Bất cập trong quy định xét tặng danh hiệu nghệ nhân

Tin tức - Ngày đăng : 18:18, 17/11/2021

Theo Sở VH&TT Hà Nội, trong quá trình triển khai công tác xét tặng nghệ nhân, thực tế đã phát sinh một số khó khăn.
Có những trường hợp đặc thù như ca nương Nguyễn Thu Thảo - CLB Ca trù Thái Hà, nghệ nhân này được truyền dạy ca trù trong gia đình tử nhỏ (4 tuổi), dày công khổ luyện, trở thành giọng ca tài năng, trình diễn trong suốt 20 năm, có nhiều giải thưởng, đóng góp cho thành tích chung của ca trù Hà Nội tại các cuộc Liên hoan ca trù toàn quốc và trình diễn giao lưu, quảng bá ca trù ra nước ngoài, đã truyền dạy các học trò… Tuy nhiên, khi đề xuất xét tặng hồ sơ năm 2020 thì cũng là lúc vừa được xét tuyển viên chức ở Sở VH&TT.
Do đó, theo quy định của Nghị định 62/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và các hướng dẫn của Bộ VHTT&DL thì không được xét tặng nghệ nhân vì là đối tượng đang hưởng lương Nhà nước.
Theo Sở VH&TT Hà Nội, điều này gây ra sự chán nản, bức xúc cho ca nương, bởi quá trình cống hiến trước đó không được ghi nhận trong hồ sơ xét tặng. Nếu muốn được xét tặng, ca nương phải bỏ công việc ổn định hiện tại, hoặc phải chờ đến khi nghỉ hưu và chờ thêm cho đến khi đủ thời gian sau nghỉ hưu để làm hồ sơ xét tặng. Điều này đã gây khó khăn cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản ca trù. Bởi trong nghệ thuật ca trù, để có được một nhân tố tài năng như vậy cần nhiều thời gian và khó khăn.Một số trường hợp khác, các nghệ nhân có cống hiến và đã được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” nhưng khi đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” thì lại xét đến số năm nghỉ hưu chưa đảm bảo quy định cũng gây ra chán nản, hụt hẫng nhất định cho nghệ nhân. Đây là những bất cập cần giải quyết.

KTĐT