Không chỉ là câu chuyện của một lễ hội

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:20, 19/09/2017

Sự cố trâu húc chết chủ tại lễ hội chọi trâu diễn ra vào tháng 7 năm nay ở quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng đã đặt ra nhiều vấn đề xung quanh việc tổ chức lễ hội truyền thống. Đã có rất nhiều câu hỏi được dấy lên rằng có nên tiếp tục duy trì lễ hội này hay không, và nếu duy trì thì duy trì thế nào; vai trò của cộng đồng địa phương cũng như vai trò quản lý nhà nước trong việc tổ chức lễ hội này ra sao?... Những câu hỏi trên đã phần nào tìm được lời đáp trong cuộc tọa đàm khoa học “Giải pháp nâng cao hiệu quả
Chủ thể lễ hội giữ vai trò quyết định

GS. Tô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ, khi có thông tin lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có khả năng phải dẹp bỏ, ông đã nhận được những bức thư của người dân Hải Phòng, trong đó có thư của bậc cao niên đã ngoài 80 tuổi và có thư của bà bán rau ngoài chợ. Tất cả đều bày tỏ mong muốn thiết tha rằng lễ hội chọi trâu của người dân nơi đây cần tiếp tục được giữ. 

Không chỉ nói hộ mong muốn của người dân, GS. Tô Ngọc Thanh cũng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình. Theo ông, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một phần của cội nguồn sức mạnh cộng đồng bởi vậy cần phải tiếp tục duy trì lễ hội này, không chỉ duy trì ở đời này mà phải duy trì từ đời này sang đời khác.

Ông Hoàng Xuân Minh – Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn dẫn ra một ví dụ để khẳng định mong muốn của người dân Đồ Sơn (Hải Phòng) trong việc được duy trì tổ chức lễ hội đó là: “Khi xảy ra sự cố ông chủ bị trâu chọi húc chết và lễ hội chọi trâu Đồ Sơn phải tạm dừng, có những cháu thiếu niên đã ôm mặt khóc”. Ông Minh cũng cho biết, ở Đồ Sơn, từ trẻ nhỏ đến người già đều thích lễ hội này, khi lễ hội tạm dừng, người dân đều rất buồn. Khi Đồ Sơn tổ chức tiếp xúc cử tri và tọa đàm về vấn đề này, tất cả mọi người đều mong muốn lễ hội tiếp tục được tổ chức.

Nhiều ý kiến tại tọa đàm cũng đã nhấn mạnh và đề cao vai trò chủ thể của lễ hội đó là người dân, PGS. TS Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia khẳng định lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một di sản văn hóa có giá trị bởi vậy không nên bàn bỏ hay không bỏ lễ hội này, càng không thể  “tước” di sản văn hóa. “Nếu muốn dẹp bỏ thì cần phải trưng cầu ý kiến của nhân dân Đồ Sơn.” – Ông Giang nói.

Không chỉ là câu chuyện của một lễ hội
GS.TS Nguyễn Minh Giang chia sẻ những băn khoăn về công tác tổ chức lễ hội. 

PGS. TS Trần Lâm Biền thì cho rằng nên “trả lễ hội về với nhân dân” và không thể bỏ được lễ hội chọi trâu Đồ Sơn bởi nếu bây giờ có cấm thì sau này lễ hội vẫn “trỗi dậy”. 

Đại diện cho nhân dân phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, Hải Phòng, ông Lưu Đình Đức chia sẻ: “Lễ hội chọi trâu là tài sản quý báu và cũng là niềm vinh dự đối với người dân Đồ Sơn. Lễ hội đã ngấm vào máu thịt của của chúng tôi và chúng tôi sẽ có trách nhiệm để gìn giữ.”

Đưa lễ hội thành sản phẩm du lịch

Ông Hoàng Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng cho biết lượng khách đến du lịch Đồ Sơn tăng nhanh cũng một phần nhờ lễ hội chọi trâu. Tuy nhiên dưới góc nhìn của những làm công tác nghiên cứu văn hóa thì câu chuyện phát triển sản phẩm du lịch từ lễ hội truyền thống được nhìn nhận còn rất nhiều hạn chế.

TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định lễ hội chọi trâu hiện nay đang “tận thu” nhiều quá, từ bán vé thu tiền người xem đến đẩy giá thịt trâu lên cao… “Nhưng cái lớn nhất là phát huy, đưa thương hiệu của lễ hội chọi trâu trở thành sản phẩm du lịch thì lại không làm được” – Ông Sơn trăn trở. TS. Trần Hữu Sơn cho rằng cần phải nghiên cứu xây dựng các chuỗi sản phẩm bổ trợ nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Chuỗi sản phẩm du lịch có thể là các chương trình nghệ thuật, lễ hội đường phố, triển lãm ảnh và công cụ huấn luyện chọi trâu, dịch vụ tham quan, trải nghiệm… 

GS. Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia cho rằng cần có giải pháp hữu hiệu để tiếp tục phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn trong mối quan hệ phát triển với các khu du lịch, các công trình và điểm di tích tiêu biểu của địa phương…

Tạo “hành lang” an toàn cho lễ hội

Không thể cấm tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đó cũng là quan điểm chung của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa… tham gia tọa đàm, tuy nhiên vấn đề mà nhiều đại biểu băn khoăn chính là việc tổ chức lễ hội thế nào cho phù hợp.

PGS. TS Vũ Minh Giang kiến nghị quận ủy Đồ Sơn phải rà soát lại các tiêu cực trong lễ hội để giảm thiểu những bức xúc của nhân dân, đồng thời tạo ra “hành lang” an toàn cho lễ hội.

GS. TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng sự cố xảy ra trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng đã đặt ra yêu cầu về đổi mới mô hình tổ chức lễ hội. “Những giải pháp được đề xuất hiện nay mới chỉ là giải pháp tình thế. Chúng ta cần có một giải pháp mang tính chiến lược mà như thế thì cần phải xây dựng đề án đổi mới mô hình tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn”- Ông Bền nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận tọa đàm, TS. Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTT & DL đề nghị thời gian tới thành phố Hải Phòng và quận Đồ Sơn cần xây dựng đề án chấn chỉnh đổi mới công tác tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn trong đó xác định rõ quy mô, quy trình, quy chế tổ chức lễ hội cũng như trách nhiệm của các bên tham gia để đảm bảo lễ hội an toàn. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn phải là chuẩn mực để các địa phương khác học tập”. 

Gia Phú