Nhiều hiện vật quý về Bác Hồ trong triển lãm “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”
Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 18:03, 18/11/2021
Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra vào ngày 24/11, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ VHTT&DL phối hợp tổ chức triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Triển lãm cho thấy rõ quan điểm "văn hóa soi đường cho quốc dân đi" mà Bác Hồ từng phát biểu cũng như đã thực hiện trong suốt cuộc đời mình, qua những chỉ đạo, những cuốn sách Bác viết, bức thư Bác gửi các trí thức, văn nghệ sĩ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hoá đất nước
Hình ảnh, tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam là những điểm nhấn quan trọng tại triển lãm. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/1946, Người chỉ rõ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Lời dạy đó đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam.
Khắc họa những tư tưởng của Bác về văn hóa, triển lãm trưng bày những hình ảnh, hiện vật, tài liệu, thư, bản thảo, tác phẩm của Người về văn hóa nghệ thuật, với các văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học Việt Nam. Bác đã có rất nhiều bài nói, bài viết, tác phẩm, thư gửi các hội nghị trong lĩnh vực này: Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ Văn hóa, ngày 28/2/1957; Sách “Con người xã hội chủ nghĩa”, xuất bản năm 1961. Người không chỉ nhấn mạnh vị trí, vai trò của văn hóa mà còn đề ra nhiều chiến lược, nhiệm vụ quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt chú ý đến vai trò của văn nghệ sĩ: “Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Đặc biệt, công chúng cũng được khám phá nhiều hiện vật về Bác như bộ sưu tập thiệp chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng “Chân dung Bác Hồ” của nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim sáng tác năm 1946; đôi guốc mộc, bộ quần áo nâu cho thấy sự giản dị của Bác Hồ - một nếp văn hóa đẹp. Những hình ảnh “lạ” về Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa được nhiều người biết tới cũng được giới thiệu trong triển lãm như hình ảnh Bác đang chăm chú tìm hiểu về trống đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hay đang đọc bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Văn hoá gắn liền với lịch sử dân tộc
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng trong phát biểu khai mạc triển lãm cho biết, BTC mong muốn giới thiệu tới rộng rãi công chúng sự giàu có của văn hóa, di sản nước nhà, về vai trò quan trọng của văn hóa với sự phát triển của đất nước.
Những hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý về văn hóa Việt Nam từ văn hóa Đông Sơn, văn hóa Chăm… tới nay mà đặc biệt là nền văn hóa trong thời đại Hồ Chí Minh được giới thiệu tới công chúng. Trong đó, bản “Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943” là Văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ. Cũng không thể không nhắc đến dấu mốc Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa VIII (tháng 7/1998) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, khẳng định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội”.
Giai đoạn 1930-1945, là các hình ảnh về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, Đảng lãnh đạo các phong trào đấu tranh giành độc lập như Xô Viết - Nghệ Tĩnh, các cuộc khởi nghĩa khắp Bắc - Trung – Nam. Đặc biệt, triển lãm giới thiệu “Đề cương văn hóa” đăng trên tạp chí “Tiền Phong”, cơ quan vận động Văn hóa mới thuộc Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, xuất bản ngày 10/11/1945.
Giai đoạn 1945-1954, nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật làm nổi bật những đóng góp của văn hóa nghệ thuật phục vụ cách mạng được trưng bày. Đây là giai đoạn kháng chiến chống Pháp với khẩu hiệu “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, thu hút sự hưởng ứng của nhân dân như “Bình dân học vụ”, tập trung xóa nạn mù chữ; xây dựng hệ thống giáo dục mới, cử cán bộ, sinh viên đi học tập tại nước ngoài để đào tạo nguồn tri thức tiến bộ tái kiến thiết nước nhà.
Giai đoạn 1954-1975, miền Bắc xây dựng CNXH, các hình ảnh, hiện vật ở phần này nêu bật tinh thần yêu nước của nhân dân, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Giai đoạn này có nhiều phong trào nổi bật: “Tiếng hát át tiếng bom” và “Đọc sách có hướng dẫn”. Phần trưng bày giai đoạn này giới thiệu nhóm hiện vật: Máy quay phim đầu tiên của Bắc Bộ từ 1950; máy quay phim 16 ly của điện ảnh Nam Bộ dùng ghi lại chiến công đánh Mỹ của quân ta.
Triển lãm còn cho thấy rõ quan điểm "văn hóa soi đường cho quốc dân đi" mà Bác từng phát biểu và thực hiện trong suốt cuộc đời mình, qua những chỉ đạo, những cuốn sách Bác viết, bức thư Bác gửi các trí thức, văn nghệ sĩ như thư gửi bác sĩ Tôn Thất Tùng, Vũ Đình Tụng, thư gửi "chú thím Mai" (vợ chồng giáo sư Đặng Thái Mai), thư gửi các họa sĩ kháng chiến.