Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong tầm tay
Tin tức - Ngày đăng : 15:01, 30/09/2017
"Bức tranh" kinh tế cả nước ngày càng sáng hơn, một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng đang trên đà tăng trưởng mạnh, như vậy nhiều khả năng GDP sẽ đạt mục tiêu tăng 6,7% như kế hoạch. Đây là nội dung chủ yếu của cuộc họp báo thông tin tình hình kinh tế 9 tháng năm 2017, do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 29-9.
Sản xuất hàng điện tử tại Công ty TNHH Panasonic (Khu công nghiệp Thăng Long - Hà Nội). Ảnh: Mạnh Hà |
Những con số ấn tượng
Cụ thể, GDP 9 tháng năm 2017 tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, GDP tăng trưởng liên tục theo hướng cải thiện rõ rệt qua từng quý; từ 5,15% của quý I, lên 6,28% trong quý II và 7,46% trong quý III-2017. Xu hướng tăng liên tục qua từng quý đã giúp tăng trưởng chung của 9 tháng đạt mức nói trên. Đây là chỉ tiêu quan trọng nhất và mang lại ý nghĩa thiết thực đối với nền kinh tế.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có bước tăng trưởng đáng ghi nhận, bên cạnh sự chuyển đổi cơ cấu mạnh mẽ của ngành Nông nghiệp, hoạt động bán lẻ, kết quả xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài... Nhìn chung, các cân đối lớn của nền kinh tế đều trong tình trạng ổn định, lành mạnh và được kiểm soát ở mức hợp lý.
Xét riêng thì hầu hết các lĩnh vực đều có mức tăng trưởng rõ nét, đóng góp thỏa đáng vào kết quả chung. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ 2016 và trở thành điểm nổi bật, ấn tượng của nền kinh tế. Cùng với đó, Việt Nam cũng thu hút thêm 25,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, gồm cả vốn mới cấp phép, vốn đăng ký tăng thêm và vốn do nhà đầu tư quốc tế mua lại cổ phần; kết quả này tăng tới 34,3% so với cùng kỳ 2016. Riêng vốn giải ngân đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2016. Các chuyên gia dự báo, kết quả thu hút nguồn vốn đầu tư sẽ lập kỷ lục mới khi kết thúc năm 2017.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,59% so với tháng 8 và tăng 3,4% so với cùng kỳ 2016. Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), hiện Chính phủ vẫn tiếp tục kiểm soát đà tăng CPI và lạm phát trong mức cho phép. Mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ mức CPI năm 2017 dưới 4% có thể đạt được.
Một con số đáng chú ý khác là 9 tháng qua, cả nước có 93.967 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 902,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2016. Ngoài ra, còn có 21.100 đơn vị trở lại hoạt động. Đây cũng là con số ấn tượng, hiếm có.
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng chịu tác động trực tiếp bởi bão, lũ, dịch sốt xuất huyết. Kết quả thu - chi ngân sách đã ảnh hưởng nhất định đến mức tăng trưởng chung.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, để đạt mục tiêu GDP cả năm tăng 6,7% thì quý IV-2017 phải tăng 7,31%. Đây là con số khá cao, nhưng với kết quả đạt được trong 9 tháng qua, xét trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển dịch tích cực, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp điều hành, thì GDP có khả năng đạt chỉ tiêu.
Cũng theo ông Nguyễn Bích Lâm, một số biện pháp triển khai trong quý IV gồm: Chính phủ tập trung điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển vừa bảo đảm kiềm chế lạm phát; phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng là 21%; phòng tránh nợ đọng, chống thất thu thuế. Tiếp theo là tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, từ đó kích thích tăng trưởng; giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017, đúng mục đích, có hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí và tham nhũng; đặc biệt không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội; có giải pháp cụ thể nhằm bình ổn giá một số mặt hàng dịp cuối năm...
"Cuối cùng là tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng nhập khẩu; duy trì tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là nhóm hàng xuất khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, nhất là nhập khẩu tiểu ngạch và các hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng nông sản. Các cấp có thẩm quyền nên chủ động xây dựng các biện pháp ứng phó với các "rào cản" thương mại, kịp thời bảo vệ các sản phẩm trong nước..." - ông Nguyễn Bích Lâm nói.