Tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung: Mở rộng khai quật

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 16:09, 20/10/2017

Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị khai quật khảo cổ học với qui mô lớn ở gò Dương Xuân (Huế) vào đầu năm 2018.
Đây là thông tin được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết ngày 19-10.

Theo kế hoạch, diện tích dự kiến khai quật là 300m2, trong đó điểm khai quật chính là mở rộng với diện tích 200m2 đối với hố thăm dò số 5 (H5-2016) - nơi đã phát hiện một bức tường đá hồi tháng 10- 2016. 

Từ hố khai quật số 5 sẽ mở rộng khai quật theo hướng chùa Thiền Lâm, với khoảng cách 50m. 

Ngoài ra sẽ khai quật thêm bốn khu vực khác là: cồn Bông Sứ (25m2), giếng loạn (25m2), khu vực mộ trước chùa Vạn Phước (25m2), hồ bán nguyệt (25m2). 

Cuộc khai quật vẫn do PGS. TS Bùi Văn Liêm - phó viện trưởng Viện Khảo cổ học - phụ trách.

Đoàn công tác khảo cổ học đã đề xuất UBND TP Huế tiến hành giải phóng mặt bằng một số nhà dân và các công trình ngầm như điện, nước tại khu dân cư Bình An (phường Trường An, TP Huế) trên diện tích khoảng 300m2. 

Công tác đền bù sẽ tiến hành từ nay đến hết quý 1 - 2018. 

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang tiến hành các thủ tục để xin phép Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cấp phép khai quật khảo cổ học. 

Dự kiến cuộc khai quật sẽ tiến hành trong quý 2 - 2018, trong thời gian khoảng 90 ngày.

Tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung: Mở rộng khai quật - Ảnh 2.

Sơ đồ khu vực gò Dương Xuân - nơi đã tiến hành cuộc thăm dò khảo cổ học - Ảnh: Tư liệu NĐX

Gò Dương Xuân nằm ở phía tây nam TP Huế là nơi mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân xác định là khu vực từng tồn tại cung điện Đan Dương của vua Quang Trung, khi vua băng hà thì an táng tại đây, trở thành lăng Đan Dương.

Từ kiến nghị của Hội khoa học lịch sử VN Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế đã thực hiện một cuộc thăm dò khảo cổ học tại đây vào tháng 10-2016, với năm hố thăm dò được mở trên diện tích gần 24m2.

Kết quả thăm dò đã phát hiện một kiến trúc đá có chiều rộng hơn 5,5m, dày 0,6-0,65m, các viên đá xếp chồng lên nhau, có hai điểm bắt góc và hiện tượng giật cấp của các lớp đá. 

PGS. TS Bùi Văn Liêm nhận định kiến trúc này có thể liên quan đến một kiến trúc lớn, rất có thể là móng của tường hoặc thành. 

Ngoài ra, còn phát hiện ba cụm di tích liên quan đến mộ hỏa táng, cùng một chum sành bị vỡ có khả năng của một ngôi mộ đất có quan tài là chum sành; một di tích nền hoặc móng bằng cát, sỏi có thể liên quan đến nền móng của kiến trúc hoặc lớp rãi tạo mặt bằng kê chân đá tảng, là chân cột trong kiến trúc; và hàng trăm hiện vật bằng đồng, sắt, sứ, sành, đất nung, hạch ngói, thủy tinh, vôi vữa, xương, vỏ sò...

Tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung: Mở rộng khai quật - Ảnh 4.

Khu vực trước chùa Vạn Phước - một trong năm địa điểm sẽ khai quật sắp đến - Ảnh: Minh Tự

Minh Tự/TTO