Phối hợp quản lý an toàn thực phẩm: Cần chủ động chia sẻ thông tin
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 17:23, 15/10/2017
Hà Nội đang đẩy mạnh phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản từ các tỉnh, thành phố trong tiêu thụ. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều khó khăn do lượng hàng hóa từ các nguồn chưa ổn định và phần lớn tiêu thụ ở các chợ đầu mối…
Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra mẫu thịt gà trên thị trường. |
Chưa xây dựng được kế hoạch hợp tác
Hiện Sở NN&PTNT Hà Nội đã liên kết với 34 tỉnh, thành phố để kết nối, đưa nông sản an toàn về phục vụ Thủ đô. Tuy nhiên, trong công tác phối hợp vẫn còn khó khăn do một số Sở NN&PTNT hằng năm chưa xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác đối với từng lĩnh vực; chưa chủ động cung cấp thông tin nông sản để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp của Hà Nội xây dựng kế hoạch kinh doanh.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thu Hằng, hiện thông tin về một số cơ sở kinh doanh nông, lâm sản từ các tỉnh không ổn định; chưa cập nhật kịp thời nên rất khó khăn cho công tác phối hợp quản lý. Một số sản phẩm nông sản tiêu thụ tại các điểm kinh doanh trong mô hình chuỗi chưa có nhãn hiệu và thông tin nhận diện.
Bên cạnh đó, có lượng lớn sản phẩm giao dịch tại các chợ đầu mối, hoạt động chủ yếu vào ban đêm, gây bất cập trong truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, một số địa phương (đang có kết nối với Hà Nội) chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung nên công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ đối với sản phẩm thịt trước khi đưa về Hà Nội chưa bảo đảm an toàn chất lượng…
Lào Cai là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp được người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng nhưng còn nhiều bất cập. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Lào Cai có thế mạnh trong phát triển cây con đặc sản như: Gạo Séng Cù, rượu Sán Lùng, rượu Bắc Hà, cá nước lạnh, cá hồi, cá tầm, rau bản địa, rau trái vụ... Tuy nhiên, do nông dân sản xuất manh mún, nhận thức còn hạn chế nên khó hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Vì vậy, có trường hợp doanh nghiệp muốn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân nhưng không đủ số lượng theo yêu cầu nên việc liên kết chuỗi chưa hiệu quả. Theo nhận định của Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng, các sản phẩm rau trái vụ của các tỉnh rất hợp với thị hiếu tiêu dùng người dân Thủ đô. Do vậy, công ty đã liên kết với một số hợp tác xã để phục vụ thị trường tiềm năng này, nhưng số lượng không ổn định…
Tăng cường giám sát và trao đổi thông tin
Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart), hiện phần lớn nông sản, thực phẩm của siêu thị Fivimart đều nhập từ các tỉnh, thành phố để phục vụ thị trường Hà Nội. Để bảo đảm chất lượng hàng hóa, trước khi ký hợp đồng, công ty thường kiểm tra điều kiện sản xuất, nhưng không thể kiểm soát toàn bộ quy trình. Do đó, các tỉnh, thành phố cần giám sát chặt chẽ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tất cả các khâu nhằm bảo đảm chất lượng nông sản, giúp công ty yên tâm khi thu mua…
Để công tác phối hợp đạt hiệu quả cao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, Bộ NN&PTNT cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố triển khai chương trình ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, cần quan tâm xúc tiến thương mại, liên kết vùng trong lĩnh vực nông nghiệp; phối hợp với các tỉnh, thành phố mở các đợt tập huấn, tư vấn cho doanh nghiệp về phát triển thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp và xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh thích ứng yêu cầu hội nhập...
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về triển khai kế hoạch chương trình phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và công tác phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội. Các tỉnh, thành phố cần quy hoạch vùng sản xuất những sản phẩm chủ lực của địa phương; kêu gọi đầu tư, liên kết hợp tác với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, rõ nguồn gốc xuất xứ khi cung cấp cho thị trường Hà Nội. Một yếu tố quan trọng là cần có sự chia sẻ thông tin về cơ chế chính sách, đặc sản, sản phẩm an toàn chủ lực của từng địa phương với Hà Nội; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm cung cấp tới doanh nghiệp phân phối… giúp người tiêu dùng dễ nhận biết, yên tâm sử dụng.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần chủ động cung cấp thông tin chính xác về địa chỉ, điện thoại, đại diện cơ sở sản xuất tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm an toàn để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát, kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức cho các doanh nghiệp, cán bộ quản lý của các tỉnh, thành phố tăng cường khảo sát, gặp gỡ, trao đổi, xúc tiến thương mại, hợp tác liên kết tiêu thụ nông sản... Tất cả nhằm bảo đảm quyền lợi “hai chiều” - nông dân các tỉnh, thành phố và người tiêu dùng Thủ đô - góp phần quan trọng thúc đẩy nông nghiệp cả nước phát triển bền vững.