lạnh nhạt” của khán giả với sân khấu. NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ: “Có một thực tế chúng ta phải thừa nhận, nền nghệ thuật sân khấu đã đi qua giai đoạn hoàng kim và đang đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách. Sức cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại khiến sân khấu không còn sức hút như giai đoạn trước, dù những người làm sân khấu nghĩ đủ phương thức để kéo khán giả tới rạp”.

Thiếu vắng khán giả đã trở thành vấn đề lớn nhất của sân khấu trong khoảng ba thập niên trở lại đây. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, vấn đề đó càng trở nên nan giải. Nhà viết kịch Nguyễn Hiếu bày tỏ: “Bên cạnh điều đáng mừng là hoạt động sân khấu đã được phép trở lại từ khâu biểu diễn đến khâu tập vở, thì lại có một mối lo lớn, đó là sự thiếu vắng khán giả”. Chính vì vậy, ông cũng lo ngại vở diễn không bán được vé, vở dựng ra không có người xem, hay các tiết mục dàn dựng nhân sự kiện này chỉ diễn được vài buổi chào mừng rồi lại xếp kho...

Lo ngại không có khán giả, đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, là những lo ngại hoàn toàn có cơ sở, song việc của người nghệ sĩ vẫn là tiếp tục hành trình sáng tạo và đổi mới trong cách tiếp cận khán giả. Hy vọng rằng, tình yêu nghề, sự hăng say sáng tạo của các nghệ sĩ sẽ làm lan tỏa cảm hứng tới công chúng, lôi kéo họ quay trở lại với sân khấu.

HNMCT