Dịch tái bùng phát, doanh nghiệp lo ngại nhận thêm “cú đấm bồi”
Tin tức - Ngày đăng : 15:27, 14/11/2021
Tình hình dịch bệnh có dấu hiệu lan rộng tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây khiến các DN lo lắng về kịch bản giãn cách xã hội khi vừa chân ướt chân ráo quay trở lại kinh doanh. Để DN vững tâm phát triển, thời điểm này rất cần thêm trợ lực từ các chính sách.
“Vết thương” chưa kịp lànhNhững ngày qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận thêm nhiều ca mắc Covid-19 mới. Tại TP Hồ Chí Minh, số lượng các ca F0 tại nhà cũng trên đà tăng, buộc Sở Y tế phải tăng cường các trạm y tế lưu động để nhanh chóng xử lý tình hình. Bên cạnh đó, một số tỉnh thành như Bắc Ninh, Bắc Giang… cũng ghi nhận số ca F0 tăng trở lại, tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp. Bối cảnh này cảnh báo nguy cơ một làn sóng Covid-19 mới quay trở lại.
Trải qua hơn 2 năm chống chọi với dịch Covid-19, thời điểm này hầu hết DN đã ngấm đòn, kể cả những đơn vị có lợi thế chuyển đổi số và hoạt động trên nền tảng công nghệ như thương mại điện tử. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều DN lo ngại nếu kịch bản giãn cách xảy ra, các đơn vị sản xuất sản phẩm đầu vào ngưng trệ hoạt động thì chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến việc phục hồi.
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dược, mỹ phẩm, trong đợt giãn cách xã hội vừa qua, Công ty CP công nghệ cao Thái Minh ở Cụm Công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai phải thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, đồng thời giảm lượng nhân viên 50%. Để thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng dịch và sản xuất “3 tại chỗ”, trung bình mỗi tháng công ty phải đội thêm chi phí 3-4 tỷ đồng. Giám đốc Công ty CP công nghệ cao Thái Minh Đỗ Việt Hà cho biết, thời điểm này hoạt động của công ty đã quay trở lại bình thường, tuy nhiên khó khăn vẫn chưa hết. Việc nhiều lao động chưa thể quay trở lại làm việc, giá nguyên vật liệu tăng cao, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng, nguồn nguyên liệu nhập khẩu khan hiếm… là những khó khăn mà công ty đang phải đối diện. “Khoảng thời gian từ nay tới cuối năm rất quan trọng với công ty, bởi chúng tôi đang phải tăng công suất làm việc hoàn thiện các đơn hàng đã ký kết từ đầu năm, đồng thời tìm kiếm những bạn hàng mới. Do vậy, nếu phải tiếp nhận thêm một đợt giãn cách nữa DN sẽ không có khả năng gượng dậy” – ông Đỗ Việt Hà chia sẻ.
Chia sẻ thêm về những khó khăn của DN, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai Đặng Văn Điềm cho biết, dịch bệnh kéo dài khiến dòng tiền của DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ bị đứt gãy. Khi có cơ hội phục hồi sản xuất, DN tiếp tục đối mặt với các vấn đề như chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá vật tư tăng cao. Cùng với đó, vấn đề thiếu hụt lao động cũng đang là bài toán khó với DN. Thời điểm này, DN giống như một bệnh nhân đang trong quá trình hồi phục, sức khỏe kiệt quệ, vì thế nếu phải nhận thêm một “cú đấm bồi” sẽ không thể gượng dậy được. “Hiện các DN vừa và nhỏ đang rất mong muốn có thêm chương trình hỗ trợ kịp thời về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cân đối, giãn thời hạn đáo hạn nợ… để DN có thể phục hồi sản xuất” – ông Đặng Văn Điềm cho hay.
Theo khảo sát nhanh đến ngày 27/10 do Cục Thuế Hà Nội thực hiện đối với 28.377 DN trên địa bàn TP, chỉ có 30,4% số DN được hỏi cho rằng đang hoạt động bình thường, tốt; trên 25% số DN có khó khăn về tiếp cận nguồn vốn; 30% có khó khăn do phát sinh chi phí chống dịch; trên 14% gặp khó khăn do thiếu nguồn lao động trở lại làm việc sau dịch; trên 20% không mua được nguyên liệu hoặc phải mua với giá cao.
Cần thêm trợ lực
Để sống chung với dịch, các DN luôn sẵn sàng phương án hoạt động theo hướng tuân thủ các quy định phòng, chống dịch để đảm bảo cung ứng các hàng thiết yếu đến người dùng một cách liền mạch, nhất là vào dịp cao điểm mua sắm cuối năm. Chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những nỗ lực của DN trong việc thích ứng với sự thay đổi của thị trường, sẽ là những nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng những tháng cuối năm cũng như cả năm 2022.
Các phương án tháo gỡ khó khăn cho DN hiện nay theo các chuyên gia kinh tế là hỗ trợ DN thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách; nuôi dưỡng và củng cố nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, bảo đảm an sinh phúc lợi xã hội.
Để DN vững tâm phát triển, theo Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam Tô Hoài Nam, trước hết cần phải ổn định được nền kinh tế vĩ mô. Tiếp theo là cần phủ rộng vaccine ra toàn quốc, trong đó tập trung tính toán đến phương án cho các em dưới 18 tuổi, nhằm tạo hệ miễn dịch cộng đồng, đồng thời cũng đảm bảo tâm lý yên tâm cho xã hội.
TS Tô Hoài Nam nhấn mạnh, trong thời điểm này phải tính toán mọi cách để DN vừa và nhỏ phục hồi, bởi DN đã quá yếu sức sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội. Từ nay tới cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, đây là cơ hội để các DN lấy đà phục hồi. Do đó, một trong những việc cần làm nữa ở thời điểm này đó là tạo việc làm cho lao động. “Xét về quy phạm pháp luật thì cần thay đổi lại quy định làm thêm giờ trong bối cảnh hiện nay. Theo Bộ Luật lao động, thời gian làm thêm giờ 1 năm là 300 giờ và khống chế thời gian trong tuần. Nhưng trong thời gian ngắn nên để cho họ tự thỏa thuận vấn đề đó. Giải pháp này vừa tạo điều kiện cho DN, vừa tăng thu nhập cho người lao động. Đây là nhu cầu rất bức thiết hiện nay” – TS Tô Hoài Nam đề xuất.
Còn theo TS Nguyễn Minh Phong, Chính phủ cần sớm thực hiện chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau dịch. Theo đó, từ nay đến quý I/2022, Chính phủ cần ưu tiên phòng chống dịch, kết hợp các chính sách vĩ mô để hỗ trợ DN trụ vững qua thời kỳ khó khăn và duy trì cải cách môi trường kinh doanh. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tập trung cho những lĩnh vực có thiệt hại nặng nề nhất như du lịch, hàng không, hỗ trợ phát triển kinh tế số, chuyển đổi số…
Cùng với đó, rà soát tín dụng, quyết liệt trong đầu tư công, tập trung cải cách hành chính, trong đó có cải cách về thể chế, phân cấp, phân quyền và cấp bách giải quyết thiếu hụt lao động ở một số địa phương.
Tại hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các DN trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19” vừa được tổ chức, Hà Nội cam kết sẽ đồng hành, tạo điều kiện tuận lợi cùng DN bứt phá. Các phương án xoay quanh 3 mục tiêu chính. Một là hỗ trợ DN thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Hai là bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách; nuôi dưỡng và củng cố nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội.
Thứ 3 là chủ trương đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trở lại trạng thái hoạt động bình thường trong thời gian ngắn nhất. Từ đó, tạo điều kiện để các ngành còn dư địa phát triển tiếp tục tiến lên, đẩy nhanh khởi nghiệp sán tạo, chuyển đổi số nhằm thiết lập nền tảng phát triển bền vững. Tiếp nhận chủ trương này, nhiều DN bày tỏ sự vui mừng. Đồng thời đề xuất nguyện vọng sẽ tăng thêm các biện pháp hỗ trợ về phòng chống dịch đặc thù tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt lưu thông hàng hóa.