Hà Nội: Giao UBND cấp phường, xã bắt giữ chó thả rông
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 10:50, 26/09/2017
Dự thảo về việc ban hành quy định quản lý nuôi chó trên địa bàn TP Hà Nội nêu rõ, chủ vật nuôi phải chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ… Trường hợp chó cắn người, cản trở phương tiện giao thông gây tai nạn thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất theo quy định.
Ảnh minh hoạ |
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đơn vị đang trình UBND TP Hà Nội dự thảo về việc ban hành quy định nuôi chó trên địa bàn Hà Nội. Khi thành phố duyệt sẽ tiến hành ra quân, xử lý các trường hợp người nuôi chó không tuân thủ các quy định.
Theo bản dự thảo này, có quy định trách nhiệm của UBND cấp phường, xã, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã) như sau: Lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn theo quy định; thực hiện tổ chức tiêm phòng cho đàn chó trên địa bàn theo quy định. Hàng năm trước đợt tiêm phòng phải rà soát, thống kê, cập nhập thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn quản lý; tổ chức cho hộ nuôi chó thực hiện ký cam kết theo nội dung quy định.
UBND cấp xã ra quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận…
UBND xã lập và cấp sổ quản lý chó nuôi cho các chủ nuôi chó trên địa bàn. Số quản lý bao gồm các thông tin sau: Họ tên và địa chỉ của chủ vật nuôi; số lượng, năm sinh, loài, giống, tính biệt, màu lông… của chó nuôi; ngày, tháng, năm bắt đầu nuôi chó; thời gian tiêm phòng các loại vắc xin.
Đối với chủ vật nuôi, họ phải chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó cào, cắn người, cản trở phương tiện giao thông gây tai nạn thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Từ ngày 15-9, Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và một số lĩnh vực khác có hiệu lực. Theo đó, nếu không đeo rọ mõm cho chó hoặc không buộc xích mà đưa ra nơi công cộng, chủ con vật sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. |