Dưới chân non Tản, từ Đồng Mô đến Đà giang
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 13:32, 05/10/2017
Hồ Đồng Mô nằm trên địa bàn thị xã Sơn Tây và một phần đất của huyện Ba Vì Thành phố Hà Nội, trung tâm của xứ Đoài, cửa ngõ phía Tây có non Tản linh thiêng che chắn cho kinh thành Thăng Long xưa kia. Hồ nằm trên một vùng đất cổ gắn liền với rất nhiều huyền thoại hạ sơn trị thủy của người Việt cổ, nổi bật là truyền thuyết về cuộc chiến của Sơn Tinh với Thủy Tinh. Lòng hồ Đồng Mô nguyên là sông Măng.
Từ năm 1967 đến năm 1970, dưới đôi bàn tay của người xứ Đoài, sông Măng đã được đắp đập tích nước phục vụ sản xuất và đã trở thành một hồ nước nhân tạo rộng 1260 ha, chu vi 17 km, nơi rộng nhất khoảng 4 km. Và trên hồ nước mênh mông ấy còn có 21 đảo lớn nhỏ là những thắng cảnh rất đẹp tô điểm cảnh quan cho mặt nước xanh biếc lung linh mây trời.
Bây giờ hồ Đồng Mô đã và đang phát triển các loại hình du lịch sinh thái rất hấp dẫn là điểm đến lý tưởng cho những ai đam mê chụp ảnh và đi phượt.
Bây giờ hồ Đồng Mô đã và đang phát triển các loại hình du lịch sinh thái rất hấp dẫn là điểm đến lý tưởng cho những ai đam mê chụp ảnh và đi phượt.
Khu biệt thự Phan Thị trong phim Người phán xử
Chuyến xe đưa chúng tôi về khu sinh thái Đồng Mô trong một buổi sáng đầu thu với cái nắng cái nóng vẫn còn oi ả như thể mùa hè vẫn còn lưu luyến, bịn rịn chưa muốn chia tay.
Theo Quốc lộ 32, đến đầu thị xã Sơn Tây rồi quẹo trái sang đường 21 đi tiếp khoảng chục km đến khu vực xã Sơn Đông xe chầm chậm chuyển bánh về hướng con đường nhỏ hơn phía bên phải. Cứ thế, chúng tôi bỏ lại sau lưng những ồn ào của phố thị với người và xe, đi lại náo nhiệt như giang mắc trên mặt đường để đến với một vùng trời nước bao la, khoáng đạt và mộng mơ của xứ Đoài mây trắng. Xe đi quanh co qua những cánh đồng, vườn cây dưới chân đồi khoảng chừng hơn hai cây số rồi dừng lại trước cổng G9 resort. Kể từ đây chúng tôi chính thức đặt chân lên vùng đất du lịch sinh thái của hồ Đồng Mô.
Theo Quốc lộ 32, đến đầu thị xã Sơn Tây rồi quẹo trái sang đường 21 đi tiếp khoảng chục km đến khu vực xã Sơn Đông xe chầm chậm chuyển bánh về hướng con đường nhỏ hơn phía bên phải. Cứ thế, chúng tôi bỏ lại sau lưng những ồn ào của phố thị với người và xe, đi lại náo nhiệt như giang mắc trên mặt đường để đến với một vùng trời nước bao la, khoáng đạt và mộng mơ của xứ Đoài mây trắng. Xe đi quanh co qua những cánh đồng, vườn cây dưới chân đồi khoảng chừng hơn hai cây số rồi dừng lại trước cổng G9 resort. Kể từ đây chúng tôi chính thức đặt chân lên vùng đất du lịch sinh thái của hồ Đồng Mô.
Có lẽ, bình thường khu biệt thự chắc cũng ít người để ý đến nhưng kể từ khi đài truyền hình VTV3 phát sóng bộ phim “Người phán xử” thì xem ra mọi người mới biết và thích thú, quan tâm đến nơi này. Nhiều người đã tìm đến đây để thăm thú, hoà mình vào cảnh sắc thơ mộng của đất trời non nước. Ngay cổng resort người ta vẫn còn để nguyên cái tên biệt thự của ông trùm xã hội đen Phan Quân với cái tên BIỆT THỰ PHAN THỊ như để quảng cáo, mời gọi.
Từ ngôi biệt thự duyên dáng, yêu kiều bên hồ, chúng tôi xuống bến tàu để bắt đầu cho cuộc hành trình trên mặt nước, khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên và sức người trên vùng đất bán sơn địa xứ Đoài. Tàu từ từ rời bến, tiến ra giữa hồ trong mát đang xôn xao sóng, gió. Buổi sáng đầu thu nên mặt nước hồ chưa có khói sương mờ ảo mà như một tấm gương khổng lồ in bóng cảnh vật xung quanh. Khi mặt trời lên toàn cảnh hồ Đồng Mô như khoác lên mình một vẻ đẹp lạ kỳ như thể bồng lai giữa miền nhân gian. Muôn ngàn tia vàng lấp lánh xiên chéo tỏa xuống mặt hồ, long lanh trên những con sóng nước. Xa xa, thấp thoáng những chiếc thuyền câu đang nhẹ nhàng trôi trên mặt nước. Giữa bầu trời bao la, lộng gió thi thoảng lại điểm xuyết những cánh cò trắng muốt chao nghiêng giữa trời, trên những đảo nhỏ giữa lòng hồ mênh mông sóng nước là những rừng thông, keo rợp lá cùng muôn cách chim bay lên lại đậu xuống làm xao động cả một góc trời. Ngước nhìn về phía trời xa là ba đỉnh của non Tản linh thiêng xanh rì trập trùng trước mặt. Và thỉnh thoảng rong chơi qua bầu trời là những áng mây trắng bồng bềnh của xứ Đoài đang lững lờ trôi, làm dịu đi cái oi ả của nắng đầu thu tháng bảy. Ngắm nhìn cảnh vật lòng hồ cùng đồi núi nhấp nhô như thế sao ta thấy thanh bình và quyến rũ đến thế. Có lẽ cảnh ấy đã làm cho không ít người đang phiêu hồn trong những cảm giác lâng lâng khó tả.
Du thuyền trên lòng hồ ta không chỉ được say sưa với những cảnh quan mỹ lệ của sơn thủy hữu tình mà còn được thỏa sức ngắm nhìn những đồi cỏ xanh mịn tựa như nhung của những sân golf trập trùng nối từ dải đồi nọ đến dải đồi kia chạy quanh mặt hồ. Chưa hết, trên những đảo giữa hồ và quanh hồ còn có rất nhiều miệt vườn với đủ các loài hoa thơm quả ngọt cùng các khu vui chơi, giải trí: đua thuyền, đốt lửa trại, trượt patin.... Đặc biệt, bên hồ, còn có làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Khu du lịch này là nơi tái hiện những giá trị văn hoá đặc sắc của năm mươi tư dân tộc Việt Nam. Đến đây chúng ta sẽ gặp tháp Chàm của người Chăm, ngôi chùa vàng tươi của người Khơ me, nhà Rông dài như tiếng chiêng ngân cùng những vườn tượng gỗ của đồng bào Tây Nguyên hay những nếp nhà sàn của đồng bào Tây Bắc … Có thể nói làng văn hóa này là nơi quần tụ của “bọc trăm trứng”, là điểm đến khá lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về đời sống và văn hóa của các tộc người trên dải đất hình chữ S này.
Một góc hồ Đồng Mô buổi sớm mai
Sau khoảng hơn hai giờ đồng hồ bồng bềnh trên mặt nước, chiêm ngưỡng cảnh vật núi non trời nước bao la một cách mãn nhãn thích thú, con tàu lại đưa chúng tôi cập bến trở về nơi xuất phát – BIỆT THỰ PHAN THỊ và tiếp tục cuộc hành trình đến Đà giang để ngắm nhìn một vùng non nước khác của xứ Đoài. Xe đưa chúng tôi đi qua khu vực Đá Chông, nơi có K9 bên bờ hữu ngạn của con sông Đà để sang Đảo Ngọc. Núi đồi Đá Chông, khu di tích lịch sử K9 (một thời từng là căn cứ địa của Trung ương Đảng và Bác Hồ, nơi vinh dự được giữ gìn bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi người mất đến năm 1975) rất mát mẻ, thanh bình nằm ẩn mình giữa rừng cây rậm rạp. Ở đây cảm giác cảnh vật của núi U Rồng (Đá Chông nằm trên núi U Rồng, thuộc dãy Tản Viên) vẫn giữ nguyên được những nét nguyên sơ. Những hàng thông xù xì vạm vỡ đung đưa cành lá sắc nhọn theo chiều gió cùng những cây cổ thụ dễ đến hàng vài trăm tuổi của rừng nguyên sinh còn lại làm cho nơi đây trở thành thâm u cổ kính. Và kia là rừng đá sắc nhọn như cây chông cây mác dương lên trời cao. Theo truyền thuyết, đây chính là những dấu tích của những cuộc đọ sức giữa hai thần Sơn Tinh và Thủy Tinh năm xưa. Và một điều thật thú vị, đây cũng chính là chỗ đổi hướng của sông Đà để chuyển dòng lên phía Bắc. Chỗ đổi hướng này đã tạo thành một khúc gãy kỳ lạ để rồi đi một quãng nữa tới ngã ba Hạc, sông Đà cùng với sông Lô hòa vào con sông Hồng góp phần bồi đắp phù sa tạo thành một vùng châu thổ rộng lớn bao la. Chính sự độc đáo này của Đà giang đã làm cho ngã ba Hạc trở thành nơi tụ thủy linh thiêng ở ngay đầu con sông Cái. Ba con sông hợp nhất, lưu thủy mênh mông cùng chầu về mộ Tổ (Đền Hùng) tạo thành cái thế núi chầu sông tụ.
Sông Đà, con sông độc đáo của Bắc Việt, cách đây hơn một thế kỷ, Chánh sứ sơn phòng kiêm Tuần phủ Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích đã từng phát hiện: “Chung thủy giai Đông tẩu/ Đà giang độc Bắc lưu” (Mọi con sông đều chảy về phía Đông/ Riêng sông Đà một mình ngược dòng về hướng Bắc). Và rồi trong những buổi đầu đánh Pháp, Thượng thư Tôn Thất Thuyết không khỏi đau đáu, nhắc nhở: “Lòng chung không nỡ bỏ Tây châu/ Giữ lấy Thao, Đà dải thượng lưu”. Con sông “ngỗ ngược” ấy cũng đã được người con tài hoa của núi Tản là Tiên sinh Nguyễn Khắc Hiếu vẽ lên bằng những đường nét đẹp đẽ, thơ mộng: “Sông Đà ai vặn một dòng xanh?”. Nhưng có lẽ tài hoa nhất khi kể về Đà giang từ cổ đến kim chúng ta phải nhắc đến Nguyễn Tuân với tùy bút “Người lái đò sông Đà”. Ông đã gọi con sông này là con sông “hung bạo và trữ tình”. Tính hung bạo của con sông có thể thấy trên những thác ghềnh mà dòng nước đi qua còn cái gọi là trữ tình của dòng sông có thể thấy phần nào ở đây: “Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội vì mỗi độ thu về”. Những điều Nguyễn Tuân nói, chúng ta cũng có thể nhìn thấy rất rõ ở chỗ đổi hướng này của dòng sông. Người xưa bảo rằng, chỗ ngoặt ấy (khu vực Đá Chông) là địa điểm diễn ra những trận đánh của thần nước với thần núi hòng cướp lại nàng công chúa xinh đẹp con nhà Hùng Vương. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, chỗ quay ngoắt của dòng chảy sông Đà để đổ ngược lên Đông Bắc rồi tụ hội với muôn sông ở ngã ba Bạch Hạc là do vết đứt gãy của vỏ trái đất ở dưới lòng sông. Hiện tượng địa lý ấy đã làm cho con sông vừa hung ác vừa trữ tình. Cái sự hung ác và trữ tình mà Nguyễn Tuân đã miêu tả còn được người bản địa giải thích rằng: Thác nước gầm réo chảy xiết dữ dội là do thằng Giải (quân của Thủy Tinh) thua trận, không kịp chạy, liền lặn xuống đáy sông, khoét thành vực và thỉnh thoảng nổi lên phá hoại. Còn màu nước sông thay đổi là do Sơn Tinh cho quân lấy gỗ “mần để” vót nhọn lao xuống sông, gỗ có nhựa độc làm cho nước xanh đen chuyển sang màu trắng đục, còn gọi là nước vôi hay nước mơ hoa. Thế đấy, hiện thực và huyền thoại của “Đà giang độc Bắc lưu” là vậy.
Chiều nay, đứng bên tả ngạn, từ Đảo Ngọc, nhìn sang bên kia sông, trời cao lồng lộng in hình non Tản sừng sững, uy nghi như thể đang nhìn xuống dòng sông để canh chừng bất trắc. Chợt nhớ Nguyễn Trãi đã từng bảo, đấy là núi Tổ, ngọn núi linh thiêng của đất Việt. Ngọn núi ấy cao ngất (trong tâm thức) trời Nam (Nhất cao là núi Ba Vì/ Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn) là nơi Thánh ngự, đệ nhất Sơn thần bất tử. Cúi xuống nhìn Đà giang mênh mang con nước, dài rộng bao la, cuồn cuộn xuôi dòng mà lòng không khỏi cảm thương cho Thủy Tinh si tình, ghen tuông dữ dội, đến mấy ngàn năm sau vẫn chưa nguôi cơn giận dữ.
Thế mới thấy, cuộc chiến vì người đẹp xưa nay bao giờ cũng dai và đậm màu bi tráng. Dưới chân non Tản, từ Đồng Mô đến Đà giang, đúng là núi cao nước lắm. Núi cao, rộng bao nhiêu thì nước cũng sâu, dài bấy nhiêu. Tương khắc đấy nhưng cũng là tương sinh. Quả đúng là cái thế nước - non, non - nước bao la, tươi đẹp, hùng vĩ còn ẩn chứa nhiều hứa hẹn và bao điều bí ẩn.
Thế mới thấy, cuộc chiến vì người đẹp xưa nay bao giờ cũng dai và đậm màu bi tráng. Dưới chân non Tản, từ Đồng Mô đến Đà giang, đúng là núi cao nước lắm. Núi cao, rộng bao nhiêu thì nước cũng sâu, dài bấy nhiêu. Tương khắc đấy nhưng cũng là tương sinh. Quả đúng là cái thế nước - non, non - nước bao la, tươi đẹp, hùng vĩ còn ẩn chứa nhiều hứa hẹn và bao điều bí ẩn.