Tích cực tư vấn, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá bằng phương pháp y học cổ truyền

Tin tức - Ngày đăng : 09:04, 09/10/2017

Các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc của y học cổ truyền có thể hỗ trợ giúp cai nghiện thuốc lá như: Nhĩ áp, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, khí công dưỡng sinh, viên ngậm Nosmoke… được áp dụng rất hiệu quả.
Ngày 29/9/2017 tại Hà Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã tổ chức "Hội nghị triển khai công tác phòng chống tác hại thuốc lá" nhằm đánh giá một số kết quả đạt được trong thời gian qua và tăng cường triển khai kế hoạch năm 2017 về phòng chống tác hại thuốc lá.

Hiệu quả cai thuốc lá từ y học cổ truyển

Đến tham dự và chỉ đạo hội nghị có bà Lê Thúy Lan - Đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá Bộ Y tế (Vinacosh); PGS.TS.Vũ Nam - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương; Bác sĩ Trương Thị Xuân Hòa - Phó Giám đốc bệnh viện, các thành viên Ban chỉ đạo PCTHTL, cùng toàn thể cán bộ, y bác sĩ bệnh viện, các cơ quan báo chí…


Tích cực tư vấn, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá bằng phương pháp y học cổ truyền
Bà Lê Thúy Lan - Đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Vũ Nam - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương là một trong 10 bệnh viện triển khai công tác tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Đây cũng là bệnh viện chuyên ngành Y học cổ truyền duy nhất trong cả nước thực hiện công tác này.

Theo ông Nam: "Ngay từ cuối năm 2015 tại bệnh viện y học cổ truyền Trung ương đã khai trương Phòng khám tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Phòng khám trực thuộc Khoa Khám bệnh, với đội ngũ chuyên sâu hỗ trợ tư vấn cai nghiện thuốc lá, kết hợp các phương pháp khí công dưỡng sinh của y học cổ truyền, giúp nhanh chóng cai nghiện thuốc lá hiệu quả". 

Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Tường Linh – Phó phòng Quản lý chất lượng - Bệnh viện y học cổ truyền Trung ương cho biết: Sau 15 tháng triển khai công tác Phòng Chống tác hại thuốc lá tại Bệnh viện, Ban Phòng chống tác hại thuốc lá Bệnh viện y học cổ truyền Trung ương sau khi ký hợp đồng với Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đã triển khai được một số công việc cụ thể, thiết thực như: Tư vấn cho người nghiện thuốc lá hiểu rõ những biểu hiện của hội chứng cai; các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc của y học cổ truyền có thể hỗ trợ giúp cho họ cai nghiện thuốc lá như: Nhĩ áp, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, khí công dưỡng sinh, viên ngậm Nosmoke.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền những tác hại của thuốc lá gây ra và những lợi ích mà việc bỏ thuốc lá đem lại cho sức khỏe và kinh tế cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng được triển khai rất tích cực.

Tích cực vận động các nhân viên y tế vẫn còn đã và đang hút thuốc nhận thức rõ mình là tấm gương để bệnh nhân noi theo và có quyết tâm bỏ thuốc. Vì hơn ai hết cán bộ y tế là những tấm gương sáng, nếu cán bộ y tế nói không với thuốc lá thì sẽ ngày càng có sức lan tỏa cao trong bệnh viện.

Tổ chức phát tờ rơi, treo băng rôn, pa nô tuyên truyền về tác hại của thuốc lá. Thường xuyên đi đầu trong công tác nhắc nhở hành vi hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện và cả ngoài bệnh viện...

Tuyên truyền vận động với người nhà của những người bệnh hút thuốc để họ nhận thấy những tác hại do hút thuốc thụ động mang lại để họ có ý thức trong việc vận động người thân của họ bỏ thuốc.

Về kết quả hoạt động của Phòng khám tư vấn, hỗ trợ và cai nghiện thuốc lá, theo đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, các bác sĩ của Phòng khám tư vấn đã tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cho hàng trăm bệnh nhân đến trực tiếp nhận tư vấn và hỗ trợ tại bệnh viện và rất đông bệnh nhân nhận tư vấn qua điện thoại.

Theo các bác sĩ trực tiếp làm việc tại phòng khám này, với người nghiện thuốc lá lâu năm, việc bỏ thuốc thường rất khó khăn do cơ thể đã lệ thuộc vào chất nicotin (chất gây nghiện). Bởi vậy, ngoài tư vấn cho bệnh nhân, các bác sĩ còn dùng các phương pháp cai thuốc lá bằng y học cổ truyền như: Châm cứu, bấm huyệt… giúp điều hòa cơ thể, giảm bớt tình trạng thèm thuốc cho bệnh nhân.

Các biện pháp thường dùng để hỗ trợ người nghiện thuốc lá vượt qua hội chứng cai đó là: nhĩ áp (dán cao thuốc vào huyệt trên loa tai), viên ngậm Nosmoke hỗ trợ bệnh nhân khi xuất hiện hội chứng cai thuốc lá, dùng các bài thuốc bổ trợ nhằm nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng, bổ khí, bổ huyết, hướng dẫn một số bài tập khí công luyện thở...

Với phương pháp châm cứu, cơ chế tác dụng chính là điều hòa lại khí huyết, điều hòa sự mất cân bằng âm dương trong cơ thể để có thể cắt sự phụ thuộc vào thuốc lá cũng như giải quyết các triệu chứng khó chịu do việc cai thuốc lá gây ra (vật vã, bứt rứt, nhạt miệng, thèm thuốc…)

Với phương pháp xoa bóp bấm huyệt, đây là phương pháp cai nghiện thuốc lá được thực hiện trên vùng lưng với tác dụng điều hòa khí huyết, điều hòa tạng phủ, kết hợp bấm một số huyệt toàn thân hỗ trợ nhĩ châm tăng cường tác dụng điều trị của thuốc lá.

Tăng cường triển khai phòng, chống tác hại thuốc lá 

Đại diện Ban Phòng chống tác hại thuốc lá Bệnh viện y học cổ truyền Trung ương cho biết,  cũng đã thông qua kế hoạch triển khai hoạt động và kế hoạch triển khai cụ thể công tác này năm 2017 tại bệnh viện.

Tích cực tư vấn, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá bằng phương pháp y học cổ truyền
Quang cảnh hội nghị triển khai công tác phòng chống tác hại thuốc lá năm 2017 tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương
Theo đó, Bệnh viện y học cổ truyền Trung ương tiếp tục tổ chức hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá tại Phòng khám tư vấn và hỗ trợ cai nghiện của bệnh viện. Tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ bác sĩ, tư vấn viên về tác hại thuốc lá và phương pháp tư vấn cai nghiện thuốc lá. Mời chuyên gia từ Bệnh viện Bạch Mai, chuyên gia tới từ Bệnh viện nhân dân Gia Định…Tiếp tục xây dựng các các chương trình phát thanh, và phát sóng trên các kênh VTV1, VTV2, Đài truyền hình Việt Nam nhằm truyền thông về tác hại thuốc lá và các phương pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc để cai nghiện thuốc lá của Phòng khám tư vấn cai nghiện thuốc lá.

Nghiên cứu 02 đề tài: Ứng dụng các phương pháp y học cổ truyền thuốc và không dùng thuốc nhằm tư vấn và hỗ trợ cho người cai nghiện thuốc lá.

Để thực hiện các kế hoạch trên, Ban Phòng chống tác hại thuốc lá Bệnh viện y học cổ truyền Trung ương sẽ thực hiện các kế hoạch cụ thể như: Tiếp tục trang bị thêm cơ sở vật chất cho Phòng tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá: máy vi tính, bàn ghế, tủ hồ sơ, máy chiếu...

Tổ chức các hội nghị triển khai công tác năm 2017; các cuộc họp báo cáo hoạt động; hội thảo tổng kết; lớp tập huấn kỹ năng cho nhóm giảng viên nòng cốt về tư vấn cai nghiện thuốc lá; lớp tập huấn tư vấn ngắn về tư vấn cai nghiện thuốc lá cho cán bộ; lớp tập huấn chuyên sâu về cai nghiện thuốc lá cho cán bộ trực tiếp tham gia công tác cai nghiện.

Xây dựng các tờ rơi, pa nô, áp phích… tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và quảng bá cho Phòng khám tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá của bệnh viện. Xây dựng cuốn sổ tay tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá dùng cho bệnh nhân; Xây dựng, biên tập các nội dung phát thanh, xây dựng và phát sóng phóng sự giới thiệu về công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá tại bệnh viện trên VTV1, VTV2 và Đài truyền hình Việt Nam.

Nằm trong kế hoạch chi tiết thực hiện kế hoạch chung trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, Bệnh viện y học cổ truyền Trung ương sẽ tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cho bệnh nhân và người nhà.

Ngoài việc tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả Phòng tư vấn của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương trong năm 2017 sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ bác sĩ, tư vấn viên về tác hại thuốc lá và phương pháp tư vấn cai nghiện thuốc lá bằng cách mời các chuyên gia từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP. Hồ Chí Minh)… đến đào tạo.

Tại Việt Nam, hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá được đẩy mạnh từ năm 2010 với hàng loạt các biện pháp mang tính bắt buộc như: Nghiêm cấm sử dụng thuốc lá tại các khu vực công cộng, phạt tiền thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tham gia vận chuyển và buôn bán thuốc lá lậu. 

Nhờ nhận thức rõ tác hại và mối nguy hiểm khó lường đối với sức khỏe của thuốc lá, Chính phủ cũng như Bộ Y tế đã đẩy mạnh hơn công tác phòng chống tác hại của thuốc lá thông qua việc biên soạn tài liệu giảng dạy về tư vấn cai nghiện thuốc lá và tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá, đường dây nóng cai nghiện thuốc lá, đồng thời tổ chức tập huấn các tư vấn viên về cai nghiện thuốc lá…

Đăng Chung