Tấm bia tiến sĩ đầu tiên và bài ký của Thân Nhân Trung

Hà Nội xưa - nay - Ngày đăng : 08:40, 20/11/2021

Tấm bia tiến sĩ đầu tiên và bài ký của Thân Nhân Trung

Nhằm kén chọn được hiền tài, ngay từ thời Lê Thái Tổ, vua đã xuống chiếu cho thiên hạ xây nhà học. Trong kinh đô có Quốc Tử Giám. Các quan trong triều ngoài nội được chọn con cháu và thường dân tuấn tú vào làm học sinh ở Nhập thị, Cận thị, Ngự tiền và Giám sinh Quốc Tử Giám. Lại quy định lệ xướng danh, treo bảng vàng, ban mũ áo, cấp ngựa, ăn yến và lệ vinh quy để đề cao khoa cử và làm nức lòng kẻ sĩ. Mười bốn năm sau ngày cuộc kháng chiến chống Minh toàn thắng, triều Lê sơ mở khoa thi hội đầu tiên, năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442), 450 người ứng thí, 33 người trúng cách. Ngày 2 tháng 2, vua ngự ở điện Hội Anh thân hành ra đề và lấy Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Trần Thuấn Du độc quyển rồi đệ lên vua xem xét. Vua lấy Nguyễn Trực, người làng Bối Khê, huyện Thanh Oai, đỗ Trạng nguyên; Nguyễn Như Đổ, người làng Đại Lan, nay thuộc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì đỗ Bảng nhãn khi 18 tuổi; Lương Như Hộc, người làng Hồng Liễu, huyện Thường Tân, Hải Dương đỗ Thám hoa… Đặc biệt, từ khoa thi này, triều Lê định lệ, những người đỗ tiến sĩ được khắc tên vào bia đá, đặt tại Văn Miếu để lưu danh. Nhưng 42 năm sau, vào năm Hồng Đức thứ 15 (1484), dưới thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) việc này mới được thực thi.
Trong 82 tấm bia còn đến ngày nay, tấm sớm nhất dựng năm 1484, khắc tên các tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442), tấm cuối cùng dựng năm 1780 khắc tên các tiến sĩ đỗ khoa Kỷ Hợi (1779). Tính từ khoa Nhâm Tuất tới khoa thi cuối cùng Đinh Mùi (1787), theo đúng lệ khoa cử triều Lê thì phải có 117 tấm bia. Thế nhưng, đến nay, sau nhiều cuộc biến đổi, số bia chỉ còn 82 tấm. Tháng 4/1976, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa Hà Nội tổ chức khai quật lòng giếng và đã tìm thấy một con rùa đá làm đế bia nằm sâu dưới lòng hồ cạnh Khuê Văn Các. Thân bia chưa thấy song các con rùa đế bia đã nâng số bia tiến sĩ lên 83.

Để che mưa nắng, người xưa đã dựng nhà bia. Lần tu sửa nhà bia cuối cùng vào năm Tự Đức thứ 16 (1863). Hồi đó, Bố chính Hà Nội Lê Hữu Thanh cùng với Tổng đốc Hà-Ninh (Hà Nội – Ninh Bình) Tôn Thất Hân và Án sát Hà Nội Đặng Tá khởi xướng việc thu thập các bia tản mát dựng vào bên phải và bên trái giếng Thiên Quang, khoảng giữa Khuê Văn Các và cổng Đại Thành, mỗi bên 41 tấm dựng thành hai hàng ngang, mặt bia đều quay về phía giếng. Lại dựng hai nhà bia, mỗi nhà 11 gian.

Cả hai bên, giữa mỗi vườn bia xây một tòa đình vuông 5m, nền cao, 4 mặt để trống, cửa trước trông thẳng xuống giếng. Xưa kia, xuân thu nhị kỳ, trong Văn Miếu tế lễ thì tại đình bia cũng sửa lễ vật cúng các bậc tiên nho.

Giờ đây, ai có dịp vào thăm Văn Miếu đều thấy vườn bia tiến sĩ có giá trị bậc nhất ở khu di tích đặc biệt này. Qua hình khối, nét chạm tinh xảo, mỗi tấm bia là một tác phẩm điêu khắc. Mỗi bài ký khắc trên bia là một áng văn chương phản ánh sinh động lịch sử, văn hóa và giáo dục của quốc gia Đại Việt trải dài hơn 300 năm. Nội dung các bài ký này đều do các bậc đại danh nho, tài cao đức trọng soạn. Chính vì lẽ đó, ngày 9/3/2010, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra nghị quyết công nhận 82 tấm bia tiến sĩ Văn Miếu, Hà Nội là Di sản Tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới.

Tại đình bia bên phải, chính giữa có đặt một tấm bia tạo năm Hồng Đức thứ 15 (1484) đời Lê Thánh Tông. Bia một mặt, khổ 102x107cm. Diềm bia chạm mặt trời, mây và hoa lá. Toàn văn chữ Hán, khắc chân phương, gồm 49 dòng khoảng 1950 chữ. Bia dựng cách nay 537 năm, còn khá nguyên vẹn, hiện là tấm bia cổ nhất của Hà Nội. Tác giả bài ký khắc trên tấm bia đầu tiên tại Văn Miếu là Thân Nhân Trung (1418 - 1499) tự là Hậu Phủ, quê làng Yên Ninh, huyện Yên Dũng, trấn Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Giang. Năm 1469, ông đỗ Hội nguyên. Sau đó ông làm quan ở nội triều, trải đến chức Tế tửu Quốc Tử Giám, Đại học sĩ Đông Các, kiêm coi Viện Hàn lâm, Thượng thư Bộ Lại. Ông nổi tiếng văn chương, được Lê Thánh Tông tin dùng và thường cho vào hầu văn bút. Thân Nhân Trung tham gia biên soạn Thiên nam dư hạ tập và viết lời tựa ở đầu bộ sách. Khi thành lập Hội Tao đàn, Lê Thánh Tông ban hiệu cho ông là Tao đàn phó súy. Nhà vua mất, ông được đặc cử soạn bài minh khắc vào bia đá đặt ở Chiêu Lăng, Lam Kinh, Thanh Hóa. Do có văn tài, ông được Lê Thánh Tông sai soạn bài ký khắc lên tấm bia tiến sĩ đầu tiên. Phần chính bài ký như sau:

“Nay thấy khoa thi từ niên hiệu Đại Bảo thứ 3 về sau, việc dựng đá đề danh còn thiếu, bọn Quách Đình Bảo, Thượng thư Bộ Lễ kính vâng lệnh trên đem những người đỗ, theo thứ bậc khắc vào bia và xin đổi Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa làm Tiến sĩ cập đệ, đổi phụ bảng thành Đồng tiến sĩ xuất thân, theo thể chế mới, vua cho lời tâu là đúng, sai bọn Thân Nhân Trung chia nhau làm bài ký.

Kẻ bề tôi này kính vâng lời thánh, vui mừng khôn xiết. Nghĩ rằng: việc dựng bia một khi được cử hành thì ý tốt cầu hiền tài, mưu thịnh trị của thánh tổ thần tông được lưu truyền lâu dài. Đó chính là phép lớn rèn giũa người đời và là may mắn cho Nho học.

Tôi dẫu nông cạn vụng về, nhưng đâu dám từ chối, xin kính cẩn chắp tay cúi đầu mà làm bài ký rằng:

Hiền tài là nguyên khí (1) của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy các thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng. Đã yêu mến cho khoa danh, lại đề cao bằng tước trật. Ban ân rất lớn mà vẫn cho là chưa đủ. Lại nêu tên ở tháp Nhạn(2), danh hiệu Long hổ(3), bầy tiệc Văn hỷ(4). Triều đình mừng được người tài, không có việc gì không làm đến mức cao nhất.

Nay thánh minh lại cho rằng chuyện hay việc tốt có một thời lừng lẫy, nhưng lời khen tiếng thơm chưa đủ lưu vẻ sáng lâu dài, cho nên lại dựng đá đề danh đặt ở cửa Hiền quan (5) khiến cho kẻ sĩ trông vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua. Há chỉ là chuộng văn suông, ham tiếng hão mà thôi đâu.

Ôi, kẻ sĩ chốn trường ốc lều tranh, phận thật nhỏ mọn mà được triều đình đề cao rất mực như thế, thì họ phải làm thế nào để tự trọng tấm thân mà ra sức báo đáp?

Hãy đem họ tên những người đỗ khoa này mà điểm lại. Có nhiều người đã đem văn học, chính sự ra tô điểm cho cảnh trị bình suốt mấy chục năm, được quốc gia tin dùng. Cũng không phải không có những kẻ vì nhận hối lộ mà hư hỏng, hoặc rơi vào hàng ngũ bọn gian ác, có lẽ vì lúc sống họ chưa được nhìn tấm bia này. Ví thử hồi đó được mắt thấy thì lòng thiện tràn đầy, ý xấu bị ngăn chặn, đâu còn dám nảy sinh như vậy được? Thế thì việc dựng tấm đá này ích lợi rất nhiều: kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đó mà gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai, vừa để rèn giũa danh tiếng cho sĩ phu, vừa để cố mệnh mạch cho Nhà nước. Thánh thần đặt ra đâu phải là vô dụng. Ai xem bia nên hiểu ý sâu này” (Theo bản dịch Tuyển tập văn bia Hà Nội - NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1978).

Thân Nhân Trung là nhà văn hóa lớn. Ông qua đời được 300 năm thì vào năm Cảnh Hưng thứ 37 (1776), Bùi Huy Bích, Ngô Thì Nhậm, Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn, Võ Huy Tần, một lần có việc đi qua làng Yên Ninh, gặp trời mưa to phải ngủ lại, bèn hỏi thăm đến con cháu cụ thì tìm được một cụ già. Hỏi, cụ trả lời rằng, cụ có ông tổ xa đời là Thân Nhân Trung, làm Tao đàn phó nguyên súy. Hỏi đến phả hệ, hành trang cụ đều không biết đến. Các ông muốn tỏ ý đến đền thờ và phần mộ Thân Nhân Trung để thắp hương nhưng đền thờ đã không còn, phần mộ cũng không biết ở chỗ nào nữa (Theo Lam Giang).

Giờ đây, đất nước này, sau hơn năm thế kỷ, trải bao cuộc bể dâu, phần mộ Thân Nhân Trung không biết nằm ở nơi nào, nhưng tấm bia tiến sĩ đầu tiên, văn do ông soạn, không chỉ là tuyên ngôn của giới trí thức đương thời mà còn giữ nguyên tính thời sự, tồn tại mãi với hôm qua, hôm nay và ngày mai: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia…”. Lời văn này thường xuất hiện trong các diễn văn của các nguyên thủ nước ta khi nói và bàn về chiến lược giáo dục, các chữ này còn được đắp nổi tại nơi trang trọng của các trường đại học và đặc biệt văn bia ông soạn đã được UNESCO lưu giữ, công nhận là tài sản của nhân loại. Đó là tượng đài vĩnh cửu của Thân Nhân Trung.

Tấm bia tiến sĩ đầu tiên và bài ký của Thân Nhân Trung
Đình bia bên phải giếng Thiên Quang, nơi đặt tấm bia tiến sĩ đầu tiên, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442).
.....................................................
Chú thích:
1-Nguyên khí: Chỉ sức sống của đất nước, của dân tộc.
2-Tháp Nhạn: Tên tháp ở một ngôi chùa, người đỗ tiến sĩ được ghi tên lên tháp.
3-Long hổ: Người đương thời gọi bảng tiến sĩ ghi tên họ là “Long hổ bảng”.
4-Văn hỷ: Tên bữa tiệc mừng người mới thi đỗ.
5-Hiền quan: Chỉ Quốc Tử Giám.

Trần Văn Mỹ