Đất để phục vụ làm phim chứ không phải để làm khách sạn
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 10:19, 23/09/2017
Sáng 21-9, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã có cuộc gặp gỡ báo chí để trả lời về mọi thắc mắc liên quan đến cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, người trực tiếp chỉ đạo cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là người chủ trì cuộc gặp gỡ và một đại diện của Ban Đổi mới Doanh nghiệp của Bộ VHTT&DL cùng trả lời những câu hỏi của phóng viên.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái và đại diện Ban Đổi mới Doanh nghiệp của Bộ giải đáp thắc mắc của dư luận về việc sử dụng đất Hãng phim truyện Việt Nam. |
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: "Sau cuộc họp chiều qua (20-9), lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam đã nhận khuyết điểm về những thiếu sót trong việc điều hành Công ty sau khi cổ phần, và hứa sẽ xây dựng lại quy chế làm việc của hãng phim. Trước mắt, công ty sẽ trả lương 3 tháng (tháng 7, 8, 9) như tháng 6 (thời điểm trước khi cổ phần hóa). Ban lãnh đạo Công ty cũng hứa sẽ sớm có sản phẩm giá trị hướng tới kỉ niệm 60 năm thành lập Hãng phim truyện Việt Nam.
Trước đó, chiều 20-9, tại cuộc làm việc giữa Bộ VH-TT&DL với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã yêu cầu Công ty chỉ được sắp xếp, tu sửa cơ sở vật chất tại số 4 Thụy Khuê để phục vụ cho sản xuất phim, tuyệt đối không được kinh doanh vào việc khác.
Bộ cũng đã yêu cầu đại diện vốn nhà nước của Bộ tại Công ty cổ phần phải giám sát chặt chẽ, nếu có sai phạm gì ngay lập tức phải báo cáo Bộ. Hiện nay, Bộ VH-TT&DL đang nắm giữ 28,846% cổ phiếu.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng chia sẻ, là một trong những Hãng phim lớn, đầu ngành nên Bộ VH-TT&DL rất quan tâm đến Hãng phim truyện Việt Nam, không bao giờ lơ là. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa hãng phim này rất khó, vì đây là hãng phim có bề dày truyền thống và điện ảnh là một lĩnh vực văn hóa đặc thù. Hơn nữa, Hãng phim Việt Nam làm ăn đã bị thua lỗ tới hai chục năm.
“Hiện nay, hãng nợ tiền thuê đất là 21 tỷ, nhà đầu tư phải trả ngay lập tức, không các cơ quan chức năng sẽ không cho làm bất cứ việc gì. Việc dư luận đưa thông tin là Bộ bán hãng phim mấy chục tỷ, trong khi giá trị hàng ngàn tỷ là sai. Chúng tôi cổ phần hoá phải tuân theo quy định cổ phần doanh nghiệp theo nghị định 59 của Chính phủ. Ban cổ phần hoá phải thuê 2 đơn vị tư vấn thuộc danh mục của Bộ Tài chính cho phép để tư vấn cổ phần hoá. Hai đơn vị này tiến hành thẩm định giá trị của doanh nghiệp và xác định các phương án cổ phần hoá, và chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ một mình Bộ không thể tự quyết định được", ông Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định.
Trước câu hỏi về việc tính giá trị đất đai của Hãng phim truyện Việt Nam, ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: "Hiện tại đất của Hãng phim truyện Việt Nam đều là đất thuê của nhà nước. Mà theo quy định thì đất cho thuê không được tính vào giá trị doanh nghiệp.
Cũng theo quy định, trước khi cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam phải trình phương án sử dụng đất đai phù hợp với phương án cổ phần hóa. Phương án này phải được Bộ Tài chính duyệt, sau đó Bộ mới gửi tới địa phương là Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh để xem có vi phạm quy hoạch địa phương không.
Theo phương án cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam, thì đất để phục vụ làm phim chứ không phải để làm khách sạn. Bộ đã chỉ đạo 2 đại diện vốn nhà nước của Bộ tại Hãng phim truyện Việt Nam giám sát thường xuyên. Nếu cổ đông chiến lược không thực hiện đúng cam kết sử dụng đất thì Bộ sẽ kiến nghị UBND thành phố thu hồi, rút giấy phép xây dựng, và cuối cùng là đưa ra tòa.
Cuối năm 2016, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ VH-TT&DL phải tính lại giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam căn cứ vào truyền thống lịch sử lâu đời của Hãng. Ông Huỳnh Vĩnh Ái đã trả lời vấn đề này như sau: "Về việc này, Bộ đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính nghiên cứu và tính toán cho chính xác. Hiện thời họ chưa có văn bản nào tính được giá trị truyền thống, lịch sử cả, chỉ có cách tính giá trị thương hiệu và lợi thế kinh doanh như hiện hành. Kết quả như thế nào, hai Bộ nói trên sẽ trả lời Chính phủ".
Trước câu hỏi nghi ngờ về năng lực của cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) trong việc sản xuất phim, đại diện Ban Đổi mới Doanh nghiệp của Bộ VH-TT&DL cho biết Vivaso đã cam kết doanh thu từ các hoạt động sản xuất phim chiếm 90% doanh thu của công ty cổ phần và có nghĩa vụ phải thực hiện.
Với câu hỏi, trong trường hợp Vivaso không thực hiện các cam kết, liệu Bộ có xem xét lại quá trình cổ phần hóa và thay đổi cổ đông chiến lược không, ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: "Điều đó có thể, nhưng tất cả phải thực hiện theo đúng trình tự, quy định của pháp luật".