Nhiều vấn đề cần làm rõ trong đại án OceanBank

Tin tức - Ngày đăng : 16:20, 25/09/2017

Hàng loạt vấn đề "nóng" đã được nêu ra tại phiên tòa xử Hà Văn Thắm và đồng phạm. Dư luận và các bị cáo đang chờ bản án công minh của hội đồng xét xử cũng như kết quả quá trình điều tra giai đoạn 2 vụ án.
Nhiều vấn đề cần làm rõ trong đại án OceanBank  - Ảnh 1.

Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank, bị dẫn giải khỏi tòa (ảnh chụp chiều 24-9) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nói lời sau cùng trước khi tòa vào nghị án ngày 24-9, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên tổng giám đốc OceanBank, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) cho rằng mức án tử hình mà viện kiểm sát đề nghị đối với bị cáo là "quá nghiệt ngã". 

Theo lời Sơn, số tiền nhận từ OceanBank bị cáo đã đưa cho ông Ninh Văn Quỳnh (phó tổng giám đốc PVN) để chi cho các hoạt động đối ngoại của PVN chứ không chiếm hưởng đồng nào.

Nguyễn Xuân Sơn liên quan giai đoạn 2 vụ án

Trong các ngày xét xử vừa qua, Nguyễn Xuân Sơn đã bất ngờ thay đổi lời khai, thừa nhận đã nhận trên dưới 200 tỉ đồng (theo cáo trạng là hơn 300 tỉ đồng) từ OceanBank và đã chuyển hết cho ông Ninh Văn Quỳnh.

Thời gian đại án OceanBank đang xét xử, ông Quỳnh đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong việc PVN góp vốn 800 tỉ đồng vào OceanBank và bị mất trắng.

Sau đó, ông Ninh Văn Quỳnh bị khởi tố bổ sung về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã khởi tố 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại các công ty thành viên của PVN gồm: Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro), Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn và Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Minh Thu (nguyên tổng giám đốc OceanBank) khai đã chi hàng chục tỉ đồng "chăm sóc" cho lãnh đạo 3 công ty này.

Các vụ án vừa khởi tố nêu trên đều đang được điều tra giai đoạn 2.

Nhiều vấn đề cần làm rõ trong đại án OceanBank  - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên tổng giám đốc OceanBank, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên PVN) - Ảnh: N.KHÁNH

Vấn đề mà các luật sư trong đại án OceanBank nêu ra là: có người thừa nhận việc đã nhận hàng chục tỉ đồng "chăm sóc" từ Nguyễn Xuân Sơn (ông Ninh Văn Quỳnh) nhưng cũng có người chưa thừa nhận (lãnh đạo các công ty thành viên của PVN).

Vụ án đang được điều tra thì có nên tử hình Nguyễn Xuân Sơn về tội tham ô tài sản như đề nghị của đại diện viện kiểm sát? Theo các luật sư, việc kết án đối với Nguyễn Xuân Sơn không chỉ liên quan đến trách nhiệm dân sự của vụ án mà còn liên quan đến việc điều tra giai đoạn 2.

Nếu tuyên Nguyễn Xuân Sơn tử hình thì các đối tượng đang được điều tra sẽ thấy không cần thiết phải khai báo.

Bên cạnh đó, cho đến nay vẫn chưa xác định được số tiền chi lãi ngoài hơn 1.576 tỉ đồng được đưa cho những ai. Vì vậy, xác định số tiền đó là thiệt hại và buộc các bị cáo phải bồi thường là không thuyết phục.

Nhiều luật sư đã đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra hành vi tham ô tài sản của Nguyễn Xuân Sơn để nhập vào giai đoạn 2 của vụ án.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện viện kiểm sát cho biết: "Sơn đã dùng cho mục đích cá nhân và chia chác cho các mối quan hệ. Trong đó ông Ninh Văn Quỳnh thừa nhận đã nhận 20 tỉ đồng từ Sơn để mua nhà, chi cho con đi học, mua ôtô...

Vì vậy không có căn cứ nào như lời trình bày của bị cáo Sơn về việc đã sử dụng số tiền hơn 300 tỉ đồng cho hoạt động từ thiện, phúc lợi, làm quà biếu cho lãnh đạo bộ ngành".

Mong những ai đã nhận tiền chăm sóc từ bị cáo và các bị cáo khác hãy bình tâm suy nghĩ thấu đáo để trả lại tiền, để tâm hồn được thanh thản và hưởng lượng khoan hồng của pháp luật

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn

Còn những ai đã nhận "chăm sóc" của OceanBank?

Trong số 246 tỉ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt, viện kiểm sát cáo buộc Nguyễn Xuân Sơn đã tham ô 49 tỉ đồng và lạm dụng chức vụ chiếm đoạt 197 tỉ đồng.

Theo lý giải của viện kiểm sát, PVN là tập đoàn kinh tế nhà nước, đã góp 800 tỉ đồng vào OceanBank. Vì vậy Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt tiền tại OceanBank cũng là tham ô tài sản của Nhà nước.

Tuy nhiên tại tòa, bị cáo Hà Văn Thắm khai số tiền 246 tỉ đồng đưa cho Nguyễn Xuân Sơn không nằm trong vốn điều lệ của ngân hàng. Điều đó đồng nghĩa với việc 246 tỉ đồng này không nằm trong khoản 800 tỉ đồng mà PVN góp vốn vào OceanBank.

Vì vậy, các luật sư cho rằng Nguyễn Xuân Sơn không tham ô, không chiếm đoạt tiền của PVN. Bị cáo cũng không lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản vì không phải là người đại diện cho phần vốn góp của PVN tại OceanBank.

Đại diện PVN tỏ thái độ gay gắt trước tòa khi cho rằng lời khai chi tiền "chăm sóc" của các bị cáo chỉ là một chiều, ảnh hưởng đến uy tín của PVN.

Luật sư của PVN đề nghị tòa khi xét xử, cần xem xét loại bỏ các thuật ngữ có hàm ý để cho rằng PVN có nhận lãi ngoài, có tiếp nhận khoản "chăm sóc" lãi ngoài từ OceanBank.

Theo đại diện viện kiểm sát, hành vi của bị cáo Hà Văn Thắm mang tính cá nhân và nhóm lợi ích. Thắm đã chỉ đạo làm sai trên toàn hệ thống, chi tiền cho các cá nhân để trục lợi, trong đó có nguồn vốn nhà nước.

Viện kiểm sát cũng cho biết trong giai đoạn 2 của vụ án này, các cơ quan tố tụng sẽ làm rõ ai chiếm đoạt số tiền chi lãi ngoài của OceanBank?

Chi lãi ngoài, có bị xử lý hình sự?

Nói lời sau cùng trước tòa, bị cáo Trần Thị Thiên Ngân (nguyên giám đốc OceanBank chi nhánh Đà Nẵng) cho rằng "bị cáo cảm thấy không có sự công bằng khi bị xử lý hình sự về hành vi chi lãi suất vượt trần".

Nhiều vấn đề cần làm rõ trong đại án OceanBank  - Ảnh 4.

Bị cáo Nguyễn Hoài Nam - nguyên giám đốc khối nguồn vốn OceanBank - Ảnh: T.L.

Nếu có chế tài minh bạch thì sẽ không có hàng loạt bị cáo là giám đốc ngân hàng phải đứng trước vành móng ngựa ngày hôm nay

Bị cáo Nguyễn Hoài Nam

Cáo trạng xác định hành vi chi lãi suất vượt trần của các bị cáo đã gây thất thoát cho OceanBank số tiền 1.576 tỉ đồng, đến nay chưa thu hồi được.

Tuy nhiên, con số này có phải là thiệt hại của vụ án hay không? Việc chi lãi suất vượt trần có bị xử lý hình sự hay không? Vai trò thanh tra, giám sát của thanh tra Ngân hàng Nhà nước tới đâu là những vấn đề đã được tranh cãi gay gắt trong những ngày vừa qua.

Ngày 24-9, khi đối đáp lại với các luật sư, đại diện viện kiểm sát cho rằng OceanBank là tổ chức tín dụng, dù muốn hay không OceanBank phải tuân thủ quy định của Nhà nước. Điều này không phụ thuộc vào việc có hay không có các cảnh báo về sai phạm của Ngân hàng Nhà nước. 

Theo đại diện viện kiểm sát, thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước đã quy định lãi suất huy động không vượt quá 14%/năm. 

Tuy nhiên tại tòa, đồng loạt các bị cáo và luật sư đã nêu vấn đề: Thông tư 02 quy định hành vi chi lãi suất vượt trần chỉ bị xử lý hành chính, tại sao nay các bị cáo lại bị xử lý hình sự? Nếu xử lý hình sự, tại sao Ngân hàng Nhà nước không cảnh báo trước?

Hàng loạt bị cáo nguyên là giám đốc chi nhánh OceanBank trên cả nước đã khóc nức nở trước vành móng ngựa vì cho rằng hành vi chi lãi suất vượt trần của các bị cáo là để cứu ngân hàng. 

Trong giai đoạn 2009-2014, hàng loạt ngân hàng đều làm vậy nhưng không ai bị xử lý. Theo các bị cáo, hành vi chi lãi suất ngoài đã làm lợi cho OceanBank hàng ngàn tỉ đồng chứ không hề có thiệt hại.

Hàng loạt vấn đề "nóng" đã được làm rõ tại tòa. Dư luận và các bị cáo đang chờ bản án công minh của hội đồng xét xử cũng như kết quả quá trình điều tra giai đoạn 2 của vụ án.

Hội đồng xét xử vào nghị án. Sáng 29-9, tòa tuyên án.

Tâm Lụa/TTO