Chính phủ trình nhân sự giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải
Tin tức - Ngày đăng : 17:05, 25/10/2017
Chiều 25-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Tờ trình về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải.
Ông Nguyễn Văn Thể (trái ảnh) và ông Lê Minh Khái được Chính phủ giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải và Tổng thanh tra Chính phủ. |
Theo tờ trình, Chính phủ giới thiệu ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải và ông Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ.
Cuối chiều cùng ngày, các ĐBQH thảo luận ở Đoàn về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự đối với hai chức vụ trên.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, một số ĐB bày tỏ nhiều kỳ vọng, đặc biệt với tân thành viên Chính phủ sẽ đảm nhiệm trọng trách ở cương vị Tổng Thanh tra Chính phủ. ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, trọng trách của Tổng Thanh tra Chính phủ trong nhiệm kỳ này khá nặng nề vì rất nhiều vụ việc phát sinh liên quan đến Chính phủ và các bộ, ngành cũng như chính quyền các địa phương.
Khối lượng công việc nặng nề ở hai nghĩa: Thứ nhất do những vụ việc phức tạp, nghiêm trọng nên phải làm chặt chẽ, đến nơi đến chốn; tiếp đó, lại không được nhũng nhiễu, làm qua loa và thậm chí không được có hành vi tiêu cực tạo ra sự phiền hà cho các doanh nghiệp cũng như cho các đơn vị được thanh tra.
Quốc hội khi bỏ phiếu sẽ chờ đợi Tổng Thanh tra Chính phủ mới làm việc có hiệu quả hơn, tốt hơn.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng mong muốn, thời gian tới, Tổng Thanh tra Chính phủ nên có sự hợp tác tốt hơn với quần chúng nhân dân, MTTQ, báo chí để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả cao nhất.
ĐBQH Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội) cho rằng, mong muốn của nhân dân, của ĐBQH ở vị quan thanh tra này phải là người có trí minh, tâm sáng, gạt bỏ những lợi ích, quan hệ cá nhân; công tâm trong việc xác định từng trường hợp cụ thể và áp dụng vào từng trường hợp để xử lý đúng pháp luật.
Hiện nay, công cuộc phòng chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng do Đảng, Nhà nước phát động, Tổng Bí thư trực tiếp là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nên Tổng Thanh tra Chính phủ phải đưa những vụ việc tiêu cực, tham nhũng ra ánh sáng, củng cố niềm tin cho nhân dân nên kỳ vọng của ĐBQH, nhân dân ở người nắm trọng trách này rất lớn.
“Thanh tra Chính phủ có vai trò kiểm soát nhánh hành pháp, trong hoạt động hành pháp rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật, tiêu cực, lạm quyền, trục lợi, cho nên kiểm soát tốt được nội bộ, bên trong cơ quan hành pháp, hệ thống hành chính là vấn đề vô cùng hệ trọng. Vì vậy, đòi hỏi với người đứng đầu cơ quan này một mặt phải kiểm soát tốt tình hình chấp hành pháp luật của cả hệ thống và dựa trên quyền được giao phải xây dựng được kế hoạch, chương trình cả nhiệm kỳ, lựa chọn vấn đề xã hội quan tâm, vấn đề bức xúc mà dư luận đặt ra; phải có thanh tra đột xuất khi dư luận nêu ý kiến về một cá nhân, đơn vị cụ thể cũng như phúc đáp ngay vấn đề dư luận đặt ra”- ĐB Lê Thanh Vân nêu.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng phải chấn chỉnh kỷ cương, phép nước ở ngay chính trong cơ quan thanh tra. Nếu người làm công tác thanh tra lại lạm dụng quyền hạn pháp luật được trao cho, bẻ cong pháp luật thì người đứng đầu cơ quan Thanh tra phải chịu trách nhiệm. Trước hết phải chịu trách nhiệm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thứ hai không còn uy tín với Quốc hội nên áp lực với người đứng đầu cơ quan Thanh tra trong bối cảnh hiện nay là vô cùng lớn.
Mặt khác thông qua hoạt động thanh tra góp phần củng cố thêm sức mạnh của Chính phủ, tức là "cơ thể" của cơ quan hành chính. Hệ thống hành chính có khỏe được hay không chính là thăm bệnh, hỏi bệnh, bốc thuốc của Thanh tra Chính phủ. Thanh tra Chính phủ phải thường xuyên giúp cho Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ thanh lọc bộ máy để thực sự liêm chính, kiến tạo, phát triển như thông điệp Thủ tướng Chính phủ đã nêu.