Họp khẩn ứng phó áp thấp khả năng thành bão vào Hà Tĩnh - Quảng Bình

Tin tức - Ngày đăng : 20:10, 09/10/2017

Chiều nay ngày 9-10, ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, phó trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai - đã chủ trì phiên họp khẩn triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ có khả năng mạnh lên thành bão.
Họp khẩn ứng phó áp thấp khả năng thành bão vào Hà Tĩnh - Quảng Bình
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT, Phó trưởng ban Thường trực ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng chỉ đạo cuộc họp 


Ông Trần Quang Hoài - Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, các hồ chứa nhỏ ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, hầu hết các hồ đạt trên 80% dung tích thiết kế; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế các hồ đạt trung bình 60-80% dung tích thiết kế. Các tỉnh có nhiều hồ đầy nước gồm: Thanh Hóa 420/584 hồ; Nghệ An 337/588 hồ; Hà Tĩnh 280/316 hồ.

Về hồ chứa Thủy điện, theo Bộ Công thương: Trong số 162 hồ cập nhật thông tin, có 29 hồ xả qua tràn, lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên Hải miền Trung dao động nhẹ, các hồ vận hành bình thường.

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến ngày 9/10, Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 70.077 tàu/230.513 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên có 4 tàu với 24 lao động hiện nay chưa liên lạc được. Trong đó, Thanh Hóa có 1 tàu (10 lao động), Quảng Ngãi 3 tàu (14 lao động).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng - phó trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai - yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan trong đối phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ.

"Thứ nhất, khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã chịu những đợt mưa dài. Các hồ chứa hiện đã tương đối đầy nước, vì vậy các tỉnh, thành phải rất chú ý, có các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa, ứng phó với lũ, lũ quét. 


Thứ hai, cần khẩn trương liên lạc, kêu gọi tàu thuyền vào bờ, hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các lực lượng phải sẵn sàng các phương án cứu hộ cứu nạn khi cần" 


Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, trong ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ, đáng lo nhất là thời gian ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới vào ban đêm, vì vậy, cần chủ động chằng chống nhà cửa, di dân và đặc biệt lưu ý khu vực nuôi trồng thủy sản. "Cơ quan dự báo, thông tin truyền thông cần bám sát, kịp thời cập nhật thông tin, chủ động thông báo cho người dân, chính quyền chủ động trong ứng phó".

Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, vào hồi 16 giờ ngày 09/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 370km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. 

Dự báo trong 06 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 22 giờ ngày 09/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 270km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 06 đến 18 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và suy yếu thành ATNĐ. Đến 10 giờ ngày 10/10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 18 đến 24 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Do ảnh hưởng của ATNĐ sau có khả năng mạnh lên thành bão, chiều tối và đêm nay ở vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông, gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động mạnh. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 14,0 đến 19,0 độ Vĩ Bắc. 

Dự báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi (bao gồm các đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm ATNĐ/bão đi qua cấp 7-8, giật cấp 10. Sóng biển cao từ 2-4m. 

Dự báo gió mạnh trên đất liền: Gần sáng mai (10/10), khu vực ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có gió giật cấp 7-8. 

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

Dự báo mưa lớn trên đất liền: Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-200mm; riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị 200-300mm, khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái và Nam Sơn La có mưa vừa, mưa to 70-150mm, có nơi trên 200mm. 

Cảnh báo lũ, lũ quét và sạt lở đất: Từ đêm nay (9/10), lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ lên nhanh. Trong đợt lũ này mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng lên mức báo động (BĐ) 2-BĐ3; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế lên mức BĐ1 và trên BĐ1; các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi dưới mức BĐ1. 

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. 

Nhân Thịnh