Mùa vàng Hoàng Su Phì
Du lịch - Ẩm thực - Ngày đăng : 14:22, 12/10/2017
Danh thắng trăm năm
Danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì trải dài trên diện tích gần 765ha, trên địa bàn 6 xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên. Vẫn là những dãy núi cao trập trùng quanh năm mây phủ, vẫn những cây sa mộc kiên cường bám lấy những mỏm đất cheo leo, nhưng ở Hoàng Su Phì, người ta thấy sắc màu cuộc sống rực rỡ hơn, không phải là cao nguyên dằng dặc chỉ có màu xám đen của đá như mảnh đất địa đầu Tổ quốc - công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn.
Lúa ở Hoàng Su Phì chín không đồng đều. Có khi ở Bản Phùng, bà con đã gọi nhau thu hoạch, thì ở Hồ Thầu, Nậm Ty, Sán Sả Hồ, bông lúa mới ngả màu vàng. Bởi thế, dù chỉ có một mùa duy nhất trong năm nhưng hành trình chiêm ngưỡng lúa vàng không làm cuống chân người đi. Người Nùng, Dao, La Chí..., “thổ địa” của mảnh đất Hoàng Su Phì cũng chẳng ai biết những thửa ruộng bậc thang đã có từ bao giờ. Giống như những thửa ruộng kế tiếp nhau, từ thế hệ cha ông họ đến bây giờ vẫn thay nhau chăm sóc ruộng nương, cần mẫn bao đời nay kiến tạo nên những “công trình” kỳ vĩ, độc đáo bám vào sườn núi.
Như những lớp sóng cứ chảy tràn trước mắt, ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì hấp dẫn du khách ở mọi góc nhìn. Đứng từ trên cao nhìn xuống, những quả đồi thấp nguyên một màu vàng rực rỡ, từng lớp lớp gối lên nhau kéo dài tới tận thung lũng. Nhiều đoạn núi liền núi, thung lũng trải dài quá tầm mắt, những sóng lúa ấy cứ miên man bất tận, khiến người xem không đoán định được điểm cuối của dải lụa vàng ấy. Từ dưới chân thung lũng nhìn lên, ruộng bậc thang trở thành bức tường thành vững chắc phủ vàng, có khi giống công trình kiến trúc kiên cố với lớp lang tầng bậc rõ ràng. Lọt thỏm giữa biển lúa vàng mênh mông ấy mới thấy con người nhỏ bé, còn sức người thì vĩ đại vô cùng. Chính bàn tay lao động cần cù và sáng tạo, những chủ nhân của mảnh đất này đã tạo ra những lớp sóng vàng tràn từ từ đỉnh núi, từng lớp từng lớp xuống tới thung lũng.
Rộn ràng mùa thu hoạch
Rừng cây xanh mát, những nương ngô, nương lúa đan xen với những dòng suối nhỏ, những ngôi nhà thấp thoáng dưới bóng cây làm dịu đi nỗi vất vả cho du khách sau một hành trình dài trèo đèo lội suối. Ở trên núi cao, sương mù, mây phủ bản làng tới khi mặt trời ló lên mới tan đi.
Trong khi những người dân địa phương dậy sớm để nấu cơm, sắp đồ ra đồng thì du khách cũng háo hức lên đỉnh núi “săn mây”. Để lên đến những đỉnh núi cao như Chiêu Lầu Thi, Tây Côn Lĩnh thì kỳ công, mất ít nhất một buổi, có khi một ngày. Còn ở những bản người Dao ở Suối Thầu, Nậm Hồng, từ nhà sàn nhìn ra đã thấy mây mờ trước mặt. Tan mây, những ngôi nhà sàn nằm rải rác theo sườn núi, xen kẽ giữa những quả đồi thấp, sau lưng là núi non trùng điệp, ngay dưới sân nhà là những vạt ruộng bậc thang. Trẻ con đi tắt theo bờ ruộng để tới trường, lúa ở Hoàng Su Phì cao hơn so với lúa ở đồng bằng nên có khi thấy tiếng cười, vài chiếc mũ nhấp nhô khỏi lớp bông vàng chứ không rõ mặt.
Đi đến khi mặt trời lên, những ruộng bậc thang hòa cùng màu nắng nhuộm vàng cả một khoảng không, rực rỡ nổi bật trên nền xanh của cỏ cây. Ở những thửa ruộng bậc thang cao, người dân vẫn cắt lúa rồi thu hoạch tại chỗ. Lúa đập lấy hạt mang về. Rơm cũng được quấn thành từng con nhỏ, dựng ngay tại ruộng, đợi khô thì mang về chất để cho gia súc ăn trong mùa Đông. Ở những thửa ruộng gần đường, những chiếc máy tuốt lúa đã thay cho những thùng gỗ đập lúa thủ công. Già trẻ trai gái trong nhà mỗi người một việc, tất bật cho tới khi mang được những hạt thóc tròn mẩy về nhà mới xong vụ mùa.
Sau khi cắt lúa, gia chủ tháo nước khỏi ruộng để bắt cá chép. Những con cá được thả từ đầu vụ gặt, quanh quẩn trong từng khoanh ruộng, sinh trưởng và lớn lên cùng lúa là đặc sản ở ruộng bậc thang. Cá sinh trưởng tự nhiên nên thịt thơm, chắc, béo ngọt mà không ngậy, chế biến được theo năm, bảy cách khác nhau, trở thành món ăn đãi khách quý của gia chủ.