Gia tăng các loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh
Tin tức - Ngày đăng : 09:36, 22/09/2017
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết giai đoạn I thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 21-9 tại Hà Nội.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, qua báo cáo sử dụng kháng sinh theo tuyến bệnh viện tính đến ngày 14-9-2017, càng ở bệnh viện tuyến dưới, tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh càng cao. Trong khi đó, bệnh viện bộ ngành và bệnh viện thuộc các trường đại học có tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh thấp nhất. Ở các bệnh viện tuyến trung ương, thuốc kháng sinh Cephalosporin và Macrolid là dòng kháng sinh được sử dụng nhiều nhất. PGS.TS Lương Ngọc Khuê lý giải, việc bệnh viện tuyến huyện, tỉnh có tỷ lệ sử dụng kháng sinh cao chủ yếu vì ở tuyến này chưa có kháng sinh đồ, bác sĩ thường điều trị bao vây bằng nhiều loại thuốc, nhiều loại kháng sinh khác nhau.
Tuy vậy, nhiều ý kiến khác tại hội nghị thẳng thắn chỉ ra, ngoài nguyên nhân chưa có kháng sinh đồ, việc bác sĩ kê nhiều kháng sinh còn do chất lượng thuốc kháng sinh chưa tốt, do kinh nghiệm của bác sĩ, do tâm lý và cả… lợi ích nhóm khi kê đơn. Ở các bệnh viện tuyến trên cũng đều thừa nhận, ở bệnh viện mình đã có các loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, thậm chí đã xuất hiện những vi khuẩn kháng hầu hết các loại kháng sinh hiện có.
Đề cập đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở trẻ nhỏ, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, trung bình mỗi ngày, các bác sĩ của bệnh viện khám cho khoảng 3.000-4.000 bệnh nhi, trong đó có khoảng 1.700 trẻ phải điều trị nội trú. Trong số những trường hợp phải điều trị nội trú, có tới hơn 100 ca thở máy/ngày, hơn 200 ca thở ôxy/ngày, 70-80 trẻ/ngày phải đặt catheter tĩnh mạch trung tâm để sử dụng thuốc và dịch truyền… Điều đáng lo ngại, nhiều bệnh nhi chuyển lên đã bị nhiễm khuẩn từ tuyến dưới. Vì vậy, tại Bệnh viện Nhi trung ương có tình trạng vi khuẩn kháng thuốc. “Hằng ngày, chúng tôi phải xác định những ca nhiễm khuẩn bệnh viện và đưa ra chiến lược điều trị thích hợp. Trong nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhân nhập viện qua phương pháp cấy phân cho thấy, có đến 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện. Ngoài các căn nguyên liên quan đến vấn đề môi trường, thức ăn, nước uống có tồn tại dư lượng kháng sinh nhất định thì còn có một thực tế, nhiều trẻ được các ông bố, bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý. Do vậy đây cũng là nguyên nhân gây tình trạng kháng thuốc cho trẻ", PGS.TS Trần Minh Điển thông tin.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tình trạng gia tăng các loại vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc kháng sinh đang trở lên rất báo động. Kéo theo đó, chi phí y tế, tác động kinh tế, xã hội cũng như gánh nặng bệnh tật và tử vong do kháng thuốc ngày càng tăng. Trước thực tế này, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc. Mục tiêu đề án phấn đấu đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.
Còn đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam khẳng định, nếu không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, với sự gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh như hiện nay, có thể trong 10 đến 20 năm nữa chúng ta sẽ không còn loại thuốc kháng sinh nào hiệu quả để chữa các bệnh nhiễm trùng.