Chọn thị trường để mở lại đường bay quốc tế

Tin tức - Ngày đăng : 11:20, 24/11/2021

Nhu cầu mở lại các đường bay quốc tế đang rất cấp thiết, nếu “chậm chân”, không chỉ ngành Hàng không suy kiệt mà còn ảnh hưởng tới sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế. Song, các bộ, ngành cũng cần phải thống nhất, sớm có quy định cụ thể hơn đối với khách nhập cảnh.
Đồng thời lựa chọn thị trường từ các quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt, có tỷ lệ khách tới Việt Nam cao, nhu cầu du lịch và đi lại làm việc lớn.
Chọn thị trường để mở lại đường bay quốc tế
Chuyến bay của Vietnam Airlines chở khách từ Hàn Quốc đến Đà Nẵng, ngày 17-11, trong chương trình thí điểm đón du khách quốc tế.

Ngày 17-11, chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines chở du khách quốc tế có hành trình từ Seoul (Hàn Quốc) đến thành phố Đà Nẵng trong chương trình thí điểm đón du khách quốc tế. Ngày 20-11, Vietjet Air cũng thực hiện chuyến bay đưa 204 hành khách từ Seoul hạ cánh xuống Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Đây là đoàn du khách mang “hộ chiếu vắc xin” đầu tiên đến Phú Quốc trong giai đoạn “bình thường mới” sau gần 2 năm du lịch “đóng băng” do dịch Covid-19.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết, tính đến tháng 9-2021, nhu cầu của công dân Việt Nam về nước là khoảng 200.000 người, cùng với đó là nhiều người nước ngoài làm việc ở Việt Nam và thân nhân của họ muốn đến Việt Nam để thăm thân. Tuy nhiên, số chuyến bay trọn gói không đáp ứng được nhu cầu. “Trong 2 quý đầu năm 2022, dự báo sẽ có khoảng nửa triệu khách đến Việt Nam”, ông Võ Huy Cường cho hay.

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải phương án mở đường bay quốc tế thường lệ theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, dự kiến từ quý I-2022 sẽ nối lại đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Australia. Dự kiến tần suất 4 chuyến mỗi tuần cho mỗi nước với tổng lượng khách nhập cảnh khoảng 12.000 người/tuần. Giai đoạn 2, dự kiến từ quý II-2022 sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách mang “hộ chiếu vắc xin”, tần suất dự kiến 7 chuyến/tuần cho mỗi nước. Giai đoạn 3, từ quý III-2022 sẽ khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ với tần suất theo nhu cầu của hãng hàng không.

Nhiều người dân bày tỏ mong muốn ngành Hàng không sớm mở lại các đường bay quốc tế thường lệ. “Con trai tôi hiện đang học đại học ở Nga nhưng dịch Covid-19 khiến việc đi lại rất khó khăn. Đã hơn 1 năm nay, cháu không thể về nước mà bố mẹ thì chẳng thể sang thăm nên rất lo lắng”, chị Nguyễn Minh Anh, khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông) chia sẻ.

Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines Nguyễn Quang Trung cho rằng, việc mở lại đường bay quốc tế hiện tại là rất cần thiết sau thời gian dài đóng cửa. Những quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt, tỷ lệ tiêm phòng cao và có tỷ lệ khách tới Việt Nam đông, nhu cầu du lịch và đi lại làm việc lớn, ví dụ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ... sẽ là những thị trường được ưu tiên lựa chọn.

Đồng quan điểm, GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhận định, hiện các yếu tố khách quan và chủ quan đều phù hợp với việc mở lại đường bay quốc tế. Không thể chắc chắn bao giờ thì dịch kết thúc, nhưng nền tảng chống dịch của thế giới cũng như Việt Nam đã và đang được củng cố.  Do đó, nếu chần chừ Việt Nam sẽ “chậm chân”, lỡ nhịp khi thị trường hàng không quốc tế đã hồi phục.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, mở cửa hàng không quốc tế là cần thiết, quan trọng là ngành Y tế phải có sự chuẩn bị. Cần có sự thống nhất giữa Bộ Giao thông - Vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế… để có quy định cụ thể hơn đối với khách nhập cảnh.

Đối với lo ngại của một số địa phương trong việc kiểm soát dịch bệnh khi mở cửa đường bay quốc tế, các chuyên gia kiến nghị cần có thống nhất với các địa phương. Các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng đang thấp mà có địa điểm du lịch thì Chính phủ hỗ trợ đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng. Từng khách sạn, khu nghỉ dưỡng đón khách nước ngoài phải có trách nhiệm bảo đảm không để du khách gây lây nhiễm dịch bệnh ra bên ngoài. Trong trường hợp có khách nhiễm thì cơ sở mà khách mua bảo hiểm hỗ trợ để chữa trị, không gây gánh nặng cho địa phương...

HNM