Xây dựng nếp sống văn hóa cần thực chất hơn

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 09:03, 26/10/2017

Chương trình 04 của Thành ủy giai đoạn 2016-2020 về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" đã góp phần quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, việc xét tặng danh hiệu văn hóa còn mang tính hình thức; việc thực hiện việc cưới, việc tang văn minh chưa thật sự nghiêm túc, đòi hỏi thành phố cần nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng đời sống văn hóa.
Xây dựng nếp sống văn hóa cần thực chất hơn
Ðồng diễn múa quạt tại phường Phúc Ðồng (quận Long Biên).


Từ nhiều năm qua, việc xây dựng các mô hình văn hóa như: Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Gia đình văn hóa trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cùng với các tiêu chí về kinh tế, giáo dục, hạ tầng, để được công nhận là Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, các địa phương còn phải đạt tiêu chí về văn hóa, cảnh quan, môi trường. Cụ thể: Phải có 70% số hộ gia đình trở lên thực hiện tốt các quy định về nền nếp văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; có nhiều hoạt động phát triển môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên xanh - sạch - đẹp... đối với khu vực nông thôn; tại khu vực nội thành, tổ dân phố phải không có hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố, gây cản trở giao thông, đặt biển quảng cáo sai quy định, gây mất mỹ quan đô thị...


Triển khai Chương trình số 04 của Thành ủy, việc xây dựng các mô hình văn hóa càng được coi trọng. Qua hơn một năm thực hiện, tất cả các địa phương đều đạt và vượt chỉ tiêu xây dựng danh hiệu văn hóa. Năm 2016, quận Thanh Xuân có tới 93% gia đình văn hóa, 100% tổ dân phố văn hóa; huyện Quốc Oai có hơn 87% gia đình văn hóa, gần 98% làng văn hóa... Tính trên toàn địa bàn, năm 2016, 86% số hộ gia đình của toàn thành phố đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; có 1.401 làng đạt danh hiệu Làng văn hóa, chiếm 55% và 3.788 tổ dân phố được công nhận danh hiệu Tổ dân phố văn hóa, đạt 70%.

Cùng với nội dung xây dựng mô hình văn hóa, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội cũng là nội dung quan trọng của thực hiện Chương trình số 04. Các địa phương, các đoàn thể đã tích cực vào cuộc, hưởng ứng. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố khuyến khích các cơ sở hội xây dựng mô hình Chi hội phụ nữ văn minh, qua đó, đã vận động hơn 32 nghìn đám cưới tiết kiệm. Thành Ðoàn Hà Nội vận động các đoàn viên thực hiện, đồng thời, trực tiếp đứng ra tổ chức nhiều đám cưới văn minh, không cỗ bàn linh đình cho đoàn viên trẻ tuổi. Một số địa phương như: Huyện Mỹ Ðức, huyện Chương Mỹ, quận Ba Ðình, quận Hà Ðông... đã thực hiện nghiêm túc, góp phần hình thành nếp sống mới trong tổ chức đám cưới. Ðối với việc tang, những năm gần đây, tình trạng cỗ bàn trong tổ chức đám tang đã giảm. Toàn thành phố có 55% các hộ gia đình hỏa táng cho người quá cố.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong xây dựng nếp sống văn hóa khi triển khai Chương trình 04, nhưng luôn có khoảng cách giữa các số liệu thống kê và thực tế. Một nét tương phản rõ nhất là việc công nhận danh hiệu Tổ dân phố văn hóa. Ðể được công nhận danh hiệu này, địa bàn tổ dân phố không có tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố, không đặt biển quảng cáo sai quy định, không làm mái che, cơi nới gây mất mỹ quan đô thị. Song, thực tế, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, làm mái che, cơi nới... luôn diễn ra trong nhiều năm. Năm 2017, thành phố tiếp tục ra quân lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Ở hầu hết các tuyến phố, tình trạng nêu trên chỉ được khắc phục khi có ra quân và tái diễn trở lại khi lực lượng chức năng vắng mặt. So sánh thực trạng trên với những thành tích về xây dựng tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, nhiều người không khỏi băn khoăn. Thực tế cũng cho thấy tiêu chí toàn bộ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đạt tiêu chuẩn về môi trường hầu như bị xem nhẹ. Trong các cuộc kiểm tra việc thực hiện Chương trình số 04 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý băn khoăn về vấn đề các mô hình văn hóa luôn đạt chất lượng cao, nhưng những hành vi phản cảm như: Nói tục, chửi bậy, xả rác bừa bãi… vẫn còn nhiều. Như vậy, liệu việc bình bầu, xét tặng danh hiệu đã công khai, dân chủ, bảo đảm thực chất, không chạy theo thành tích chưa?

Ðối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, sau một thời gian quy củ, tình trạng đám cưới tổ chức linh đình lại tái diễn. Những "siêu đám cưới" ở các khách sạn, nhà hàng sang trọng xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều gia đình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của cả một đoạn phố để dựng rạp ăn uống. Thực tế này đòi hỏi thành phố cần nỗ lực hơn nữa trong xây dựng nếp sống văn hóa, nhất là bình chọn các danh hiệu văn hóa, để làm sao những cộng đồng, gia đình đạt danh hiệu Tổ dân phố, Làng văn hóa, Gia đình văn hóa thật sự là tấm gương cho cộng đồng noi theo, chứ không chỉ là danh hiệu đại trà.

Bài và ảnh: Giang Nam/Nhân dân