Cách mạng 4.0: Sẽ “quét” từ lao động phổ thông đến nhân viên bàn giấy?

Tin tức - Ngày đăng : 10:30, 25/09/2017

Do sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng khoa học công nghệ nên không chỉ có lao động trong ngành dệt may có nguy cơ thất nghiệp mà công việc ở nhiều nhóm nhân lực khác cũng trở lên "mong manh".
Cách mạng 4.0: Sẽ “quét” từ lao động phổ thông đến nhân viên bàn giấy?
Máy móc "đe dọa" vị trí việc làm của người lao động trong cách mạng 4.0

Theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng khoa học công nghệ. 

Theo ILO, khoảng 86% lao động của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động của Indonesia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa trong ngành. Trong ngành dệt may, công việc lâu nay vốn được đánh giá không ai thay thế con người như lấy số đo cũng có thể được thay thế bởi công nghệ tự động.

Không chỉ ngành dệt may, ngành công nghiệp lắp ráp ôtô cũng được các chuyên gia đánh giá sẽ hoàn toàn tự động.

Ngoài “cơn bão” 4.0, một nguyên nhân nữa đe dọa vị trí việc làm của lao động nhóm ngành dệt may, da giầy tại Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác là các quốc gia tiên tiến tính đến chuyện đưa nhà máy sản xuất về gần khách hàng để thay đổi kịp thời nhu cầu của khách hàng.

Theo TS. Horst Sommer - Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam, dự đoán sẽ có 56% việc làm mất đi trong tương lai gần, trong đó rủi ro lớn nhất là Việt Nam, 70% công việc sẽ bị mất đi hoặc thay thế.

Cùng quan điểm, TS. Phạm Vũ Quốc Bình - Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề), cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại 1.0, 2.0… chứng tỏ công nghệ của chúng ta rất thấp, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Đặc biệt, trong ngành may mặc, hơn 80% lao động sẽ mất việc và được thay thế bằng máy móc trong thời gian tới.

Bà Sabine Pfeiffer - Nhà xã hội học, Đại học Hohenheim (Đức) cho rằng với cách mạng 4.0, không chỉ lao động phổ thông mà những công việc lặp đi lặp lại nhiều sẽ mất an toàn nhất. Theo đó, các công việc văn phòng thông thường sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì chỉ cần dựa trên các quy trình chuẩn. Cách thức tự động hóa các công việc đó khá đơn giản và cắt giảm rất nhiều chi phí, không chỉ bằng máy móc mà còn bằng các thuật toán.

Nhiều việc làm trong tương lai có thể sẽ bị những cảm biến do máy tính điều khiển thay thế. Chúng sẽ được nối mạng với các nhà máy và các nhà cung cấp phụ tùng trên toàn cầu, theo đó sẽ tự động xác định khi nào cần phụ tùng và ở đâu cần, sau đó tự sắp xếp vận chuyển. Thậm chí, một số ngành nghề sẽ biến mất hoàn toàn. Xe tự lái có thể khiến hơn 3 triệu lái xe ở Mỹ mất việc và 5 triệu người làm việc trong các quán ăn, trạm xăng và nhà nghỉ có thể sẽ bị robot thay thế.

Quỳnh Chi/Lao động