100% công chức của Hà Nội đạt chuẩn
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 11:17, 16/10/2017
Đó là một trong những nội dung đánh giá về kết quả thực hiện khâu đột phá về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới” do Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nêu tại Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá XVI vừa diễn ra.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại hội nghị
Theo đó, thực hiện khâu đột phá trên, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04, ngày 4/3/2016 về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm đến các thành viên. UBND TP xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa thành 19 chỉ tiêu, 64 nhiệm vụ, 18 đề án, 24 dự án để triển khai thực hiện.
Kết quả, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thành phố đã tập trung thực hiện 4 nội dung: thực hiện quy hoạch, nâng cao chất lượng đào tạo, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, chất lượng dạy nghề và nâng cao thể chất người Hà Nội.
Đến nay, có 291 cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học; bồi dưỡng ngắn hạn, nâng cao trình độ, kiến thức về quản lý đô thị ở trong nước cho 47 người và tại nước ngoài cho 25 người; tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ y bác sỹ theo kíp tại Bệnh viện Xanh Pôn. Tuyển dụng 714 công chức nguồn bổ sung về các xã; tổ chức tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển đối với 25 thủ khoa xuất sắc, 104 viên chức, cán bộ, công chức cấp xã, người tốt nghiệp loại Giỏi, Xuất sắc ở nước ngoài, người có kinh nghiệm công tác từ đủ 5 năm trở lên; kiểm tra, sát hạch tuyển dụng vào công chức không qua thi đối với 169 chỉ tiêu; xét tuyển đặc cách đối với 10 Thủ khoa xuất sắc, bác sỹ nội trú của ngành y tế; 6 người tốt nghiệp loại giỏi và thạc sỹ được đào tạo bằng tiếng nước ngoài...
So với năm 2015, số cán bộ đạt chuẩn theo quy định tăng từ 85% lên 92%; số công chức đạt chuẩn tăng từ 99% lên 100%, đặc biệt không còn công chức cấp xã có trình độ sơ cấp. Số cán bộ, công chức được sử đi đào tạo trình độ Cao cấp Lý luận chính trị là 586 người, Trung cấp Lý luận chính trị trên 5,1 nghìn người.
Thành phố cũng tập trung nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục mũi nhọn. Học sinh Thủ đô tiếp tục giành nhiều thành tích ấn tượng, dẫn đầu trong các cuộc thi quốc gia và giành giải cao trong các kỳ thi quốc tế. Công tác đào tạo nghề gắn với nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo được chú trọng, thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Đến nay, tính chung số học sinh trong các trường công lập của thành phố được tuyển dụng việc làm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp đạt 6.932/9.337 (đạt tỷ lệ 74,2%). Năm 2017, có 5/5 trường đào tạo nghề triển khai thực hiện theo lộ trình và xác định 21 doanh nghiệp để liên kết đào tạo, cam kết tuyển dụng lao động sau đào tạo. Năm 2016, tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố đạt 56,93% và dự kiến năm 2017 đạt 59,5%.
Về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm định hướng, xây dựng các giá trị văn hóa và môi trường văn hóa lành mạnh, thành phố đã ban hành 2 bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng và trong các cơ quan, đơn vị. Bước đầu cho thấy, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức có chuyển biến rõ rệt, tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả trên, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy cũng đánh giá, việc triển khai rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới giáo dục còn chậm, công tác phân luồng học sinh sau THCS còn bất cập; việc triển khai dạy ngoại ngữ còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; năng lực đào tạo nghề, nhất là nghề chất lượng cao còn hạn chế, còn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế sử dụng lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp so với chỉ tiêu; công tác tuyển dụng thủ khoa về làm việc tại các cơ quan, đơn vị của thành phố còn thấp; việc triển khai 2 Bộ quy tắc ứng xử tại một số đơn vị còn hình thức...
Góp ý về nội dung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng chí Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, vừa qua Sở đã mời các giảng viên, chuyên gia nước ngoài về đào tạo 7 nhóm nghề công nghệ cao cho 88 giáo viên các trường nghề, bước đầu cho thấy hiệu quả rất cao do giảm chi phí mà chất lượng được đảm bảo. Tuy nhiên, hiện nay, có một số cơ sở đào tạo nghề không đảm bảo, không tuyển sinh được, đồng chí Khuất Văn Thành đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về đào tạo nghề, kết hợp với phân luồng học sinh. Cùng với đó, kiểm tra, rà soát các cơ sở đào tạo nghề công lập và ngoài công lập, sắp xếp lại các đơn vị đảm bảo không trùng lặp, ngừng tuyển sinh đối với các cơ sở không đủ điều kiện về cơ sở vật chất…
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị
Kết luận nội dung này, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Xác định tầm quan trọng, ý nghĩa của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới là một trong 3 khâu đột phá, Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện đồng bộ với những giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài. Trọng tâm là tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về giữ gìn, phát huy truyền thống, nét đẹp văn hóa thanh lịch, văn minh, đặc trưng cốt cách của người Tràng An, Hà Nội; xây dựng văn hóa làm nền tảng tinh thần, xây dựng con người phát triển toàn diện, là trung tâm của sự phát triển; xây dựng và phát triển Hà Nội thực sự là cái nôi đào tạo, sử dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước.
Với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được triển khai tích cực; Hà Nội được đánh giá dẫn đầu cả nước về chỉ số phát triển con người (HDI); việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt được kết quả bước đầu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
Bí thư Thành ủy cho rằng, xây dựng văn hóa, xây dựng con người là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, đòi hỏi sự vào cuộc toàn diện, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, với phương châm kiên trì, bền bỉ và thường xuyên. Trước mắt, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện Quy tắc ứng xử trong cơ quan và quy tắc ứng xử nơi công cộng, trong đó, cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện để tạo sức lan tỏa trong nhân dân Thủ đô. Cùng với đó, quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo một cách đồng bộ.
Đồng chí cũng yêu cầu các cấp ủy đảng rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu của 08 chương trình công tác, các chỉ thị, nghị quyết, các chương trình, đề án của Thành ủy đã đề ra để chủ động khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu chưa hoàn thành, tránh tình trạng “chương trình, nghị quyết thì ban hành nhanh nhưng khi triển khai lại chậm”. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 khâu đột phá của Đảng bộ Thành phố; chuẩn bị việc đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố gắn với sơ kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.