Để không xảy ra thêm một đợt dịch gây tổn thất lớn
Tin tức - Ngày đăng : 20:25, 14/11/2021
Các vấn đề "nóng” liên quan đến Covid-19 là tâm điểm của phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng như thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Nhiều góc nhìn, giải pháp đã được đưa ra để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, để không xảy ra thêm một đợt dịch gây tổn thất lớn như vừa qua.
Vaccine - chiến lược cơ bản đang được thúc đẩyPhải thay đổi tư duy bằng cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách “Zero Covid”, vì vậy, trước mắt cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP năm 2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch Covid-19 trong tình hình mới. Đó là vấn đề được đặt ra tại nghị trường Quốc hội.
Những thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại nghị trường Quốc hội cho thấy, dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, khi số ca nhiễm vẫn cao. Nhiều bài học kinh nghiệm từ việc phòng, chống dịch đã được đúc rút, trong đó chiến lược phòng, chống dịch luôn được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tiễn theo từng hoàn cảnh, diễn biến của dịch. Trong đó, vaccine đang là một chiến lược cơ bản, lâu dài trong công tác phòng, chống dịch.Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian qua chúng ta đã triển khai chiến lược vaccine rất hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực từ mua, nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất trong nước, tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Đến nay Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới gần 200 triệu liều, đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều. Chúng ta đang đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về nước trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí. Tính đến hết ngày 7/11, đã tiêm được 90 triệu liều, tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm đạt 84,13%.Từ tính chất quan trọng của chiến lược này, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn đặt vấn đề về việc, nếu Việt Nam triển khai chiến lược vaccine sớm hơn, sẽ hạn chế được nhiều thiệt hại về người và của, đồng thời câu hỏi về trách nhiệm tham mưu của Bộ Y tế trong việc xây dựng và triển khai chiến lược vaccine cũng được đặt ra. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đưa ra những giải trình vì sao Việt Nam tiếp cận vaccine sớm nhưng mua muộn hơn so với nhiều nước. Theo Bộ trưởng, có nhiều lý do gồm khách quan và chủ quan như tình trạng khan hiếm vaccine trên quy mô toàn cầu; tâm lý sử dụng vaccine "không phải lúc nào cũng như hiện nay"… Nhưng rất đáng mừng, sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 2/2021 và Nghị quyết của Chính phủ từ tháng 5/2021, Việt Nam thúc đẩy rất nhanh tiến trình mua vaccine. Đến nay, Việt Nam được đánh giá là nước có tổ chức tiêm và bao phủ vaccine rất nhanh. Bộ Y tế nhận trách nhiệm về vấn đề này và đã triển khai đảm bảo vaccine cho năm 2021 và năm 2022. Hiện cả nước đang tiêm phủ mũi một, sau đó phủ mũi hai rồi tiêm mũi 3 từ tháng 12/2021.Từ thực tiễn khi ca nhiễm vẫn cao có thể thấy, để không thể xảy ra một đợt dịch gây đau thương, tổn thất lớn như vừa qua, còn nhiều việc phải tiếp tục khắc phục trong quá trình chống dịch. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, "một tháng tới đây vô cùng quan trọng". Chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19, người đã tiêm vaccine, dù mới 1 mũi, vẫn còn lây những sẽ chậm đi, tỷ lệ bệnh nhân bị nặng rất ít. Điều đó cho phép chúng ta bình tĩnh hơn trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khi đã tiêm xong vaccine."Nhưng ngay cả khi tiêm hết 100% người từ 12 tuổi, mới chỉ chiếm 80% dân số, với hiệu lực bảo vệ của vaccine đạt khoảng 80% thì mới có khoảng 64% dân số được bảo vệ. Như vậy vẫn còn hàng triệu người có nguy cơ lây nhiễm” - Phó Thủ tướng phân tích. Đồng thời nêu rõ “nếu mỗi người không thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, 5K trong sinh hoạt, trong sản xuất thì dịch sẽ tiếp tục lây nhiễm cho nhiều người, dẫn đến quá tải hệ thống y tế”.Cùng với đó, việc chủ động được nguồn cung về các công nghệ, sinh phẩm xét nghiệm; khi xét nghiệm, phát hiện ca nhiễm thì thực hiện cách ly theo phương thức mới để thực sự là trạng thái bình thường mới cũng được đặt ra. Nếu làm tốt những việc này, chúng ta sẽ tránh được tổn thất, phục hồi kinh tế.Đây là lúc nhìn lại và củng cố hệ thống y tế cơ sởĐể khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng chống dịch, từ góc độ một người làm trong lĩnh vực y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần rút ra được những bài học kinh nghiệm xương máu trong thời gian qua. Trong đó, cần xem lại thực trạng hệ thống y tế cơ sở. Thực tế cho thấy, chỉ một số địa phương, nếu không muốn nói là "đếm trên đầu ngón tay" thực hiện được quy định dành 30% tổng chi ngân sách y tế cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Đó là chưa kể mức phân bổ 30% này còn rất hạn chế, chưa đáng kể nếu so với mức cần thiết, nhu cầu của người dân. "Chúng ta cần phân bổ như thế nào để đáp ứng với quy mô dân cư, chứ không chỉ phân chia về địa lý". Cũng theo đại biểu này, trong đại dịch Covid-19, chúng ta đã dành nguồn lực tối đa tập trung vào phòng, chống, cứu chữa bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng lực lượng y tế tư nhân dường như đang bị "bỏ quên". Nếu lực lượng này được huy động kịp thời, có cơ chế để tham gia phòng, chống dịch, chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả hơn rất nhiều.Các đại biểu cho rằng, đây là dịp để nhìn nhận lại các vấn đề về: Năng lực điều trị của hệ thống y tế hiện nay; cơ chế tài chính cho các cơ sở y tế, đơn vị sự nghiệp trong việc chi trả cho điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19; việc huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch kịp thời...Khi trả lời chất vấn các đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận, đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng đã được quan tâm trong thời gian qua nhưng không đáp ứng được yêu cầu. Bộ đã xây dựng đề án tăng cường năng lực y tế dự phòng để đáp ứng tình hình dịch bệnh hiện nay. Trong đó cả 3 cấp là T.Ư, cấp tỉnh, thành phố và cơ sở. Tăng cường đào tạo bác sĩ y tế dự phòng, tăng cường đào tạo chuyên khoa, y tế dự phòng và nhất là các chính sách đối với cán bộ y tế dự phòng.Nhiều giải pháp cũng được các đại biểu gợi mở như Bộ Y tế nên tham mưu với Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế quản lý, tiêu chí trạm y tế quốc gia phù hợp với tình hình mới hướng dẫn. Các tỉnh, thành phố có chính sách thu hút bác sĩ về làm việc, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, tăng cường nguồn lực cho trạm y tế xã, phường, thị trấn…Covid-19 là đại dịch chưa có trong tiền lệ, các quốc gia đều phải căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai các biện pháp, chiến lược chống dịch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần. Các địa phương cũng căn cứ trên Nghị quyết 128 và các hướng dẫn chuyên ngành của Bộ Y tế để đưa ra những giải pháp áp dụng phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhưng như các đại biểu đã chỉ ra, chúng ta muốn chuyển sang hướng an toàn, linh hoạt và hiệu quả, việc chuẩn bị các cơ sở vật chất, đặc biệt đối với y tế là hết sức quan trọng. Đồng thời thông nhất quan điểm "tuyệt đối không lơ là, chủ quan và cần bình tĩnh chống dịch" - đây là loại "vaccine xã hội" cần thiết nhất, giá trị nhất mà ai cũng đang có.
"Việc mở cửa cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cần thực hiện theo nguyên tắc “mở cửa từ từ nhưng nhất quán dựa theo khuyến cáo y khoa đã được kiểm chứng”, không mở cửa vào cảm tính, không duy trì chế độ Zero Covid, không cách ly đại trà diện rộng các F1, F2, F3. Chúng ta quay trở lại sống bình thường tuân thủ theo quy tắc sống an toàn với dịch bệnh. Chúng ta không sợ Covid nhưng cũng không chủ quan đển dịch bùng phát diện rộng. Bộ Y tế đã chuẩn bị những nguyên tắc, nguyên lý rất cụ thể, chỉ cần các tỉnh lắng nghe và tin tưởng thực hiện." - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) |