Kinh tế thế giới phục hồi mong manh
Tin tức - Ngày đăng : 16:32, 17/10/2017
Gần một thập niên kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ bùng phát năm 2008, nền kinh tế thế giới đã từng bước phục hồi. Tuy nhiên, thách thức trước mắt vẫn còn hiển hiện. Tuyên bố của Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa diễn ra tại Washington (Mỹ) cảnh báo, kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn phục hồi do lạm phát thấp và những rủi ro địa chính trị.
Hội nghị thường niên của IMF và WB đã đưa ra cảnh báo nền kinh tế thế giới chưa hoàn toàn phục hồi. |
Theo hầu hết đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm 2017 và 3,6% năm 2018, mức cao nhất kể từ năm 2011 và cao hơn nhiều so với mức 3% năm 2016. Trước đó, báo cáo “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới” của Liên hợp quốc cũng nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã khởi sắc như kỳ vọng. Theo đó, các nền kinh tế lớn như Mỹ sẽ tăng trưởng 2,4%, Trung Quốc đạt mức 6,4%, Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) cũng sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 1,8% năm 2017.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát của đa số quốc gia phát triển chưa đạt mục tiêu và tiềm năng của nhiều nước vẫn yếu kém, hiện còn không ít nguy cơ cản bước tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng nợ công tiếp tục gia tăng và ở mức báo động. Nghiên cứu mới nhất do Viện Tài chính quốc tế (IIF) vừa công bố cho thấy, nợ toàn cầu trong năm 2016 đã tăng 500 tỷ USD, lên mức kỷ lục 217.000 tỷ USD. Nguy cơ rủi ro đối với lĩnh vực ngân hàng tại Trung Quốc hiện cao gấp ba lần. Một vấn đề nữa là tình trạng phục hồi tăng trưởng vẫn chưa đồng đều và chưa vững chắc ở các nền kinh tế. Báo cáo của Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại đà phục hồi kinh tế tại Nam Mỹ thấp hơn so với dự báo trước đó. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo đầu người đang chững lại và thậm chí giảm tại một số vùng ở Châu Phi. Tăng trưởng tại một số quốc gia thuộc nhóm nước kém phát triển nhất trên thế giới (LDC) cũng thấp hơn so với dự báo và nếu không giảm được tình trạng bất bình đẳng về thu nhập thì gần 35% dân số tại các nước LDC vẫn tiếp tục thuộc diện nghèo cùng cực đến năm 2030.
Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ đang tạo ra những rào cản có thể khiến kinh tế thế giới đi chệch hướng. Thống kê cho thấy, trong khoảng 10 năm qua, các nước đã đưa ra và thực hiện không dưới 3.000 biện pháp bảo hộ mậu dịch. Điều này khiến nhiều nhà kinh tế cho rằng, bất kỳ hành động mang tính bảo hộ nào sẽ là một “cơn ác mộng” cho nền kinh tế thế giới. Tại Hội nghị thường niên của IMF và WB, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfang Schaeuble cảnh báo, tất cả các thành viên IMF đều lo ngại trước tốc độ tăng trưởng chậm của thương mại toàn cầu và tư tưởng chống thương mại tự do gia tăng. Điều này không chỉ gây tổn hại cho sự phát triển chung mà ảnh hưởng đến cả chính những nước bảo hộ. Tuyên bố được đưa ra vào lúc nhiều lãnh đạo tài chính thế giới đang lo lắng về việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ theo đuổi chính sách "nước Mỹ trên hết" như thế nào và liệu các chính sách này ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu ra sao?
Theo các chuyên gia kinh tế, chính phủ các nước cần có những nỗ lực về chính sách mạnh mẽ hơn nữa để tạo sự đồng thuận, ngăn chặn sự phình to của các quả “bom nợ” và chủ nghĩa bảo hộ. Bên cạnh đó, việc tạo môi trường thuận lợi để bảo đảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong trung hạn, gắn với giải quyết tình trạng đói nghèo thông qua các chính sách xóa bỏ bất bình đẳng trong thu nhập và việc làm sẽ mang lại những thay đổi theo hướng tích cực. IMF cũng kêu gọi các ngân hàng trung ương duy trì lãi suất cho vay thấp trong thời gian dài nhằm thúc đẩy đà phục hồi còn mong manh của nền kinh tế thế giới.