Văn hóa - văn học và biển đảo Việt Nam

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 16:32, 24/10/2017

LTS: Việt Nam có vùng biển đảo rộng dài nên đã hình thành cả một tuyến văn hóa duyên hải và biển đảo (gọi chung là vùng văn hóa biển đảo) tiếp nối liên tục từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Nói riêng bờ biển có trên 3.260km trải dài từ Bắc tới Nam, đứng thứ 27 trong số 157 đảo quốc và quốc gia ven biển trên thế giới. Trong mối quan tâm cụ thể, từ số này Người Hà Nội giới thiệu chuyên đề về văn hóa - văn học và biển đảo Việt Nam nói chung và nhận diện hệ giá trị văn hóa vùng duyên hải và biển đảo tương ứng với n
Trên thực tế, vùng văn hóa biển đảo có nhiều nét đặc thù, có thể được đặt trong nhiều hệ quy chiếu và tương quan khác nhau trong tổng thể bảng màu văn hóa Việt Nam. Điều này tạo nên sự đa dạng các vùng văn hóa cũng như chính kết quả học thuật bước đầu trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa - văn học biển đảo Việt Nam (Nghiên cứu Văn học, số 6 -2016, 148 trang). 

Biển đảo với cội nguồn văn hóa – văn học dân gian

Trước hết, có thể thấy rõ một tâm thức biển gắn với cội nguồn văn hóa - văn học dân gian từ ngàn xưa với nhiều hình thức thể loại khác nhau. Theo Nguyễn Như Bình, truyện cổ Sự tích đền Độc Cước (Sầm Sơn – Thanh Hóa) với biểu tượng vị thần kỳ lạ, có thể phân thân thành hai, một nửa cùng nông dân trồng trọt canh tác trên ruộng đồng và một nửa cùng ngư dân đi đánh cá ngoài khơi, trở thành linh thần bảo vệ biển đảo. 

Nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban đi sâu tìm hiểu diện mạo, đặc điểm vè các lái, còn gọi vè thủy trình, vè hải trình, là loại vè của những người chèo lái thuyền, người buôn bằng đường biển, đường sông hay những ngư dân đánh bắt cá trên những chiếc ghe bầu hát trong lúc đi biển. Bài vè các lái chủ yếu được sáng tác theo lối kể và miêu tả về hải trình từ chỗ bắt đầu đi cho đến đích. Những nơi hoang vắng vùng ven biển thường có nạn Tàu ô chặn cướp nên bài vè các lái cũng chú ý nhắc nhở người đi biển cảnh giác, lưu ý, dè chừng: 

Dù ai lên xuống ra vô,
Chạy ngoài phải giữ Tàu ô cướp chừng.
Trời định vận số vô cùng,
Anh em hiệp lực đánh cùng Tàu ô… 

Hệ thống vè các lái, nhật trình, hải trình chứa đựng vốn tri thức văn hóa dân gian phong phú về địa lý, lịch sử, ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục, tập quán ở khắp các địa phương và các vùng miền duyên hải suốt từ Bắc vào Nam... 

Hai nhà nghiên cứu Trịnh Thị Lệ Hà, Trương Công Duy tìm hiểu kiểu thức Hát bả trạo – nét văn hóa đặc sắc của ngư dân miền Trung, một loại dân ca nghi lễ, diễn xướng dân gian của cư dân ven biển từ Bình Trị Thiên tới Bình Thuận, được tổ chức theo tục lệ hàng năm hoặc hai ba năm một lần nhân dịp lễ tế Cá Ông và trong các lễ hội cầu mùa, cầu an… Từ hướng tiếp cận liên ngành, Hà Thị Thùy Dương tập trung khai thác Giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ cá voi của dân cư vùng biển Trung và Nam Bộ: “Tín ngưỡng thờ cá voi là môi trường nảy sinh và bảo tồn nhiều sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật dân gian có giá trị, vừa có tính thiêng vừa có tính thế tục như hát bã trạo, đua ghe, lắc thúng, đẩy gậy, kéo co… đồng thời cũng tạo môi trường giữ gìn và phát huy nghệ thuật tuồng – một loại nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc”... Tương tự, Nguyễn Thu Trang nhấn mạnh Văn hóa biển - nhìn từ tín ngưỡng thờ cúng Phật Bà Nam Hải tại Nam Bộ: “Điểm đáng chú ý là Quan Âm Nam Hải là hình tượng phổ biến trong văn chương chữ Nôm của văn hóa Việt Nam. Tác phẩm chữ Nôm Quan Âm Nam Hải gồm 1426 câu thơ lục bát truyền tụng trong dân gian Việt Nam, giới thiệu về quá trình tu thành Phật của công chúa Diệu Thiện, còn gọi là Bà Chúa Ba - con gái út vua Trang Vương, quyết tâm đi theo đạo dù vua cha phản đối và đã đắc đạo thành Phật ở chùa Hương Tích… Tín ngưỡng thờ cúng Phật Bà Nam Hải tại Nam Bộ là một ví dụ thể hiện sắc thái đa văn hóa, hòa quyện giữa tôn giáo ngoại lai và tín ngưỡng bản địa”… 

Hướng tới một thể loại tương đối gần cận văn học viết, nhà nghiên cứu Trần Thị An đặt vấn đề tìm hiểu Truyền thuyết dân gian với việc kết nối các dạng thức không gian biển Việt Nam, trong đó xác định tục thờ cá voi ở vùng duyên hải Đông Bắc, tôn xưng cá voi là Đông Hải đại vương, sau đó đồng nhất với các nhân vật lịch sử và được Trần Quốc Vượng khẳng định: “Nguyên lai, đây là những đền thờ Cá - Ông - Voi của ngư dân và cư dân ven biển; sau thời Lý sang thời Trần, thần Đông Hải - Hải Đông đã được nhân cách hóa và hóa thân vào nhân vật lịch sử có thật”, từ đó dẫn giải: “Nếu như làng Việt có sự đồng nhất không gian cư trú với không gian xã hội thì biển đã phá vỡ giới hạn không gian cư trú, tạo nên một hình thức liên không gian mới, một loại không gian chuỗi (với tục thờ Tứ vị Thánh Nương) hay không gian mở (với tục thờ Đông Hải đại vương) của các cư dân có sinh kế liên quan đến sông biển”... 

Niềm tin, ý chí giữ gìn biển đảo trong văn học viết

Bước sang khu vực văn học trung đại, nhà khảo cứu Trần Thị Băng Thanh nhấn mạnh Cảm quan về biển trong thi ca người xưa, phác thảo diện mạo nền thơ mười thế kỷ viết về các vùng duyên hải, biển đảo. Chứng dẫn, chẳng hạn, Nguyễn Trãi (1380 - 1442) đánh giá sức mạnh của chúng dân trăm họ: 

Phúc chu thủy tín dân do thủy,
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên – Quan hải.
(Đóng cửa biên)

Dịch nghĩa:

Lật thuyền mới rõ dân như nước,
Cậy hiểm không xoay mệnh ở trời.

Đến vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) từng viết về các vùng cảng biển Vân Đồn, An Lão, Thần Phù, Di Luân, Tư Dung, Bố Chánh, Sa Huỳnh, Sa Cần và đặc biệt có bài thơ khắc trên núi Truyền Đăng trong dịp duyệt thủy quân vùng Quảng Ninh mùa xuân Mậu Tý (1468) với hai câu kết độc đáo: 

Thiên Nam vạn cổ sơn hà tại,
Chính thị tu văn yển vũ niên. 

Dịch nghĩa:

Muôn thuở trời Nam, núi sông vẫn như cũ,
Chính lúc này cần lấy văn trị nước, tạm xếp việc võ.

Bài thơ được khắc trên núi khiến cho núi còn có tên Bài Thơ. Xin dẫn thêm bài thơ Cự ngao đới sơn (Ngao lớn đội núi) viết về biển đảo giàu suy tư của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), trong đó có hai câu minh triết: 

Vạn lý Đông minh quy bả ác,
Ức niên Nam cực điện long bình.

Dịch nghĩa:

Vạn dặm biển Đông, quay về nắm trong bàn tay,
Ức năm nước Việt vững vàng thịnh trị…

Đối sánh với thi ca, nhà nghiên cứu Vũ Thanh hướng đến nhận diện Tâm thức biển đảo trong văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại, đi từ khát vọng chinh phục thiên nhiên, mở mang bờ cõi, vùng biển đảo lý tưởng với bao điều kỳ thú, nơi tu thân, ẩn dật của các bậc trí sĩ, cho đến niềm tin, ý chí, lời nguyền giữ gìn đất nước gắn liền với biển đảo. Tâm thức biển đảo thể hiện sinh động trong nhiều truyện cổ: Họ Hồng Bàng, Truyện dưa hấu, Rùa vàng, Đền thiêng cửa biển, Chuyện lạ nhà thuyền chài, Từ Thức lấy vợ tiên,  Tiên trên đảo, Cá thần, Hang núi giữa biển,… được ghi chép trong các sách Lĩnh Nam chích quái, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả, Lan Trì kiến văn lục;… mở rộng hơn là những tác phẩm văn xuôi kể chuyện vượt trùng khơi trong các chuyến đi sứ về phương Tây như Tây hành kiến văn kỷ lược của Lý Văn Phức (1785 - 1849), Hải trình chí lược của Phan Huy Chú (1782 - 1840)… Tiếp nối sang văn học thời Pháp thuộc, Nguyễn Hữu Sơn tập trung Nhận diện du ký biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX theo các vùng văn hóa; trong đó xác định du ký viết về vùng duyên hải và biển đảo Bắc Bộ thiên về phong cách ký sự, gia tăng bình luận ngoại đề, tiếng nói chính luận, mở rộng phản biện các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, phong tục, tập quán liên quan đến quốc kế dân sinh với các tác phẩm bề thế: Sự du lịch đất Hải Ninh của Trần Trọng Kim (Nam phong Tạp chí, 1923), Chơi vịnh Hạ Long của Nguyễn Hữu Tiến (Nam phong tạp chí, 1924), Bốn năm trên đảo Các Bà của Vân Đài (Tri tân Tạp chí, 1944); du ký vùng duyên hải và biển đảo Trung Bộ trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận thường ngắn gọn, viết nhiều về các đảo, hướng tới nơi đảo xa và hành trình ra biển lớn với các tác phẩm nổi bật: Ra Cù Lao Yến của Phan Thị Nga (Ngày nay, 1935), Một tuần ở đảo Hoàng Sa của Vĩnh Phúc (Tràng An báo, 1938); khác biệt hơn, văn du ký viết về miền đất mở phương Nam, vùng duyên hải và biển đảo Nam Bộ lại trở nên sinh động, hòa hợp giữa hồn người và thiên nhiên sóng nước qua các tác phẩm nổi bật như Thăm đảo Phú Quốc của Đông Hồ (Nam phong tạp chí, 1927), Côn Lôn ký sự của Thiết Hãn Tử (Công luận, 1932), Sài Gòn – Tân Gia Ba – Nam Dương quần đảo của Phan Hữu Hài (Công luận, 1936)... 

Đặt trong văn mạch chung, Lê Hương Thủy khái quát Văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về biển đảo, trong đó nhắc đến các bộ tiểu thuyết xuất sắc thời chiến tranh như Vượt Côn Đảo của Phùng Quán, Chúng tôi ở Cồn Cỏ, Biển gọi của Hồ Phương, Ra đảo của Nguyễn Khải; những tác phẩm bề thế sau 1975 có Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn, Biển xanh của Chu Văn Mười, Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn, Biển xanh màu lá Nguyễn Xuân Thủy… Từ một phía khác, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến phác thảo Thơ ca đương đại viết về biển đảo Việt Nam, trong đó xác định: “Cách đây bốn mươi năm, Phạm Lê Phan (1935-?) và Tô Thùy Yên (sinh 1938) là hai nhà thơ đương đại đầu tiên của Việt Nam viết về Hoàng Sa, Trường Sa”. 

Từ sau 1975, chủ đề biển đảo đã gắn bó và góp phần làm nên tên tuổi nhiều nhà thơ nổi tiếng: Thanh Thảo, Trần Đăng Khoa, Đỗ Nam Cao, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Việt Chiến… Trên tổng thể, nhiều vấn đề nêu trên cũng đã được tích hợp vào công trình tuyển tập thơ văn và được Đặng Thái Hà giới thiệu trong bài điểm sách Biển đảo Tổ quốc tôi.

Văn hóa - văn học và biển đảo Việt Nam

Núi Truyền Đăng xưa nay là núi Bài Thơ - nơi vua Lê Thánh Tông khắc bài thơ trong dịp duyệt thủy quân vùng Quảng Ninh mùa xuân Mậu Tý (1468) với hai câu kết độc đáo: Thiên Nam vạn cổ sơn hà tại/Chính thị tu văn yển vũ niên 
Đến đây xin đặc biệt nhấn mạnh hai công trình nghiên cứu mở rộng mối quan hệ văn hóa – văn học biển đảo Việt Nam trên tầm khu vực và quốc tế. Thứ nhất, Nguyễn Duy Dũng – Dương Văn Huy với Văn hóa biển đảo Việt Nam trong cái nhìn tham chiếu với khu vực Đông Nam Á đã khảo sát và đi đến xác định: “Với tư cách là một bộ phận của khu vực Đông Nam Á, sự hình thành, phát triển của văn hoá Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy chung của văn hóa khu vực. Văn hóa biển của cư dân Đông Nam Á thể hiện khá đậm nét trong yếu tố văn hóa, nhất là văn học dân gian”… Nguyễn Hữu Lễ với Biển đảo Việt Nam trong ghi chép của người phương Tây lại mở ra chiều kích mới, thông tin từ những cuộc hành trình đến xuất hiện các tác phẩm du ký viết về Việt Nam; giới thiệu địa – lịch sử và địa – văn hóa biển đảo Việt Nam trong mắt người phương Tây qua những tác phẩm tiêu biểu: Chuyến hành hương (Pilgrimage) của nhà thám hiểm, nhà văn Bồ Đào Nha F.M. Pinto (1509 - 1583); Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài, 1688 (The Voyage to Tonquin) của nhà thám hiểm người Anh W. Dampier (1651 - 1715); Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà, 1792 - 1793 (A Voyage to Cochinchina in the years 1792 and 1793) của nhà truyền giáo John Barrow (1764 - 1848)... Có thể nói hoạt động sưu tập, khai thác các nguồn tài liệu văn hóa – văn học về biển đảo Việt Nam cả ở trong nước và nước ngoài vẫn còn là công việc ở phía trước.

Thực tế cho thấy trữ lượng các tác phẩm văn hóa – văn học về biển đảo Việt Nam từ quá khứ đến đương đại thực sự giàu có, phong phú nhưng còn khá tản mạn. Điều này đặt ra nhiệm vụ cần tăng cường sưu tập, hệ thống hóa và hướng tới xuất bản, phục vụ đông đảo công chúng bạn đọc.

Đón đọc kỳ II: Du ký về biển đảo Quảng Ninh – Hà Tĩnh

Nguyễn Hữu Sơn