Động lực kinh tế từ văn hóa dân gian

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:28, 26/11/2021

Hà Nội có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú. Đó là tài nguyên để phát triển công nghiệp văn hóa. Nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn, hay tri thức dân gian... đều đem lại những giá trị kinh tế cao. Nhưng làm thế nào để vừa bảo tồn vừa khai thác hiệu quả, đem lại giá trị thiết thực, đó là câu hỏi không dễ trả lời.
Động lực kinh tế từ văn hóa dân gian
Du khách quốc tế tìm hiểu nghệ thuật múa rối nước (ảnh chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19). Ảnh: Phan Thanh

Tài nguyên phong phú

Du lịch Hà Nội đóng băng nhiều tháng qua, nhưng những nghệ nhân cồng chiêng ở Ba Vì vẫn thường xuyên luyện tập để duy trì “ngón nghề” vốn có. Nếu như trước đây, nghệ nhân Mường ở Ba Vì chỉ trình diễn trong dịp lễ hội thì hiện nay những đội cồng chiêng đang dần “chuyên nghiệp hóa” theo hướng “hễ alo là có”. Ba Vì có nhiều khu du lịch thu hút du khách. Bây giờ, khách đến Ba Vì được “giữ chân” lâu hơn nhờ những màn biểu diễn cồng chiêng hiện đã được đưa vào phục vụ tại các tour du lịch.

Tương tự, dù dịch bệnh khiến nhiều hoạt động chưa được tổ chức trở lại, nhưng các nghệ nhân rối nước Đào Thục vẫn hăng say luyện tập, chuẩn bị “chào hàng” trò diễn mới để phục vụ khách du lịch. Nhiều năm nay, phường rối nước Đào Thục là một điểm sáng của Thủ đô trong bảo tồn, khai thác nghệ thuật truyền thống để “làm kinh tế”. Trưởng bộ phận kinh doanh Phường rối nước Đào Thục Nguyễn Thế Nghị cho biết: “Trước đây không ai nghĩ những trò rối có thể đem lại giá trị kinh tế. Nhưng thế hệ 7x, 8x chúng tôi nhận thấy, muốn duy trì được phường rối thì phải cùng các nghệ nhân đem lại giá trị thiết thực từ hoạt động của phường rối. Chúng tôi đi “chào hàng” khắp nơi để tìm kiếm khách du lịch. Trước thời điểm xảy ra dịch bệnh là thời kỳ “đỉnh cao” của rối nước Đào Thục khi hầu như ngày nào cũng có khách du lịch đến xem biểu diễn. Có tháng phường diễn tới gần 30 suất. Điều này giúp nghệ nhân có thêm thu nhập, gắn bó với nghề rối nước hơn”.

Với bề dày văn hóa nghìn năm, Hà Nội có kho tàng văn hóa dân gian hết sức phong phú. Kho tàng ấy trải rộng ở nhiều lĩnh vực, từ nghệ thuật trình diễn cho đến phong tục, tập quán, tri thức dân gian... Nhiều loại hình văn hóa dân gian đã được khai thác để “làm kinh tế”. Đó là những chiếu xẩm góp phần giúp không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm tăng sức hút. Văn hóa dân gian còn được khai thác trong các hoạt động mỹ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc, thời trang, âm nhạc hay trò chơi điện tử... Nhạc sĩ Trí Minh là một trong những người đã khai thác hiệu quả chất liệu dân gian vào âm nhạc. Anh cho biết: “Tôi đã thực hành, khai thác phát triển văn hóa truyền thống, đưa vào sản phẩm âm nhạc của mình từ đầu những năm 2000. Ban đầu, tôi đưa âm nhạc dân tộc vào tác phẩm, nay thì đồng sáng tạo với nghệ sĩ âm nhạc dân gian”. Trên thế giới, những nhân vật huyền thoại được dựng phim, khai thác trong game, truyện tranh... cũng là gợi ý hay đối với những nhân vật thần thoại Việt Nam.

Kết nối để tạo nên giá trị

Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, văn hóa dân gian vừa là nguồn tài nguyên quan trọng, vừa góp phần tạo thương hiệu riêng cho những sản phẩm văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có độ “vênh” rất lớn giữa tiềm năng và thực tế khai thác, phát huy. Chẳng hạn như Hà Nội có đến 1.783 di sản văn hóa phi vật thể, chưa kể một số loại hình văn hóa dân gian chưa nằm trong danh mục này, nhưng chỉ một số ít di sản được khai thác, phát huy.

Tại cuộc tọa đàm “Văn hóa dân gian trong nền công nghiệp văn hóa” do Trường Đại học Việt Nhật và Liên minh Sáng kiến văn hóa Việt Nam vừa tổ chức, vấn đề được nhiều người quan tâm là từ những chất liệu dân gian, làm thế nào để có những sản phẩm mang tính đương đại, tiếp cận được thị trường, đem lại thu nhập ổn định cho người nắm giữ vốn văn hóa dân gian. Bởi thực tế hiện nay, theo Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê, giảng viên Việt Nam học, Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện nay nhiều nghệ nhân, những người mang sứ mệnh gìn giữ di sản nhưng chưa tìm được sinh kế để sống được với nghề; nhiều nghề truyền thống có giá trị cao nhưng không thể sản xuất hàng loạt khi ra thị trường.

Để giải “bài toán” này, theo Giáo sư Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cần có những người sáng tạo hiểu biết về truyền thống, để từ đó tạo ra những sản phẩm văn hóa đương đại mang đậm bản sắc. Chia sẻ quan điểm này, Phó Giáo sư Trần Thị Thanh Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật cho biết: “Bảo tồn, phát triển văn hóa dân gian cần có sự tiếp cận hệ thống từ chiến lược bảo tồn bài bản, có sự tham gia của nghệ nhân - người đam mê, tâm huyết bảo tồn văn hóa, cho tới doanh nghiệp, cá nhân sáng tạo. Để khai thác giá trị văn hóa dân gian, nền công nghiệp văn hóa cần tạo ra chuỗi giá trị: Từ nơi sản xuất - nghệ nhân, nghệ sĩ cho tới doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp - sáng tạo sản phẩm có thể mang ra bán trên thị trường trong nước và quốc tế”. Bên cạnh đó, để phát huy giá trị văn hóa dân gian trong bối cảnh công nghệ phát triển, cần có sự hỗ trợ của công nghệ - số hóa sản phẩm văn hóa. Điều này cũng đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, các chuyên gia và cộng đồng là chủ thể của văn hóa dân gian, để từ đó số hóa sản phẩm nghệ thuật biểu diễn truyền thống, tạo sản phẩm làng nghề, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ vật gắn với phong tục truyền thống... Từ đó, tạo nền tảng cho việc khai thác, quảng bá, sáng tạo trên nền văn hóa dân gian.

HNMCT