“Xin chữ”: Từ tâm nguyện đến hành động
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:46, 09/10/2017
Có gì đó khiến tôi bất ngờ khi nhìn lên trang bìa tập bản thảo công phu, dày trên 500 trang khổ A4, được tác giả hệ thống hóa thành 5 phần rất chuẩn, có một cái nhan đề cực kỳ khiêm tốn là: “Xin chữ”. Một tác phẩm tập hợp gần 100 bài viết của tác giả Phạm Quang Nghị vừa được NXB Hà Nội xuất bản năm 2017 không chỉ là những phát ngôn, - bao gồm các phát biểu, tham luận, luận văn, đề từ cho các công trình khoa học, đề dẫn các hội thảo, ý kiến chỉ đạo trong các cuộc hội nghị, trả lời các nhà báo, mà còn là nhữn
Nhưng hóa ra là “bé cái nhầm”, khi chỉ với cái nhìn đầu tiên đã vội suy diễn! Ở đây, đúng là có mối duyên nợ xuất phát từ một câu chuyện “xin chữ” thực 100%. Một nhà thư pháp Nhật Bản sang thăm Việt Nam, muốn tặng chữ cho tác giả Phạm Quang Nghị. Trước đề nghị bất ngờ ấy, tác giả có một ý tưởng hay: Chỉ xin bốn chữ, tuy khác mọi người, nhưng thể hiện đúng với tâm nguyện và là phương châm xử thế suốt đời mình, đó là “Quang Minh Chính Đại”.
Về sau, như lời tác giả nói: “Ngẫm lại, biết đâu, việc xin chữ của mỗi người cũng là mệnh số”… Tôi mở đầu bằng câu chuyện thú vị trên, vì đó chính là hòn đá thử vàng cho mọi bài viết trong tập sách, đồng thời minh chứng đậm nét cho phẩm cách và tư thế sống của tác giả, qua bao thử thách, thăng trầm, dù bất cứ ở đâu và lúc nào, để mình vẫn được là mình! Đó cũng chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt non nửa thế kỷ trong tư thế chủ động của một người lính can đảm trong chiến tranh hay một người lãnh đạo năng nổ và đầy trách nhiệm, một cán bộ Đảng có tầm và có tâm, có ý chí và nghị lực cao, có bản lĩnh vững vàng cùng tấm lòng rộng mở, biết học hỏi và biết lắng nghe, nỗ lực tiếp cận đến tận cùng bản chất từng sự việc, để có thể giải quyết từng vấn đề cho thấu tình đạt lý.
Về sau, như lời tác giả nói: “Ngẫm lại, biết đâu, việc xin chữ của mỗi người cũng là mệnh số”… Tôi mở đầu bằng câu chuyện thú vị trên, vì đó chính là hòn đá thử vàng cho mọi bài viết trong tập sách, đồng thời minh chứng đậm nét cho phẩm cách và tư thế sống của tác giả, qua bao thử thách, thăng trầm, dù bất cứ ở đâu và lúc nào, để mình vẫn được là mình! Đó cũng chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt non nửa thế kỷ trong tư thế chủ động của một người lính can đảm trong chiến tranh hay một người lãnh đạo năng nổ và đầy trách nhiệm, một cán bộ Đảng có tầm và có tâm, có ý chí và nghị lực cao, có bản lĩnh vững vàng cùng tấm lòng rộng mở, biết học hỏi và biết lắng nghe, nỗ lực tiếp cận đến tận cùng bản chất từng sự việc, để có thể giải quyết từng vấn đề cho thấu tình đạt lý.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị động viên tân binh lên đường nhập ngũ, năm 2013. Ảnh: Tư liệu của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội.
Tác giả Phạm Quang Nghị đã có trên 30 năm liên tục làm công tác chỉ đạo và quản lý trong các lĩnh vực tư tưởng và văn hóa.
Khá nhiều năm sau cuộc chiến tranh dài, khi cả nước vất vả cùng chạy đua lao vào phát triển kinh tế như một lẽ sống còn, không ít người đã không đủ bình tĩnh để đánh giá tầm vóc của văn hóa như nó vốn có. Và thật tâm phục khẩu phục khi ta đọc những dòng khẳng định mạnh mẽ về văn hóa, có ý nghĩa cập nhật sâu sắc dưới đây của tác giả: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hóa thể hiện tầm cao, chiều sâu của trí tuệ và trình độ phát triển; đồng thời, văn hóa cũng thể hiện bản sắc và truyền thống của dân tộc. Do vậy, những giá trị của văn hóa có sức sống vô cùng bền vững và sức lan tỏa, làm nên sự trường tồn của mỗi quốc gia, dân tộc”. Chính từ suy tư đó, tác giả mới dám đặt ra kỳ vọng thực tiễn, vươn tới đích xa trong tầm ngắm của Đảng: “Văn hóa là mục tiêu và động lực của sự phát triển”.
Tác giả cũng kỳ công luận giải, để phản bác “quan niệm ở một số người, coi văn hóa là nhân tố hoàn toàn thụ động, ăn theo kinh tế”, hoặc văn hóa là lĩnh vực không sinh lợi, nên luôn luôn chỉ giữ vị trí không quan trọng!”. Đối với một số nhà kinh tế khác nữa, thì: “Nhiệm vụ chúng tôi là chỉ làm sao để kinh doanh có lãi, còn nhiệm vụ phát triển văn hóa không phải của các nhà kinh tế!”. Từ đó dẫn tới hệ quả: “Khi làm quy hoạch hay các dự án phát triển kinh tế, không coi văn hóa là yếu tố cấu thành không thể thiếu được đối với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.
Như vậy, trong thực tế, văn hóa chưa gắn kết với các dự án và kế hoạch kinh tế, chưa phát huy được vai trò động lực cho phát triển. Thử suy nghĩ, nếu không có sự gắn kết hài hòa này giữa các yếu tố kinh tế và văn hóa, thì một “dự án chay” tách ra đơn lẻ cho kinh tế làm sao phát huy được thế mạnh toàn diện và tổng lực của cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cũng như các điều kiện cân đối giữa vật chất và tinh thần, giữa tính thực dụng và tính nhân văn, để đạt tới thành quả trọn vẹn kinh tế và văn hóa trên tổng thể? Nói đơn giản hơn, quên không kết hợp với văn hóa, tức là quên luôn yếu tố chủ đạo gắn với con người – chủ thể trung tâm cho mọi hành động. Khi bỏ qua tâm tư và khát vọng của con người, không còn động lực khởi phát gì từ con người, thì còn lại giá trị nào cho văn hóa, nếu như mục đích tối thượng của kinh tế rốt cuộc cũng là quay lại phục vụ con người?
Chúng ta cảm kích, khi trước diễn đàn Quốc hội năm 2003, tác giả Phạm Quang Nghị - với tư cách Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin đã dũng cảm nêu ra “những con số biết nói” để chỉ rõ mức chi cho văn hóa – thông tin trong tỷ lệ ngân sách Nhà nước năm đó là chưa đạt nổi đến 1% (960 tỷ đồng trên tổng số 2003 tỷ). Tránh sao mà không tạo ra khoảng chênh lệch ngày càng ngăn cách nguy hiểm giữa đời sống kinh tế và đời sống tinh thần của xã hội?
Mặt khác nữa, tác giả cũng phân biệt rất rõ văn hóa đích thực và những giá trị văn hóa “bị biến tướng”, để có cách ứng xử đúng đắn. Sự biến tướng ấy bao gồm sự nhân danh văn hóa để làm những điều phản văn hóa, sự lạm dụng cái đẹp để làm hư hỏng cái đẹp, sự lạm phát các danh hiệu trong nghệ thuật để đánh lộn sòng các giá trị, hay các tệ nạn mua bằng, mua danh, chạy học hàm học vị theo cách thuê người viết luận văn, chạy chức tước qua lối tắt “cửa sau” và còn muôn vàn biến tướng phản văn hóa khác… xuất hiện hỗn tạp, ồn ào trên bề nổi.
Cùng với nhiều bài báo ngắn, sắc sảo, chứa đựng những nhận xét, đánh giá tinh tế của tác giả trước những vụ việc nổi cộm, cùng với việc đưa ra cách nhìn và cách lý giải xác đáng về nhiều chuyện cười ra nước mắt trong đời sống xã hội hôm nay, tôi rất thú vị với mẩu chuyện điểm xuyết hóm hỉnh “Chuyện in thơ bây giờ”, một phác họa tài tình về tình cảnh các nhà thơ nghiệp dư tỉnh lẻ, đến gõ cửa lãnh đạo tỉnh, xin được “bút phê” tài trợ để in thơ, mà cũng chỉ in độ 100 bản thôi, vì thơ có bán cho ai được đâu, nhưng vẫn tự hồ hởi để huyễn hoặc mình một cách hồn nhiên đến khó tin: “Cả họ nhà ta vẫn đáng ăn mừng về sự kiện in thơ ấy chứ!!!”.
Rồi đến chuyện thi hoa hậu rộ lên như nấm mọc sau mưa, nhiều đến mức không còn phân biệt được nấm nào lành, nấm nào độc. Tác giả diễu: “Gần hai mươi năm nay, ngoài những cuộc thi hoa hậu tầm quốc gia, ngày càng nhiều các cuộc thi khu vực, lĩnh vực. Có lúc “hoa” nở tràn lan: “Lão hậu”, rồi “Bé hậu”! Thi “Hoa học đường” bị báo chí ví von là “Thi bán lúa non”! Và khi đã được tổ chức thi, các ông bầu còn hô hoán lên, là cuộc thi này, cuộc thi kia… phải nâng lên xứng tầm, cho thật “đẳng cấp”. Ví dụ: “Ban tổ chức thi hoa hậu hoàn vũ 2008 ở Nha Trang công bố giá vé xem chung kết đến 30 triệu đồng/ 1vé. Và hạng vé cao nhất 1800 USD, là Super VIP, sẽ “thể hiện đẳng cấp của người sở hữu”! Tới đây, thì chất “humour” sắc nhọn của tác giả đã không còn giấu kín nữa: “Ông Phó ban tổ chức cuộc thi có lời bình: Hy vọng những ai sở hữu tấm vé này sẽ có những cảm xúc khó quên… Quá đúng rồi! Có điều là thứ cảm xúc gì thì ông không nói rõ? Bỏ ra chừng ấy tiền chỉ để “tắm tưới” no hai con mắt một lúc, làm sao quên được!”.
Quan điểm của tác giả về xã hội hóa hoạt động văn hóa cũng là những ý kiến thực sự đáng suy nghĩ cho các nhà làm văn hóa và văn nghệ sĩ. Tác giả nhận định: “Sau năm 1975..., mô hình quản lý văn hóa thời bao cấp đã bộc lộ những khuyết nhược điểm do quá trình can thiệp quá sâu vào đời sống văn hóa xã hội, chủ yếu sử dụng một phương châm hành động “Nhà nước làm văn hóa cho nhân dân”, làm nhân dân trở thành đối tượng thụ động trong hưởng thụ văn hóa của Nhà nước, hạn chế khả năng chủ động sáng tạo vốn là bản chất của văn hóa, nguồn tiềm năng của phát triển”. Nhận định này thực sự rạch ròi và minh triết, có tác động khơi dậy mọi tiềm năng phát triển văn hóa, đặc biệt đối với văn học – nghệ thuật.
Về tiến trình hội nhập quốc tế của văn hóa, tác giả có những kiến giải thật biện chứng. Ông phản đối mạnh mẽ sự áp đặt và tính đơn điệu trong quan niệm về văn hóa, dẫn đến triệt tiêu sự phong phú, tính đa sắc màu vốn có của văn hóa nhân loại. Mặt khác, tác giả cho rằng tôn trọng sự đa dạng văn hóa và giữ gìn sự khác biệt văn hóa dân tộc, hoàn toàn không hàm ý bài ngoại, hoặc tôn thờ chủ nghĩa biệt lập… Càng hội nhập, càng giao lưu, ta càng phát hiện ra nhiều cái đặc sắc, phong phú muôn màu muôn vẻ của các giá trị văn hóa dân tộc, quốc gia trên toàn thế giới. Đó là hai mặt của một vấn đề. Trong bối cảnh hơn chục năm trước đây, có thể coi đây là một nhận thức mới, đáp ứng yêu cầu một thực tiễn mới.
Khi một phóng viên tờ Nhà báo và công luận nêu vấn đề về văn hóa dân tộc với quan niệm rằng: “Xuyên suốt lịch sử Việt Nam có ba lớp văn hóa chồng lên nhau, là: lớp văn hóa bản địa, lớp văn hóa giao lưu với Trung Quốc và khu vực, cuối cùng là lớp văn hóa giao lưu với phương Tây…”, thì tác giả Phạm Quang Nghị đã nêu ngay chủ kiến vững chắc và lập tức cải chính: “Tôi cho rằng không phải là ba lớp văn hóa chồng lên nhau, mà văn hóa Việt Nam bao giờ cũng là chủ thể, là chủ nhân, chủ động tiếp nhận các giá trị của nền văn hóa khác…”. Một lập luận mang tính nguyên tắc, dứt khoát và rành rẽ!
Sau thời kỳ dài phụ trách các công tác khác nhau trong lĩnh vực tư tưởng và văn hóa, tác giả Phạm Quang Nghị đã có quãng thời gian 10 năm được sống và làm việc gắn với giai đoạn lịch sử chuyển mình lớn lao của Thủ đô. Đó là thời điểm thiêng liêng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; là thời điểm Hà Nội mở rộng và hợp nhất có quy mô lớn nhất trong lịch sử vào năm 2008; cũng là thời kỳ đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng của Hà Nội. Về tình cảm gắn bó với Thủ đô, ngòi bút tác giả có nhiều nét khắc họa sâu đậm trong rất nhiều đoạn hồi ức ngắn gọn, tràn đầy cảm xúc trữ tình và quan sát tinh tế. Đơn cử một bài viết ngắn giàu chất thơ của tác giả, đột nhiên làm ta bất ngờ khi ông miêu tả rất hay và chi tiết cảnh vật và nghĩa tình ở nơi đã từng gắn bó với ông, là Thành ủy Hà Nội… Có rất nhiều người hàng ngày tấp nập ra vào, làm việc, họp hành ở đó, nhưng thực tình, tôi chưa thấy ai có được nhận xét tỉ mỉ, tinh tế, xúc động và đầy biểu cảm nhân tình như ông về chính cơ quan làm việc của mình: “Tôi tiếp nhận căn phòng sau khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ trọng trách lớn hơn. Căn phòng được bài trí khá đơn giản. Một phần có lẽ vì phong cách sống, sinh hoạt của các Bí thư tiền nhiệm đều là những người giản dị. Còn về phía cơ quan Văn phòng Thành ủy thì mọi người ở mãi thế nên quen… Trong số những việc cần làm, di dời một số cây già cỗi, rậm rạp trong sân là việc rất cần cẩn thận. Tôi nhắc anh em thay thế, bỏ cây nào, dịch chuyển đi đâu phải làm bài bản, đừng để báo chí, dư luận phê bình. Tiếp đến là việc lát lại sân cơ quan, một cái sân không lấy gì làm rộng rãi mà lại gập ghềnh mấp mô, cứ mưa to là đọng nước. Gạch lát thì không cùng một chủng loại, viên lành, viên vỡ. Khi sửa sang sân vườn, hàng rào, anh em đưa về trồng một hàng cây lộc vừng bao quanh. Cứ vào mùa hè là trổ hoa, từng chùm, từng chùm buông lơi, thật đẹp. Vào mùa thu, lá cây lại chuyển sang màu đỏ rực… Ngoài vẻ đẹp của những cây lộc vừng, ngay trước cổng Thành ủy, cứ vào đầu xuân, mọi người còn được ngắm nhìn màu hoa trắng rực rỡ tinh khôi của hai cây sưa, giống như hai bình hoa khổng lồ…”. Đây thực sự là văn của một nhà văn chứ không còn là của một nhà chính trị, nhất là khi tác giả lại mượn hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên làm đề dẫn: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Tôi hơi lạm dụng trích dẫn khá dài đoạn này, chỉ vì tôi muốn để bạn đọc cũng như tôi, được nhẹ nhàng cảm nhận những khía cạnh nhạy bén và dịu dàng trong tâm hồn rộng mở, phóng khoáng và dễ bắt nhịp với xung quanh, có nhiều tố chất “kẻ sĩ”, của nhà chính trị Phạm Quang Nghị.
Cũng với phong cách như thế, tác giả cũng trích dẫn thật đúng chỗ hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi: “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”, khi nói về quyết định để các nhà thầu tạm dừng việc xây dựng nút giao trên đoạn đường Văn Cao – Hoàng Hoa Thám vì nó còn ẩn chứa những gì trong lòng đất chưa kịp khám phá. Tiếp đó, lại đến những tranh luận bất tận của công luận xung quanh câu chuyện Đàn Xã Tắc. Nên hay không nên xây cầu vượt ở đây, khi phần phát lộ khảo cổ cuối cùng năm 2007 cũng chưa tìm ra vị trí Đàn Xã Tắc nằm chính xác ở đâu? Tình huống đòi hỏi tác giả phải đưa ra những luận cứ thuyết phục để dẫn dắt dư luận: Bảo tồn thế nào để không rơi vào cực đoan đơn thuần hoài cổ máy móc, khư khư bảo tồn lấy được, cản trở sự phát triển. Và phát triển thế nào để đảm bảo tiếp nối dòng lịch sử “trước – sau” một cách khoa học, thuyết phục, có lý, có tình, đem lại lợi ích thỏa đáng cho hôm nay, cho cả mai sau… Tất cả những việc này đòi hỏi phải huy động tối đa chất xám của nhà khoa học, cộng với tư duy chặt chẽ và có chủ đích của nhà chính trị, đồng thời còn cần một trái tim nghệ sĩ, nóng bỏng và nhạy cảm, biết cảm thông, hướng về cái đẹp và khao khát hoàn thiện những gì phải làm, điều rất khó khi phải dốc tâm để gỡ rối ra cùng một lúc!
Trong hai nhiệm kỳ công tác ở Hà Nội, tác giả Phạm Quang Nghị luôn đứng ở vị trí trung tâm và được trực tiếp tham dự vào các quyết định mang tính lịch sử cho Thủ đô và cả nước, đó là quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, mà tác giả đã gọi là một quyết định “có tầm nhìn cho trăm năm”. Là người thực tiễn, tác giả nhấn mạnh rằng giữa chia tách và hợp nhất, thì hợp nhất bao giờ cũng đặt ra những vấn đề khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Trong các khó khăn nổi cộm, nan giải nhất là việc sắp xếp lại bộ máy và con người sao cho hợp lý và hiệu quả. Tác giả đã dùng cách ví để dễ hình dung ra việc này, như ta đang có hai cỗ máy kích cỡ khác nhau, chạy với hai tốc độ khác nhau, trong môi trường, nhiệt độ và ánh sáng khác nhau. Nhập lại, phải lắp ráp sao để hai cỗ máy cùng chạy ổn định, điều tiết và khắc phục được mọi cách biệt, tạo ra sự ăn ý hài hòa.
Đặc biệt, ý kiến của tác giả về sự “hợp lưu” hai vùng văn hóa Thăng Long và Xứ Đoài cũng là ý kiến hết sức đáng lưu ý. Ông nói: “Tôi khá lạc quan về việc bảo tồn cũng như phát huy các giá trị văn hóa của Hà Nội nói riêng và của dân tộc nói chung…Việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, về văn hóa sẽ là giao lưu, hợp tác… chứ không phải hợp nhất thì cái này át cái kia đi, cái này bài trừ cái khác… Mở rộng Thủ đô Hà Nội đối với văn hóa cũng không gây ra một cú sốc gì, mà đây là sự kết hợp, bổ sung cho nhau, một sự bổ sung mới, với tốc độ và mức độ lớn hơn trước, nhưng tôi không nghĩ nhiều về khía cạnh (có thể có gì) bài trừ lẫn nhau!”… Đến hôm nay, gần một chục năm đã hợp nhất thành công Hà Tây vào Hà Nội, những ý nghĩ khúc chiết mà thông tỏ trên của tác giả Phạm Quang Nghị quả thực đã được kiểm chứng và xác nhận trên thực tế.
Chúng ta cũng rất quan tâm đến việc Thủ đô Hà Nội là một trong các địa phương đi đầu trong việc cải cách thủ tục hành chính. Đây cũng là những bước đầu tiếp cận đến khái niệm đang dần hình thành ở nước ta về một “Chính phủ điện tử” trong tương lai. Thủ đô Hà Nội, ngoài tư thế là một thành phố văn hiến nghìn năm, thì cũng phải là một thành phố kỷ cương, sống theo hiến pháp và pháp luật, làm đầu tàu cho cả nước. Và cái định kiến về một cách làm việc nhẩn nha, túc tắc… rơi rớt lại từ thời bao cấp, không theo kịp nếp sống công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chắc chắn cũng sẽ bị xóa đi trong bước tiến mạnh mẽ và quyết liệt của Hà Nội. Tác giả Phạm Quang Nghị cũng đã có một liên tưởng hóm hỉnh khi chờ tín hiệu đèn đỏ ở một ngã tư, ngẫu nhiên thấy trên đuôi chiếc xe đỗ trước mình một dòng chữ nghiêng trau chuốt: “Hà Nội không vội được đâu!”. Ông bật cười với đầu óc trào lộng rất Hà Nội đó, để lòng lại tự nhủ lòng: “Câu nói đó chỉ đúng khi chờ đèn đỏ ở ngã tư đông người, đông xe, chứ không phải lúc nào cũng đúng!”.
Còn cách giải quyết của tác giả khi ông về tiếp cận với nhân dân làng cổ Đường Lâm lại cho ta thấy rõ, ông là người biết kết hợp trong mình cả ba phẩm chất: nhà chính trị, nhà khoa học và đồng thời có cả tâm hồn cảm thông thấu đáo từng việc rất đời thường của một nghệ sĩ. Thật khó tưởng tượng được rằng khi làng Đường Lâm được xếp hạng di tích đặc thù như một “di sản sống”, được phong danh hiệu là “làng cổ” với vị thế danh giá (mà trên thế giới, số làng cổ được vinh dự như vậy cũng đếm trên đầu ngón tay); thì lại có tới 78 hộ dân đâm đơn lên chính quyền kiên quyết đòi trả lại vinh dự đó, xin thôi không muốn được chọn là “làng cổ” nữa! Chuyện gì xảy ra?… Lẽ tất nhiên, đây là việc động chạm đến quyền lợi thiết thực và đời sống, sản xuất của bà con, chứ đâu có liên quan gì đến tâm linh và uy tín của làng. Tác giả Phạm Quang Nghị về đây, tự mình lắng nghe, tự mình khảo sát, đã nhìn ngay ra, rằng cuộc sống của một làng cổ đâu có giống như một vật quốc bảo, chỉ cần nâng niu cất giữ vào trong rương trong hòm, kín bưng, khóa chặt lại là xong! Đây là cả một cộng đồng dân cư, kéo theo nhu cầu làm ăn, nuôi dạy con cái, xây cửa xây nhà, chăn nuôi gieo trồng, giữ sạch đường làng ngõ xóm… Toàn là những việc không thể không làm, mà luôn va vấp vào rất nhiều quy định và phép tắc khó khăn không tưởng tượng nổi khi cả làng đã được “lên đời”, được “xếp hạng”, được “may mắn” quản lý chặt chẽ khắt khe gấp hàng chục lần một cái làng thường, đến nỗi người dân phải cay đắng thốt lên: “ Sống trong di sản gì mà không khác con thú nhốt trong cũi, cho người ta tới xem, khách đến tham quan rồi lại đi!...”. Cả một loạt vấn đề, mà nếu không hiểu biết sâu sắc tình hình và đặc thù của làng, không đặt mình vào địa vị của người dân, mà chỉ nhăm nhe giải quyết theo các giải pháp có sẵn, thì càng thêm rối! Chỉ từ một việc tưởng nhỏ nhưng rất bức xúc này, đã đủ thấy phải cần đến chừng nào một cái đầu lạnh và một trái tim nóng, một cách ứng xử văn hóa cùng với kiến thức khoa học sâu rộng, lẫn cả bản lĩnh quyết đoán và tấm lòng sẻ chia thấu đáo nhân tình…
Đối với nhiều nhà hoạt động chính trị - xã hội lớn của đất nước. tác giả Phạm Quang Nghị cũng có những chia sẻ tâm đắc qua những lần tiếp xúc. Ông nhớ về kỷ niệm sâu sắc ở chiến trường Tây Ninh năm 1974 và ấn tượng về đồng chí Nguyễn Văn Linh khi nói chuyện làm nông nghiệp ở đồng bằng Nam Bộ sau giải phóng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh từ thời ấy đã có nhiều suy nghĩ đổi mới, muốn tìm một cách làm khác, phù hợp với đặc điểm của nông thôn Nam Bộ hơn. Hay khi nhận xét về đồng chí Võ Văn Kiệt, tác giả nhấn mạnh rằng đồng chí Võ Văn Kiệt luôn coi trọng thực tiễn, chỉ có thực tiễn mới là thước đo và kiểm nghiệm cho chân lý. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, khi cần trân trọng và lắng nghe mọi ý kiến đóng góp về lý luận và học thuật (cho dù có những điểm khác biệt) của giới trí thức, thì đồng chí Đào Duy Tùng lại nêu một tấm gương mẫu mực.
Đối với nhiều giáo sư, trí thức văn nghệ sĩ, tác giả cũng dành nhiều trang viết trân trọng và ưu ái. Ông tri ân giáo sư Trần Quốc Vượng, người thầy say mê, tận tụy vì sự nghiệp chung đã từng giảng dạy ở Khoa Sử trường Đại học Tổng hợp, nơi ông còn là sinh viên thời sơ tán chống Mỹ. Ông cảm động nhớ lại kỷ niệm nhà thơ Tố Hữu năm 1973 vượt qua “nước non ngàn dặm” để đến được Lộc Ninh, rưng rưng trước tiết mục “tam ca” của ba chiến sĩ mà chỉ còn có hai chân! Rồi hình ảnh nhạc sĩ Trần Hoàn, ngay cả khi đã làm Bộ trưởng, vẫn giữ thói quen giản dị, ôm cây đàn ghi ta, hát với tâm hồn nghệ sĩ dạt dào trước hàng ngàn khán giả. Ông cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ và yêu mến chí tình với ông Tư Ánh, tức đồng chí Trần Bạch Đằng, một nhà văn hóa đồng thời là một người lãnh đạo rất tiêu biểu về sự năng động và sáng tạo. Rồi nhà thơ Việt Phương, một chuyên gia cao cấp của Đảng, “vua biết mặt, chúa biết tên” với tập thơ “Cửa mở” có nhiều duyên nợ, tác giả cũng dành nhiều lời đánh giá trân trọng và tình cảm yêu mến chân thành. Cho đến một nhân vật lỗi lạc của Cuba, nhà lãnh đạo Fidel Castro, khi có dịp được tiếp xúc, tác giả cũng ấn tượng ngay với phong cách bình dị tuyệt vời, ra khỏi cách giao tiếp lễ tân, mà lại tràn đầy tình cảm thân mật, gần gũi anh em với Việt Nam. Một cuộc gặp đặc biệt khác trong chuyến đi Mỹ gần đây nhất, là cuộc gặp Thượng nghị sĩ John McCain, người đã từng là phi công của Hải quân Mỹ, bị bắn rơi ở hồ Trúc Bạch, Hà Nội năm 1967. Nhưng hôm nay, hai người lại có dịp ngồi lại bên nhau, cùng quan tâm đến tương lai làm ăn hợp tác giữa hai nước, đến vấn đề gìn giữ hòa bình trong khu vực và trên biển Đông.
Sau bao nhiêu công việc phải lo toan suốt nửa thế kỷ bôn ba trên nhiều địa bàn và lĩnh vực khác nhau, tác giả Phạm Quang Nghị trở về với phong thái “đời thường” bình dị và đầy hương sắc. Ông cảm thấy vẫn còn toàn vẹn sự bình tâm, tĩnh trí khi “các mạch IC trong mình đều còn chưa bị ẩm mốc, chưa bị lão hóa” - như tác giả nói vui, - để có thể dễ dàng hòa cùng dòng người, đi bách bộ thung dung giữa công viên Thống Nhất! Tôi rất chịu cách nghĩ kiệm lời nhưng “biết mình biết người” đến tận đáy này của ông. Có lẽ ông đã học được lối dưỡng tâm thanh thoát này từ các bậc hiền giả, các bậc trí nhân uyên bác tự bao đời! Và ông cũng nhắc lại câu đúc kết của dân gian không một chút ngại ngần, hoặc hơn thế, gần như một điều tâm đắc: “Quan nhất thời. Vạn đại chính là dân!”
Trước khi gấp phần Phụ lục cuốn sách lại, tôi đọc thấy dòng chữ: “Mở một cuốn sách, thấy một con người”. Tôi cũng nghĩ hệt như thế khi được đọc bản thảo cuốn “Xin chữ” trước khi đưa in của tác giả Phạm Quang Nghị. Cuốn sách tuy không phải tác phẩm văn chương nhưng tràn đầy chất văn học. Nó cũng không phải một cuốn trình bày lý luận, nhưng tràn đầy những bài học xử thế mang tính triết luận. Điều làm tôi cảm phục và tâm đắc nhất, là tác giả vốn là một tiến sĩ triết học, nhưng không ở đâu và chỗ nào ông muốn tỏ ra mình là một nhà tư biện. Trái lại, ông thích làm một người hành động, thiết thực và hiệu quả - mẫu người mà nhà tư tưởng vĩ đại Các Mác đã từng mong đợi và đề cao, khi nói về mục đích của triết học: Các nhà triết học trước đây chỉ biết chú tâm vào việc giải thích thế giới, còn việc mà chúng ta cần, lại chính là phải cải tạo thế giới!