Hà Nội: Thí điểm đào tạo công chức nguồn làm việc tại xã, phường phát huy hiệu quả
Tin tức - Ngày đăng : 14:44, 13/10/2017
UBND quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn đã khẳng định, đội ngũ công chức nguồn cấp xã cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc, kết quả làm việc có hiệu quả cao, phương pháp làm việc hiện đại, khoa học.
Đó là một trong những nội dung đánh giá về kết quả thực hiện khâu đột phá về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới” do Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nêu tại Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá XVI diễn ra ngày 13-10.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý. |
Hơn 700 công chức nguồn được phân công về làm việc tại các xã, phường
Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, báo cáo nêu rõ, việc thực hiện quy hoạch, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô được triển khai có trọng tâm, trọng điểm. So với năm 2015, số lượng cán bộ đạt chuẩn theo quy định tăng từ 85% lên 92%, số lượng công chức đạt chuẩn theo quy định tăng từ 99% lên 100%.
Trong tuyển dụng công chức, năm 2016, thành phố xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển đối với 25 thủ khoa xuất sắc, 104 người là viên chức, cán bộ, công chức cấp xã, người tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài, người có kinh nghiệm công tác từ đủ 5 năm trở lên.
Về đào tạo, tuyển dụng công chức nguồn cấp xã, đến tháng 9 năm 2017, có 714 công chức nguồn được tuyển dụng, phân công về làm việc tại các xã, phường, thị trấn, trong đó 480 người đã được công nhận hết thời gian tập sự và được bổ nhiệm chính thức vào công chức cấp xã. UBND quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn đã khẳng định, đội ngũ công chức nguồn cấp xã cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc, kết quả làm việc có hiệu quả cao, phương pháp làm việc hiện đại, khoa học.
"Chủ trương thí điểm đào tạo công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn của thành phố là đúng đắn, hiệu quả, bước đầu đã tạo sự chuyển biến về chất lượng đội ngũ công chức cơ sở, góp phần tăng cường công chức trẻ, được đào tạo bài bản về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô, đồng thời là giải pháp hữu hiệu trong việc giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho số sinh viên tốt nghiệp loại khá trở lên ở các trường đại học công lập" - đồng chí Ngô Văn Quý cho biết.
Báo cáo cũng chỉ rõ, chất lượng giáo dục, đào tạo của Thủ đô không ngừng được nâng cao. Hà Nội cũng chú trọng đào tạo nghề, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được triển khai có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội. Nếp sống văn minh có chuyển biến tích cực.
Vẫn còn biến tướng trong tổ chức cưới linh đình
Những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện khâu đột phá “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới” cũng được chỉ rõ khi việc triển khai thực hiện các Quy tắc ứng xử ở các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và cơ sở có nơi còn hình thức, triển khai qua loa, thiếu kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm.
Chất lượng xây dựng các mô hình văn hóa ở một số địa phương, đơn vị chưa bảo đảm, quy trình kiểm tra, bình xét, công nhận không được tiến hành theo đúng quy định của thành phố, còn chạy theo thành tích, chất lượng chưa cao...
Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới chưa thường xuyên. Vẫn còn một số biến tướng trong việc tổ chức cưới, đám cưới tổ chức linh đình, ăn uống nhiều ngày, tổ chức ở nhiều nơi... Việc tổ chức tang lễ ở một số địa phương còn tổ chức ăn uống, nghi lễ lạc hậu...
Trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, số lượng lễ hội nhiều nhưng tác dụng giáo dục truyền thống, giáo dục đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” chưa cao, hiện tượng làm rườm rà phần lễ, xem nhẹ phần hội hoặc chỉ chú trọng phần hội, đưa vào lễ hội một số loại hình vui chơi giải trí không phù hợp, gây phản cảm… đang tồn tại ở một vài nơi.
Buông lỏng quản lý dẫn đến nhờn luật
Để xảy ra nhiều tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý chỉ rõ, nguyên nhân là do công tác quản lý nhà nước ở địa phương nhiều nơi còn buông lỏng, dẫn đến người dân có biểu hiện nhờn luật, vi phạm các quy định, nhất là trong tham gia giao thông, giữ trật tự vỉa hè, lòng đường, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Trong lĩnh vực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, một số cấp uỷ, chính quyền, ngành, đoàn thể còn chưa thấy hết ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, nhân dân còn xem thường, không chú ý tới việc thực hiện các tiêu chí khi bình xét các mô hình văn hóa. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tư tưởng “nặng về kinh tế, nhẹ về văn hóa”, quá coi trọng các giải pháp phát triển kinh tế nên ít chú ý đến việc triển khai các hoạt động văn hóa thể thao.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra, trong 3 tháng cuối năm, Ban chỉ đạo Chương trình 04/CTr-TU của Thành uỷ đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...
Ngoài việc tiếp tục thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố, Ban chỉ đạo Chương trình 04/CTr-TU sẽ tham mưu UBND thành phố ban hành Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố và Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố.