Khơi thông các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thủ đô
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 17:29, 07/10/2017
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu với lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung nêu rõ, chín tháng qua, thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của T.Ư, Quốc hội, Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức cán bộ và bộ máy hành chính theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử; ban hành và thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; quyết liệt chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ, nhờ đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô đã đạt kết quả tích cực.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,1%, dự kiến cả năm tăng 8,5%, đạt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách đạt 146,4 nghìn tỷ đồng, bằng 71,5% dự toán, tăng 16,2% so cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt 17,1 nghìn tỷ đồng, bằng 51% dự toán. Vốn đầu tư xã hội thực hiện đạt 198,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, với định hướng trở thành một đô thị hiện đại, trung tâm lớn của khu vực, từ nay đến năm 2020, thành phố cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, cũng như cơ chế để phát huy những tiềm năng, lợi thế, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đô thị. Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Hà Nội đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư 21 nhóm vấn đề liên quan việc phân cấp quản lý, cơ chế đầu tư các dự án lớn trên địa bàn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến chỉ rõ những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức mà TP Hà Nội phải đối mặt trong quá trình xây dựng và phát triển thành một siêu đô thị. Trong đó nhấn mạnh đến công tác quy hoạch, quản lý đô thị, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, gia tăng dân số… Ðể giải quyết những vấn đề này nhiều đại biểu cho rằng, cần phân cấp tối đa và có thể chế đặc thù cho Hà Nội.
Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Những giá trị cốt lõi mà Hà Nội hướng tới là đô thị thông minh, phương thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ mới, cơ sở hạ tầng thông minh, con người văn minh, xã hội gắn kết rộng mở; xây dựng những tiêu chí thành phố vì hòa bình, thành phố năng động và hội nhập, thúc đẩy kinh doanh dựa trên nguyên tắc bình đẳng, công bằng, minh bạch, môi trường đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn của OECD; thành phố văn hóa tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam, bảo tồn, giữ gìn tốt các di sản văn hóa; thành phố kiến tạo phát triển, đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm để phục vụ, có môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường sống tốt nhất. Ðể thực hiện được mục tiêu này, Thủ tướng gợi mở, Hà Nội cần đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các địa phương để xóa bỏ sự manh mún dàn trải; tập trung hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, có hệ thống thông tin dùng chung; tối ưu hóa nguồn tài nguyên đất, khai thác sử dụng đất hiệu quả; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ công chức, cải cách phương thức quản trị để tương thích với sự năng động, phát triển của thành phố trong tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa...
Ðể giúp Hà Nội tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực, Thủ tướng cơ bản ủng hộ và nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng cơ chế, chính sách, phân cấp cho Hà Nội như Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, trên tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội". Thủ tướng nhấn mạnh, T.Ư giữ cân đối chung, cái gì Hà Nội làm được, làm tốt thì để Hà Nội làm. Ðối với các vấn đề vượt luật, thì tổng hợp, trình Quốc hội xem xét chỉnh sửa; cái gì thấy cần thiết để tạo điều kiện cho Hà Nội thì để Hà Nội làm thí điểm, trên cơ sở có đề án cụ thể. Thủ tướng yêu cầu, thành phố cần xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, để huy động vốn làm các công trình trọng điểm; kiên quyết di dời các cơ sở gây ô nhiễm, các trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội đô theo đúng quy hoạch, nếu không rất khó giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Với những nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, những cơ chế, chính sách đặc thù của Chính phủ dành cho thành phố, hy vọng rằng, thời gian tới, những nguồn lực sẽ được khơi thông, giúp Hà Nội có bước phát triển đột phá, trở thành một đô thị lớn, hiện đại, xứng tầm trong khu vực.