Sóc Sơn - Bốn mươi năm dựng xây và phát triển
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 15:26, 04/10/2017
Sóc Sơn là huyện ngoại thành nằm ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội, bao gồm 25 xã và một thị trấn. Sóc Sơn có sông, có núi, có nhiều quốc lộ huyết mạch chạy qua, có sân bay Nội Bài, có huyền thoại Thánh Gióng - một trong tứ bất tử của dân tộc Việt Nam. Sóc Sơn là vùng đất cách mạng. Con người Sóc Sơn cần cù, chân chất, dám nghĩ dám làm. Đó là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển kinh tế, xây dựng quê hương Sóc Sơn giàu và đẹp trong suốt 40 năm qua (1977 - 2017).
Sóc Sơn ngày ấy...
Ngày 05/7/1977, theo quyết định số 178/QĐ-CP của Hội đồng Chính phủ về hợp nhất các huyện theo vùng quy hoạch của tỉnh Vĩnh Phú, hai huyện Đa Phúc và Kim Anh hợp nhất thành huyện Sóc Sơn với 29 xã và một thị trấn. Ngày 01/4/1979, thực hiện chủ trương về quy hoạch địa giới hành chính đối với Thủ đô Hà Nội, Chính phủ quyết định chuyển Sóc Sơn từ tỉnh Vĩnh Phú về Thành phố Hà Nội. Lúc này 4 xã và thị trấn Xuân Hòa chuyển về huyện Mê Linh nên Sóc Sơn còn 25 xã. Đến 03/3/1987, thị trấn Sóc Sơn được thành lập theo quyết định số 45/HĐBT; từ đó Sóc Sơn gồm 25 xã và một thị trấn.
Trung tâm hành chính huyện Sóc Sơn.
Khi mới thành lập, huyện Sóc Sơn có diện tích 31.384 ha trong đó 20.000 ha đất canh tác, dân số hơn 130.000 người trong đó có 60.000 lao động. Vốn là một huyện thuần nông, đồi núi trọc chiếm diện tích lớn, đất đai bạc màu lại chịu ảnh hưởng nặng nề do chiến tranh để lại; thêm vào đó kết cấu hạ tầng vừa thiếu vừa lạc hậu, nền kinh tế vận hành theo cơ chế tập trung, bao cấp cho nên đời sống nhân dân rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đói cao.
Đó cũng là thời kỳ đất nước ta khó khăn chồng chất khó khăn. Vì vậy, Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã xác định không thể ỷ vào sự hỗ trợ từ cấp trên mà phải tự lức tự cường là chính.
... đến bây giờ
Trải qua bốn mươi năm với sự phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong huyện, Sóc Sơn đã tiến được những bước dài và vững chắc trên con đường tới ấm no hạnh phúc.
Khi mới thành lập huyện, nông nghiệp được xác định là lĩnh vực “kinh tế trung tâm số một”. Đến nay, cơ cấu kinh tế của Sóc Sơn đã có sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực: nếu năm 1991 nông nghiệp chiếm 86,8%, dịch vụ 11%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN) - xây dựng 2,2% thì đến năm 2016 nông nghiệp còn 11,75%, dịch vụ 32,99%, công nghiệp – TTCN - xây dựng 55,26%. Ở lĩnh vực nông nghiệp, giá trị canh tác tăng nhanh, từ 12,1 triệu đồng năm 1991 lên 20,6 triệu đồng năm 1995 và đến 2015 đạt 132 triệu đồng, có vùng sản xuất đạt 350 triệu đến một tỷ đồng /một ha. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Sóc Sơn liên tục tăng: giai đoạn 1996-2000 là 7,4% tăng lên 10,43% giai đoạn 2001 - 2005 rồi 12,37% giai đoạn 2006 - 2010 và 8,71% giai đoạn 2010 - 2015; riêng năm 2016 là 9,75%. Thu nhập bình quân đầu người 5 năm (2006 - 2010) đạt 18 triệu đồng/năm, 5 năm tiếp theo 29, 8 triệu đồng/năm, riêng năm 2016 đạt 30 triệu đồng. Từ một huyện có tỷ lệ đói nghèo cao, sau bốn mươi năm nỗ lực phấn đấu, theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều, huyện chỉ còn 3.011 hộ nghèo (37,3%), 3.794 hộ cận nghèo (4,69%). Đại đa số các hộ gia đình mua sắm được những trang thiết bị tiên tiến như ti vi, tủ lạnh, xe máy, điều hòa... Hàng nghìn hộ đã có ô tô riêng.
Xác định kinh tế phát triển là đòn bẩy thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tính đến năm 2014 hơn 95% (>1000km) đường giao thông thôn xóm, 85% đường trục liên thôn (330 km) được bê tông hóa, 70 km đường liên huyện, liên xã được nhựa hóa. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Trung ương và Thành phố Hà Nội xây dựng mới và mở rộng, nâng cấp đường quốc lộ 2, 3B, đường18; cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên; tỉnh lộ 35, 16; nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài...
Bên cạnh đó, tiêu chí hệ thống điện trong xây dựng nông thôn mới của huyện đạt 25/25 xã. Toàn huyện cứng hóa được hơn 600km kênh mương (đạt tỷ lệ 45%) và 32km đê; hoàn thành dự án xây dựng hệ thống dẫn nước sạch cho khu đô thị, công nghiệp Sóc Sơn và đang triển khai xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn và 3 xã liền kề. Công tác phủ xanh đất trống đồi trọc được chú trọng, hiện nay diện tích rừng của Sóc Sơn là 4.557 ha.
Một công tác trọng tâm của huyện trong những năm gần đây là thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả rất khả quan. Tính đến hết năm 2016, toàn huyện đã tiến hành dồn điền đổi thửa tại 121 thôn, làng, với tổng diện tích trên 10.845 ha; 31.924 hộ đã thực hiện dồn điền đổi thửa với tổng số 94.119 thửa. Năm 2009, xã Mai Đình được chọn làm điểm xây dựng mô hình nông thôn mới của Thành phố và đã hoàn thành 19/19 tiêu chí sau hơn 2 năm triển khai. Sau Mai Đình, 24 xã còn lại đồng loạt triển khai thực hiện. Đến hết năm 2016 toàn huyện đã có 15 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 3 xã đăng ký đạt chuẩn năm 2017, 07 xã còn lại phấn đấu không xã nào đạt dưới 15 tiêu chí.
Bốn mươi năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội của nhân dân trong huyện Sóc Sơn không ngừng được cải thiện và nâng cao. 100% trường học không còn phòng học cấp bốn; 52 trường đạt chuẩn quốc gia. Huyện có một hội khuyến học cấp huyện và 26 hội khuyến học cấp xã. Tính đến năm học 2016 - 2017, toàn huyện có 36 trường mầm non trong đó có 4 trường tư thục với 628 lớp, 23.752 trẻ. Bậc tiểu học có 35 trường với 837 lớp, 30.051 học sinh. Trung học cơ sở có 27 trường với 503 lớp, 19.516 học sinh. Bậc trung học phổ thông, năm 1977 cả huyện chỉ có 2 trường đến năm 2017 đã có 12 trường (6 công lập, 6 dân lập). Ngoài ra, huyện còn có trường nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em khuyết tật, trung tâm giáo dục thường xuyên. Mười năm trở lại đây, bình quân hàng năm có hàng ngàn học sinh Sóc Sơn trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, nhiều em đỗ thủ khoa của các trường đại học. Tỷ lệ xét tốt nghiệp trung học cơ sở dạt 99% trở lên, kết quả thi vào trung học phổ thông đạt khá.
Song song với giáo dục, hệ thống y tế từ huyện đến xã cũng được tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế. Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn được đầu tư xây dựng mới thành bệnh viện hạng II với kinh phí 400 tỷ đồng, quy mô 300 giường bệnh. Trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia với hệ thống 5 phòng khám khu vực; 26/26 xã, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (giai đoạn 2011 - 2020). Tỷ lệ bác sĩ /1 vạn dân tăng từ 0,2 (năm 1991) lên 2,7 (2006), 5 (2015) và 7 (2017). Số bác sĩ trình độ trên đại học chiếm trên 40% tổng số bác sĩ công tác trên địa bàn. Một số bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp 2.
Không những nghành giáo dục và y tế có bước tiến vượt bậc mà lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể thao trong huyện cũng phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, 15/25 xã có trung tâm văn hóa; 180 thôn, làng, tổ dân phố xây dựng được nhà văn hóa thôn làng; 26/26 xã, thị trấn có đài truyền thanh; Năm 2016: 90% số hộ đạt gia đình văn hóa, 127/193 thôn làng đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, 8/12 tổ dân phố đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”. Toàn huyện có 51 di tích được xếp hạng trong đó di tích (đền Sóc) được xếp hạng Quốc gia đặc biệt; năm 2010, Lễ hội Gióng ở đền Sóc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Phong trào TDTT quần chúng diễn ra rất sôi nổi, bình quân mỗi năm cấp cơ sở tổ chức gần 700 cuộc thi TDTT, cấp huyện 45 - 50 cuộc. Huyện đã đầu tư xây dựng nhà thi đấu hiện đại, sức chứa trên 2000 khán giả. Từ 2004 đến nay, Sóc Sơn cung cấp trên 400 vận động viên cho tuyến trên, hàng trăm vận động viên tham gia các đội tuyển quốc gia thi đấu giải quốc tế và khu vực.
Suốt bốn mươi năm qua, Đảng bộ và chính quyền huyện Sóc Sơn luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; từng bước kiện toàn, củng cố và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của hàng ngũ cán bộ, đảng viên. Khối đoàn kết toàn dân được tăng cường và mở rộng.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được thực hiện tốt, không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Trong lĩnh vực quân sự địa phương, Sóc Sơn thực hiện hiệu quả việc xây dựng và huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên, hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội...
Với những thành tựu trên, trong bốn mươi năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các đơn vị và cá nhân của huyện Sóc Sơn đã nhận được nhiều danh hiệu thi đua và các phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng: huyện Sóc Sơn được phong danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 5 xã là “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; 12 xã là “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; toàn huyện có 230 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; một Anh hùng lực lượng vũ trang; một Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Huyện được đón nhận 3 Huân chương Lao động (hạng Nhất, Nhì và Ba). Năm 2012 được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Ngày 22/8/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký quyết định số 1627/QĐ - CTN về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ huyện Sóc Sơn. Các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn và cá nhân trong huyện được tặng 148 huân chương các loại. Ngoài ra, hàng ngàn lượt lượt tập thể, cá nhân được nhận bằng khen, giấy khen, danh hiệu thi đua các cấp.
Theo quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội, trong tương lai không xa Sóc Sơn sẽ trở thành đô thị vệ tinh của Hà Nội. Cộng với thành tựu, tiềm năng sẵn có, chắc chắn Sóc Sơn sẽ trở thành huyện có sức hấp dẫn, thu hút đầu tư, mở ra những tiền đề thuận lợi cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trong chặng đường mới.