Thanh Hóa: Sự cố đê nguy hiểm, nhiều làng quê chìm trong biển nước

Tin tức - Ngày đăng : 19:18, 15/10/2017

Trận mưa lũ lịch sử đã gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa được coi là một trong những nơi có thiệt nặng nề nhất.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã có 16 người chết, 10 người mất tích và bị thương, nhiều tuyến đê gặp sự cố.

Theo Tổng cục Thủy lợi, các tỉnh Bắc Trung Bộ có tổng số 1.920 hồ (132 hồ chứa lớn, 1.788 hồ chứa nhỏ).


Các hồ chứa lớn: Có 102/132 hồ đã đạt hoặc xấp xỉ MNDBT 
(ngưỡng tràn tự do), trong đó: Thanh Hóa 26/26 hồ. Trong tổng số 32 hồ có cửa van, hiện có 13 hồ đang xả nước. Các hồ chứa nhỏ:các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị hầu hết các hồ mực nước đã đạt hoặc xấp xỉ MNDBT (1741 hồ).Thanh Hóa có 20 hồ xung yếu.

Hiện nay, các hồ chứa bị sự cố tại Thanh Hóa (hồ Ông Già, đập Cồ Bương, hồ Đập Cầu) đã được địa phương khắc phục, đảm bảo an toàn; đập hồ Cháu Mè, hồ Rộc Cốc (Hòa Bình) và đập Trại Gà (Nghệ An) đã mở rộng tràn để hạ thấp mực nước.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Vụ Quản lý đê điều tính đến 17h00 ngày 14/10 do mực nước trên các sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Mã vẫn còn ở mức cao, nguy cơ tiếp tục xảy ra các sự cố đê điều. Ngoài 197 trọng điểm đê điều tại 19 tỉnh có đê, trong đợt mưa lũ vừa qua đã xảy ra 143 sự cố đê điều/27.601m (đê từ cấp III trở lên: 50 sự cố, đê dưới cấp III: 93 sự cố), trong đó:


Trên 15 tuyến đê từ cấp III đến cấp I thuộc 06 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa) đã xảy ra 50 sự cố đê điều/9.568m, bao gồm: sạt lở mái đê (19 sự cố/1.620m); thẩm lậu, rò rỉ nước qua thân đê (09 sự cố/2.425m); đùn sủi phía chân đê hạ lưu (04 sự cố); nước tràn qua mặt đê (7 sự cố/4.480m); nứt mặt đê (01 sự cố/150m); sự cố cống qua đê (04 sự cố); sạt lở kè, bờ sông (05 sự cố/893m).


Trong đó, trên một số tuyến đê của tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra những sự cố rất nguy hiểm như: sự cố nứt mặt đê, sạt lở mái đê phía sông đê tả Chu (K17+100-K17+332); nứt, sạt mái đê phía sông đê hữu Mã (K32+000-K32+225); nước tràn qua đỉnh đê tả, hữu sông Lạch Trường (tổng chiều dài 3.276m); sự cố bãi sủi ở hạ lưu đê tả Chu (K30+050); lỗ phụt nước đục hạ lưu đê hữu Lèn (K5+950).


Trên các tuyến đê dưới cấp III hoặc đê chưa được phân cấp cũng đã xảy ra tổng cộng 93 sự cố/18.033m, bao gồm: vỡ đê (07 sự cố/43m); sạt lở mái đê (24 sự cố/1.719m); thẩm lậu, rò rỉ nước qua thân đê (04 sự cố/200m); đùn sủi (08 sự cố); nước tràn qua đê (34 sự cố/15.570m); nứt mặt đê (02 sự cố/170m); sự cố cống qua đê (09 sự cố); sạt lở kè, bờ sông (04 sự cố/31m). Trong đó, có các sự cố nguy hiểm như: sự cố lủng mang cống trạm bơm Quang Hoa tại K14+350 đê hữu Cầu Chày; sự cố sập hai bên mang cống Ông Công đê hữu sông Hoàng; 10 đoạn đê tả, hữu Cầu Chày bị tràn và xấp xỉ tràn.

Dưới đây là một số hình ảnh ngập lũ tại Thanh Hóa:

Thanh Hóa: Sự cố đê nguy hiểm, nhiều làng quê chìm trong biển nước
Lũ lụt tại xã Tế Nông, huyện Nông Cống
Thanh Hóa: Sự cố đê nguy hiểm, nhiều làng quê chìm trong biển nước
Vỡ đập hồ Yên Mỹ, huyện Nông Cống
Thanh Hóa: Sự cố đê nguy hiểm, nhiều làng quê chìm trong biển nước
Lũ lụt tại huyện Thiệu Hóa
Thanh Hóa: Sự cố đê nguy hiểm, nhiều làng quê chìm trong biển nước
Lũ lụt tại huyện Bá Thước. 
Thanh Hóa: Sự cố đê nguy hiểm, nhiều làng quê chìm trong biển nước

Hàng nghìn con lợn chết nổi do lũ lụt tại huyện Yên Định.
Thanh Hóa: Sự cố đê nguy hiểm, nhiều làng quê chìm trong biển nước
Nước ngập tới nóc nhà, người dân đóng bè di chuyển tại huyện Thạch Thành

Nhóm PV