Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về hai dự án luật
Tin tức - Ngày đăng : 14:21, 15/09/2017
Ngày 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Trình bày Tờ trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, tình hình môi trường kinh doanh cả trong nước và quốc tế có nhiều biến động nên việc sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh năm 2004 là cần thiết. Dự thảo luật đã bổ sung các quy định để hoàn thiện mô hình cơ quan cạnh tranh. Theo đó, cơ quan cạnh tranh quốc gia là cơ quan duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trên cơ sở hợp nhất 2 cơ quan hiện hành, gồm cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương) và Hội đồng cạnh tranh. Cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu băn khoăn về tính độc lập của cơ quan cạnh tranh quốc gia. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, chỉ khi sửa Luật Cạnh tranh theo hướng xây dựng cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập với bộ chủ quản, mới hy vọng bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận nội dung thảo luận. |
* Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng. Dự thảo Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 61 điều quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng và có liên quan tới hoạt động bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc ban hành Luật An ninh mạng, vì hiện nay, không gian mạng cũng là môi trường dễ bị các loại đối tượng tấn công hoặc sử dụng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi, xâm phạm, đe dọa đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần rà soát lại các quy định của dự thảo luật để đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lắp với các quy định của Hiến pháp và các dự án luật khác...
Kết luận phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, cho rằng dự án Luật An ninh mạng cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp sắp tới. Tuy nhiên, đây là dự án luật rất khó, nhiều nội dung phức tạp nên cần nghiên cứu kỹ...