Bài 2: Công ty XKLĐ Thịnh Long - người lao động oằn lưng chạy xe ôm trả nợ!
Tin tức - Ngày đăng : 16:11, 19/10/2017
Bài 1: Công ty XKLĐ Thịnh Long bị tố bỏ rơi người lao động ở nước ngoài
Hàng ngày từ sáng sớm chị Hải đã có mặt ở bến xe Mỹ Đình
Chị Hải cho phóng viên biết: Nhưng khi đi sang bên Đài Loan thì công việc hoàn toàn không giống như những gì mà cán bộ Công ty Thịnh Long tư vấn. Gia đình đầu tiên mà theo hợp đồng chị được làm lại không có chỗ cho chị vì đã có một lao động khác đang làm ở đây.
Chị bị người môi giới dẫn đi hết gia đình này đến gia đình khác để làm giúp việc gia đình với nhiều công việc vượt quá sức chịu đựng. Bất đắc dĩ chị đã phải về nước và đến cầu cứu các cơ quan chức năng.
Những ngày mưa gió rất ít khách đi xe ôm nên thu nhập của chị chẳng đáng bao nhiêu. Mỗi tháng ngoài trả tiền nhà trọ, sinh hoạt chị còn để lại mấy trăm nghìn đồng
Chị tâm sự: Sau qúa trình bị bỏ rơi ở bên Đài Loan, tôi về nước trong tình trạng suy kiệt sức khỏe, tinh thần hoang mang vô độ. Ở bên nước ngoài công việc không như công ty nói ban đầu. Tôi thật sự vỡ mộng hoàn toàn, chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi đến vậy.
Tôi về quê và được gia đình đưa ngay vào Bệnh viện huyện Triệu Sơn – Thanh Hóa điều trị. Sau khoảng 1 tháng tôi bình phục chút ít. Sự kiện đầu tiên tôi phải đối mặt đấy là khoản vay nợ để được đi XKLĐ và tiền lãi mà các chủ nợ đang chờ tôi trả.
Lúc trước khi đi XKLĐ, chồng tôi nhất quyết không đồng ý cho đi. Nhưng, vì nghe thấy lời tư vấn hấp dẫn của cán bộ Công ty Thịnh Long nên tôi vẫn quyết tâm đi để tìm lối… thoát nghèo. Ai ngờ những tư vấn đó chỉ là giả tạo, như miếng mánh vẽ mhằm thu hút những người chân quê nhẹ dạ cả tin như tôi. Một khi đã đi theo hướng dẫn của công ty và đến lúc sang nước ngoài rồi thì coi như mọi chuyện đã an bài. Chẳng ai lại mong muốn vay nợ ra nước ngoài để mà đòi về cả. Ban đầu tôi cũng nghĩ có sao cũng cố cắn răng mà chịu… Ai ngờ, chịu không nổi chú ơi…
Chuyện của tôi còn éo le hơn nhiều do hồi ở nhà chồng tôi không đồng ý cho đi nên cũng không bảo lãnh để tôi vạy nợ ngân hàng. Vì thế tôi phải nhờ bà ngoại đứng ra vay mượn hộ khoản vay gần 50 triệu đồng để có tiền nộp cho công ty. Bây giờ tôi trở về quê bất thình lình như vậy, các chủ nợ bắt đầu kéo đến đòi ráo riết làm cho chồng tôi càng đay nghiến tôi. Tôi buồn chán kinh khủng, không biết tâm sự cùng ai. Tôi cũng không biết lấy ở đâu ra khoản tiền lớn ấy trả cho họ. Chồng tôi tiêu cực mắng mỏ tôi vì ngày trước không nghe lời. Chồng tôi bảo tôi tự đi làm mà lo kiếm tiền trả nợ…
Các bác sĩ còn cho biết hiện nay tôi đang có một khối u ở dạ con nhưng vì không có tiền nên cũng chẳng dám điều trị nữa. Vào viện chỉ truyền nước và bồi bổ để hồi phục tinh thần rồi về nhà. Vậy là ra viện được mấy hôm tôi bắt đầu phải nghĩ kế kiếm tiền. Tôi quyết định bắt xe khách ra Hà Nội mang theo một chiếc xe máy cà tàng để hành nghề chạy xe ôm lang thang khắp các bến xe Thủ đô.
Tôi với 2 người phụ nữ đồng hương khác bán nước chè, 3 chị em cùng thuê một cái phòng trọ khoảng hơn 1 triệu đồng/1 tháng ở Phú Mỹ, Mỹ Đình. Hàng ngày cứ sáng sớm tôi đã ra bến xe Mỹ Đình để đón khách. Cũng may có người giới thiệu, tôi tham gia làm Cộng tác viên vào một công ty vận tải để được đeo thẻ vào tận trong bến xe Mỹ Đình chào khách- chị tâm sự.
Từ ngày bỏ 100 nghìn đồng ra mua thẻ CTV gì đó chị được người ta cho vào tận bên trong bến xe để bắt khách
Tôi gặp chị vào một chiều Hà Nội mưa tầm tã. Những cơn mưa không ngớt càng làm cho ánh mắt người đàn bà khắc khổ nhìn xa xăm rầu rĩ. Chị bảo: Đã mấy ngày nay rồi, gần như chẳng chạy được khách nào. Trời mưa quá, người ta toàn đi xe buýt hoặc taxi cho đỡ ướt chứ mưa gió thế này ai đi xe máy làm chi hả chú. Nếu trời nắng đẹp, may ra ngày còn kiếm được trăm hơn trăm kém chứ cứ cảnh mưa gió chỉ có chết đói mất thôi. Càng ngồi buồn lại càng nản. Tháng vừa qua cũng kiếm được đôi triệu, trừ chi phí ăn uống và nhà trọ tôi còn để ra mấy trăm ngàn. Cứ đà này chỉ kiếm đủ tiền trả lãi thôi, còn tiền gốc biết bao giờ mới trả xong. Xe ôm bây giờ họ đi các hãng chuyên nghiệp cho nên mình mời cũng khó khăn lắm.
Nói đến đây giọng chị chùng xuống, chị lấy hai tay gạt ngang dòng nước mắt đang chờ trực rơi lã chã. Tôi ái ngại không nói gì nữa nhưng rồi như cố giữ bình tĩnh, chị lại kể: Người ta làm đàn ông khỏe mạnh chạy xe ôm còn vất vả chứ nói gì đến người phụ nữ đang mang U trong mình. Thấy tôi ốm yếu da xanh xao nhợt nhạt có mời khách họ cũng sợ, chẳng dám đi. Nhiều lúc nghĩ tôi càng tủi thân: Cả đời ở quê làm thuê cuốc mướn chứ có biết gì đèn xanh, đèn đỏ phố phường Hà Nội đâu. Hôm đầu mới ra nhìn đâu cũng thấy người chen lấn, xe chạy hoa cả mắt. Khổ nỗi, tôi chạy xe ôm mà lại không biết đường. Có khi vừa chạy xe vừa hỏi khách đi hướng nào. Nhiều khách khó tính họ mắng cho một trận rồi bỏ xuống đường không đi nữa. Cơ cực thế nhưng tôi vẫn phải chạy thôi chứ bây giờ biết làm việc gì được. Mà bỏ về quê thì chủ nợ lại đến nhà bắt nợ.
Chị còn nhớ như in, có hôm một vị khách tốt bụng thấy chị đứng thẫn thờ mời bao nhiêu người qua lại mà họ không đi, cuối cùng chú ấy bảo tôi chở đi lên phố cổ. Tôi hào hứng để chở người khách này đi nhưng tội quá, tôi lại… không biết đường đến địa chỉ chú đó yêu cầu. Người khách này cũng từ quê ra Hà Nội đi tìm người quen. Cả hai cùng không biết đường, cứ chạy lòng vòng cả buổi cũng không tới nơi; có lúc còn chạy nhầm vào đường một chiều. Chú ấy hỏi rõ sự tình vì sao tôi lại phải ra Hà Nội làm xe ôm. Tôi cũng kể rõ, chỉ vì lúc trước quá tin Công ty XKLĐ Thịnh Long nên đã vay mượn tiền đi XKLĐ. Ai ngờ sang đó công việc không như họ nói cho nên phải về nước. Bây giờ đi chạy xe ôm trả nợ. Nghe xong, chú ấy thương quá nên cũng không trách móc gì còn cho tôi ít tiền và bắt taxi đi khuất vào dòng người đông đúc…
Sau khi báo Người Hà Nội khởi đăng những thông tin phản ánh của người lao động này, phía Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Thịnh Long đã có những động thái gì, mời các bạn đón đọc bài tiếp theo.
Bài 3: Công ty XKLĐ Thịnh Long bị tố ép lao động chép lại hồ sơ?
Bạn đọc có thắc mắc gì về Xuất khẩu lao động xin gọi số điện thoại đường dây nóng: 0988 200 599