Mô hình sản xuất giá đỗ tự động của anh nông dân mê chế tạo
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 12:30, 04/10/2017
Sinh ra trong một gia đình 4 đời làm nghề ươm giá đỗ, anh Nguyễn Văn Quang (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) thấu hiểu được những vất vả trong công việc của gia đình. Dù không được đào tạo qua trường, lớp nhưng với niềm đam mê tìm tòi và sáng tạo, anh đã tự chế tạo thành công hệ thống máy móc sản xuất giá đỗ tự động.
Mô hình tự động
Học hết Trung học cơ sở, Nguyễn Văn Quang quyết định nghỉ học để phụ bố mẹ làm nông và lập gia đình. Năm 2003, vợ chồng anh tiếp quản công việc ươm giá đỗ của gia đình. Hằng ngày vợ anh cặm cụi để chăm sóc những nồi giá đỗ, khiến phần da trên đôi bàn tay bị bong tróc do nước ăn mòn. Thương vợ, anh nghĩ mình phải làm một điều gì đó giúp vợ bớt vất vả trong công việc. Lúc đầu anh mày mò, chế tạo ra chiếc phao tự động cho máy bơm nước và một số công cụ phục vụ việc sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Quang kiểm tra chất lượng giá đỗ trong phòng ươm. |
Nhớ lại khoảng thời gian khi có chiếc phao tự động, anh Quang hồ hởi: “Vợ chồng tôi vui lắm, không phải lo lắng đến việc bơm nước lên bể, công việc sản xuất trôi chảy hơn nhiều”. Từ đó, anh nung nấu ý tưởng biến mô hình sản xuất thủ công của gia đình trở thành mô hình sản xuất tự động.
Sau một thời gian tìm hiểu, anh bắt tay vào chế tạo máy lọc hạt và làm sạch hạt giống. Hơn một năm chế tạo rồi chạy thử nghiệm và nhiều lần thất bại, anh mới vỡ ra mình còn thiếu kiến thức về cơ khí. Không nản chí, anh bắt đầu mua những quyển sách dạy chế tạo máy để đọc và học hỏi kinh nghiệm từ những người thợ cơ khí quanh khu vực.
Năm 2006, chiếc máy lọc hạt và làm sạch hạt giống của anh đã ra đời trong niềm vui mừng khôn xiết của cả gia đình. Anh cho hay: “Tôi thiết kế máy lọc hạt và làm sạch hạt dựa trên nguyên lý hoạt động của cánh tay con người khi sàng gạo. Trung bình một giờ đồng hồ, hai chiếc máy của gia đình tôi làm sạch được 1 tạ đỗ, nhanh gấp 20 lần làm thủ công”.
Thành công ban đầu ấy là động lực để anh sáng tạo ra nhiều loại máy phục vụ công việc sản xuất như: Máy lật úp liên hoàn, rửa nồi, xử lý nước, máy lọc... Mỗi loại máy anh chế tạo ra đều nắm một vị trí quan trọng trong mô hình sản xuất. Đơn cử như máy lọc nước, xử lý nước, nếu không loại bỏ được các tạp chất, hạt giống sẽ không hấp thụ được chất dinh dưỡng khiến mầm giá bị chột và màu sắc không bắt mắt. Còn máy rửa nồi, nếu rửa không sạch thì hạt giống dễ sinh bệnh và hỏng.
Khi được hỏi về chiếc máy anh tâm đắc nhất trong mô hình sản xuất, anh cho biết: “Đó là chiếc máy lật úp liên hoàn, tôi phải mất gần 10 năm tìm tòi, suy nghĩ, với biết bao công sức và tâm huyết mới có thể chế tạo ra nó”. Chiếc máy lật úp liên hoàn của anh làm thay con người tất cả công việc chăm sóc hạt giống như: Tự động tưới nước, ủ giá đỗ…
Không ngừng chế tạo
Khi các công đoạn đã được tự động hóa, anh liền tăng số lượng sản xuất lên từ 200 đến 300 kg/ngày so với trước kia. Tuy nhiên, tăng số lượng đồng thời phải chú ý đến môi trường phòng ươm, vì giá đỗ rất nhạy cảm với thời tiết.
Anh kể: “Thời gian mới tăng số lượng, gần một tháng liền giá đỗ trong phòng ươm của gia đình tôi bị bệnh không rõ nguyên do”. Khi anh đang loay hoay tìm cách khắc phục thì may mắn đã đến. Trong một lần đọc cuốn sách về con đường nhiễm khuẩn, anh đã nhận ra rằng, không khí trong phòng ươm có vấn đề. Không chần chừ, anh bắt tay vào sửa lại phòng và lắp thêm điều hòa, bóng sưởi, bóng diệt khuẩn… Từ đó, mô hình sản xuất giá đỗ không một lần bị bệnh và đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh.
Theo anh Quang, để sản xuất giá đỗ hiệu quả thì phòng ươm phải thiết kế theo mô hình không khí đối lưu, mùa hè mát, mùa đông ấm, trời nồm nhanh khô. Muốn giá đỗ phát triển tốt phải chú ý đến nhiệt độ, mùa rét nhiệt độ phòng ươm phải từ 25-27 độ C, mùa nóng từ 27-29 độ C và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ.
Mặc dù công việc sản xuất đã đi vào ổn định, mỗi ngày gia đình anh cho ra thị trường hơn 200kg giá đỗ nhưng anh vẫn trăn trở mỗi khi thấy vợ ngồi đóng gói và dán nhãn mác cho sản phẩm. Anh lại bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo thêm chiếc máy đóng gói và dán nhãn mác tự động.
Nhiều lần gia đình khuyên anh nên dừng công việc chế tạo, để tập trung vào sản xuất và chăm lo cho gia đình. Nhưng cái máu chế tạo đã ăn sâu vào con người khiến anh không sao dừng nổi.
Anh tâm sự: “Được ngồi nghiên cứu, chế tạo chính là niềm vui trong cuộc sống của tôi. Mỗi sản phẩm là một đứa con tinh thần giúp tôi có thêm nguồn cảm hứng để sáng tạo”. Anh dự định sau khi chế tạo xong chiếc máy đóng túi và dán nhãn mác sẽ thành lập công ty, để sản phẩm giá đỗ của gia đình đến tay người tiêu dùng ở khắp các vùng miền.
Ông Lê Thanh Phương, Chủ tịch Hội nông dân xã Đa Tốn nhận xét: “Mô hình sản xuất giá đỗ của gia đình anh Quang là một mô hình mới, giúp giải phóng sức lao động và sản xuất có hiệu quả hơn. Đặc biệt, một người nông dân không học qua trường, lớp có thể chế tạo ra các loại máy công nghiệp là một điều tuyệt vời và cần được biểu dương, khen ngợi”.