Cách ly F1 tại nhà phải thận trọng từng bước, không làm ồ ạt

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 14:44, 18/11/2021

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, số ca mắc gia tăng nhanh, Hà Nội đã có những thay đổi trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Căn cứ vào điều kiện thực tế, Hà Nội đã cho phép thí điểm cách ly F1 tại nhà, đồng thời yêu cầu cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú đối với những trường hợp trở về từ vùng dịch. Theo nhận định của các chuyên gia, đây là một trong những giải pháp cần thiết để thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Cách ly F1 tại nhà phải thận trọng từng bước, không làm ồ ạt
Phường Việt Hưng (quận Long Biên) triển khai cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội.

Triển khai khi người dân và chính quyền đủ điều kiện      

Công điện số 23/CĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 16-11 về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới nêu rõ, từ hôm nay (17-11), thành phố thí điểm thực hiện cách ly tại nhà phòng, chống dịch Covid-19 cho người tiếp xúc gần (F1) đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Vũ Duy Hưng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, để được xem xét thực hiện cách ly tại nhà, UBND cấp xã/phường sẽ kiểm tra, xác nhận cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm đủ các điều kiện cách ly theo hướng dẫn tại Công văn số 5599/BYT-MT ngày 14-7-2021 của Bộ Y tế về việc giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19.

Về việc thành phố phải triển khai thí điểm việc cách ly tại nhà đối với trường hợp F1, ông Vũ Duy Hưng giải thích, trước đây, Hà Nội chỉ áp dụng cách ly tại nhà với 4 đối tượng F1 là người cao tuổi; người có bệnh nền; phụ nữ có thai và trẻ em dưới 18 tuổi. Hiện nay, thành phố cho triển khai cách ly F1 tại nhà đối với tất cả các trường hợp nhưng không phải làm một cách ồ ạt, ai đăng ký cũng được mà phải tuân thủ đúng các điều kiện theo quy định.

"Ngoài yêu cầu về điều kiện cơ sở cách ly tại nhà của cá nhân theo Công văn số 5599/BYT-MT, thành phố cũng yêu cầu chính quyền địa phương phải bảo đảm đủ nhân lực, đủ điều kiện để quản lý, giám sát các trường hợp F1 cách ly tại nhà. Bởi có những nơi dân cư đông, ngay bản thân chính quyền cơ sở tự đánh giá không thể quản lý được F1 cách ly tại nhà nên họ không cho phép F1 cách ly tại nhà", ông Vũ Duy Hưng nói.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cũng cho rằng, ở một số tỉnh, thành phố, việc cách ly F1 tại nhà đã được thực hiện khá lâu nhưng hiện nay, Hà Nội mới bắt đầu triển khai nên phải dùng từ "thí điểm".

Chính vì vậy, ngay trong Công điện số 23, UBND thành phố cũng đã nêu rõ, thời gian thực hiện thí điểm cho đến khi có thông báo của thành phố. Bên cạnh đó, với đặc thù của Hà Nội là "đất chật, người đông", nguy cơ lây lan dịch rất lớn nên việc thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà đã phải cân nhắc rất kỹ nhiều vấn đề liên quan.

Để phương án này đạt được hiệu quả và thành công, theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc cách ly F1 tại nhà rất cần sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương, của cộng đồng, của cán bộ y tế tuyến cơ sở, nhất là rất cần sự chấp hành nghiêm túc các quy định chống dịch của người dân.

Ngoài ra, thành phố cũng đề ra phương án điều trị F0 ở các trạm y tế lưu động để người dân được cung cấp dịch vụ từ sớm, từ xa ngay tại tuyến y tế cơ sở. Trước mắt, thành phố tổ chức thí điểm tại 5 quận, huyện: Sóc Sơn, Long Biên, Thanh Trì, Mỹ Đức và Hoài Đức. Nếu đạt hiệu quả, Hà Nội sẽ nhân rộng mô hình này trên toàn thành phố.

Cách ly F1 tại nhà phải thận trọng từng bước, không làm ồ ạt
Theo hướng dẫn tại Công văn số 5599/BYT-MT ngày 14-7-2021 của Bộ Y tế, trước cửa nhà có trường hợp F1 cách ly phải treo biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng "Địa điểm cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19".

Cách ly người về từ vùng dịch là cần thiết

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 16-11, thành phố đã giám sát 18.659 người từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội, qua đó ghi nhận 159 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong số các ca dương tính này có khoảng 50% đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

Trong 159 ca dương tính, số mắc được ghi nhận nhiều nhất là người trở về từ thành phố Hồ Chí Minh với 85 ca, tiếp đến là Bình Dương có 18 ca; Đồng Nai (11 ca); Kiên Giang (6 ca); Hà Giang (5 ca); Nam Định (4 ca); các tỉnh còn lại như: Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ngãi, Long An, Hải Dương, Phú Quốc, An Giang, Thái Bình, Tây Ninh, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Bắc Giang, Đắk Lắk và Lâm Đồng ghi nhận từ 1 đến 3 ca dương tính.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận xét, thời gian qua, người dân từ các tỉnh, thành phố có dịch về Hà Nội chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe tại nhà, cách ly tại nhà. Thậm chí, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát. Đây cũng là một trong những lý do khiến dịch bệnh trên địa bàn thành phố về cơ bản được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh mới.

Liên quan đến các ca dương tính là người trở về từ vùng dịch, đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 152 ca bệnh thứ phát. Thậm chí, trong số 15 chùm ca bệnh, ổ dịch hiện có trên địa bàn thành phố có những ổ dịch xuất phát từ chính những người trở về từ vùng dịch như ổ dịch ở huyện Mê Linh có liên quan đến một F0 ở tỉnh Hà Giang. Tính đến 18h ngày 16-11, ổ dịch này đã có 251 ca dương tính.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhận định, sau khi nới lỏng giãn cách, nhiều địa phương có lượng người về từ các vùng dịch rất lớn, đã xuất hiện các ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về từ các vùng dịch. Do đó, các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đối với các trường hợp này.

Trước thực tế trên, tại Công điện số 23, thành phố đã yêu cầu, những người đã tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm khi trở về Hà Nội từ những vùng nguy cơ cao, rất cao (cấp độ 3, 4) đều phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú và phải thực hiện xét nghiệm 2 lần.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng: "Những người từ vùng dịch về có thể mang theo mầm bệnh, nếu không được phát hiện sớm sẽ khiến dịch bệnh bùng phát. Do đó, tùy theo tình hình tại từng địa phương nên cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà đối với người trở về từ các địa phương có dịch. Khi triển khai cách ly tại nhà, chính quyền địa phương nên huy động sự tham gia giám sát của tổ Covid-19 cộng đồng. Đặc biệt, để chủ động phát hiện F0 trong cộng đồng, kịp thời xử lý thì tất cả người dân về quê đều được xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên vào ngày đầu tiên".

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

HNM