An Phú - đổi thay nơi “đất mũi” Thủ đô

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 15:53, 04/10/2017

Nắng chiều nhạt buông trên con đường về Mỹ Đức (Hà Nội), chúng tôi tìm về xã An Phú nơi thường được gọi là “đất mũi” của Thủ đô giáp với tỉnh Hòa Bình. Phần lớn người dân sinh sống ở An Phú là đồng bào Mường. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua nhờ được quan tâm từ các cấp, các ngành, cộng thêm sự đồng lòng, quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nên An Phú thực sự đổi mới từng ngày, đời sống cả vật chất và tinh thần của bà con được nâng lên rõ nét.
Xã miền núi khó khăn nhất Thủ đô
Con đường từ huyện Mỹ Đức về xã An Phú những ngày này thật đẹp và khang trang bởi xen lẫn những dãy núi đá vôi là hệ thống điện, đường, trường, trạm được hoàn thành khá đồng bộ. 

Xã An Phú nằm giữa ngã ba, giáp ranh giữa huyện Mỹ Đức và hai huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy của tỉnh Hòa Bình. Cũng bởi địa hình lòng chảo nên việc canh tác của người dân gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên bị mất mùa bởi úng trũng, đặc biệt mỗi khi lũ rừng đổ về. Đồng đất nơi đây xưa kia, chỉ cấy được một vụ lúa. Vào mùa mưa, cả xã như một ốc đảo, trắng xóa nước. Thế nên dân An Phú mới có câu "6 tháng đi chân, 6 tháng đi tay", có nghĩa là một nửa năm phải chèo thuyền mà đi lại.

An Phú - đổi thay nơi “đất mũi” Thủ đô
An Phú đổi thay từng ngày

Theo lời lãnh đạo địa phương nơi đây chia sẻ thì An Phú là xã nghèo của huyện Mỹ Đức nơi khó khăn nhất của Thủ Đô. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là người dân tộc Mường chiếm 68%, 46% số hộ trong toàn xã theo đạo Thiên chúa giáo. Cuộc sống trước đây có nhiều vất vả nhưng với cơ sở hạ tầng vừa đầu tư khang trang, sự chăm chỉ của bà con, cùng sự quan tâm của huyện, Thành phố Hà Nội, cuộc sống mới đang hình thành ở An Phú…

Hôm nay trở lại An Phú, con đường được trải nhựa phẳng lì đến tận trụ sở UBND xã, không còn cảnh đường lầy lội, gập ghềnh ổ trâu, ổ gà như nhiều năm về trước. Với diện tích tự nhiên khá rộng, khoảng 2.227 ha, địa hình đồi núi phức tạp, dân cư thưa thớt, cả xã có hơn 2.000 hộ, nông nghiệp là chủ đạo. Huyện Mỹ Ðức xác định, muốn thúc đẩy kinh tế - xã hội ở An Phú phát triển, phải đầu tư mạnh vào hạ tầng nông thôn, chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Nhiều năm qua các công trình phúc lợi đã được xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm.

An Phú - đổi thay nơi “đất mũi” Thủ đô
Xây dựng đường giao thông liên thôn ở xã An Phú

Bởi vì đây là xã khó khăn nên ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, huyện cũng luôn trăn trở nghĩ cách làm sao "vực" dậy An Phú một cách bền vững. Huyện Mỹ Đức xác định, đây là vùng đất đặc thù, xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, sản xuất không thuận lợi nên ngoài việc đầu tư, huyện chú trọng kiện toàn công tác tổ chức cán bộ, mạnh dạn bố trí những cán bộ trẻ, có năng lực, tham gia vào Ban chấp hành và các vị trí chủ chốt của xã. Nhờ đó mà An Phú luôn phát huy được thế mạnh tập thể, dựa trên trí tuệ, tâm huyết của những cán bộ lâu năm, cùng kết hợp với cán bộ trẻ, năng động, sáng tạo.

Lãnh đạo trong Đảng ủy cùng với các cán bộ chủ chốt của xã thường xuyên đi cơ sở, đến trực tiếp 13 thôn xóm để nắm tình hình thực tế, từ đó hướng dẫn, hỗ trợ bà con làm ăn kinh tế hiệu quả, nâng cao đời sống. Qua những chuyến rà soát, kiểm tra tại cơ sở, lãnh đạo xã đã thấy được nhiều khó khăn, bất cập và mức độ khác nhau tại từng địa bàn, từ đó ra nghị quyết hoặc có những biện pháp phù hợp để phát triển sản xuất sát thực từng địa bàn.

Đây là vùng đất bán sơn địa, nắng thì liên tiếp khô hạn, mưa thì ngập úng, nên việc áp dụng đưa cây trồng, vật nuôi gì vào địa bàn là hết sức quan trọng. Vì vậy, công tác điều hành chỉ đạo của lãnh đạo xã cũng gặp rất nhiều khó khăn. Có thời điểm, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán kéo dài, cán bộ xã đã chủ động sang Hoà Bình “xin” nước về cho bà con trồng lúa hay những khi gặp lũ lụt, ngập úng, đã kịp thời tìm cách khắc phục, tránh tổn thất đến mùa vụ của bà con. Sự tận tụy, mẫn cán và tinh thần trách nhiệm của những người “đầy tớ của nhân dân” nơi đây thực sự là những điểm sáng, góp phần làm nên những bước chuyển mình của An Phú hôm nay.

Nói về đổi thay của An Phú, nguyên Bí thư Đảng ủy xã An Phú Lê Văn Trang cũng đã khẳng định: An Phú có được như ngày hôm nay là  nhờ sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội cùng các cấp, các ngành từ thành phố đến huyện, nhiều chương trình dự án đã được đầu tư, các chính sách về dân tộc như chương trình 134, 135 của Chính phủ được quan tâm triển khai, thực hiện. Đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã ngày càng được nâng cao. Những người cán bộ xã vẫn từng ngày tận tụy với nhiệm vụ và nỗ lực hết sức để giúp bà con vùng quê mình không chỉ “an” mà còn “phú” như chính cái tên mảnh đất mà chúng tôi luôn tự hào. 

Chuyển mình mạnh mẽ

Chính tâm huyết và sự nỗ lực của những người cán bộ nơi đây, mảnh đất này hôm nay đã ngày một phát triển. Dọc hai ven đường vào các thôn Đồng Chiêm, Ái Nàng, Nam Hưng… nhiều ngôi nhà 2-3 tầng mọc lên, sức sống mới len lỏi trong từng con ngõ. Trước đây, nói tới An Phú ai cũng thấy xa xôi, nhưng nay đã thấy gần hơn nhiều nhờ giao thông các thôn đã được kết nối với trục trung tâm UBND xã và đường mòn Hồ Chí Minh, phần lớn đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa. 

Hiện nay, bà con các dân tộc đã yên tâm sản xuất 2 vụ lúa, năng suất cao. Những xứ đồng úng trũng, bà con đã cấy 1 vụ lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi lợn, gia súc gia cầm, nhiều hộ còn mạnh dạn chuyển từ cấy lúa sang trồng sen… Cơ cấu cây trồng vật nuôi có chuyển biến rõ nét, có nhiều mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng sen kết hợp với nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi dê. Những rừng keo đến tuổi thu hoạch bạt ngàn trên các triền núi, cùng với những trang trại, nông trại nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi dưới chân núi thực sự đã là cây con xóa nghèo, làm giàu cho nhiều hộ. Công tác quy hoạch sử dụng đất và khoanh nuôi bảo vệ rừng đã xây dựng xong, hoàn thành việc dồn ô đổi thửa đạt kết quả cao. 

Đặc biệt, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn đạt kết quả cao. Đến nay, xã đạt chỉ tiêu về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo gần 100%, về cơ bản không còn hộ dân ở nhà tạm, nhà dột nát. Các mặt văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, an ninh trật tự đều có nhiều khởi sắc. 

Ông Nguyễn Hoàng Hân, trưởng thôn Đồi Dùng, xã An Phú chia sẻ: Trước đây cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, ruộng đồng chỉ cấy được một vụ lúa. Năm nào người dân cũng phải đi tránh lũ lụt, mất mùa liên miên. Nhưng bây giờ thì khác, cán bộ xã đến từng nhà động viên, rồi giúp đỡ nên gia đình tôi khá hơn nhiều lắm, vừa trồng lúa, vừa nuôi cá, chăn dê nên không còn lo đói khổ mà đã có của ăn của để rồi”. 

Có thể nói, đất và người An Phú đang chuyển mình mạnh mẽ. Những nỗ lực thoát nghèo, phấn đấu nâng cao đời sống của cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có lẽ đã được đền đáp. Chúng tôi rời An Phú, lòng vẫn đầy ắp niềm vui, sự tin tưởng vào tương lai An Phú sẽ thêm ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, đẹp giàu. 

Bảo Minh