ĐBQH đề nghị hoãn thực hiện chính sách lương hưu mới
Tin tức - Ngày đăng : 21:54, 01/11/2017
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý nêu ý kiến: "Tôi đề nghị từ kỳ họp này thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho lùi thời gian thực hiện quy định này lại để đảm bảo quyền lợi của người lao động, nhất là lao động nữ gắn với việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội khi chúng ta thực hiện đề án cải cách tiền lương bảo hiểm xã hội dự kiến đưa ra Trung ương bàn và thông qua trong năm 2018".
Trong khi đó, đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) tranh luận về vấn đề này và nêu lý do "tại sao chúng ta hạ tỷ lệ được hưởng lương hưu của phụ nữ từ 3% xuống 2% từ 1/1/2018? Theo Luật năm 2006, sau năm 2016 trở đi thì nam là 2%, nữ thì được ưu tiên là 3%. Đến luật năm 2014 chúng ta muốn bình đẳng giới thì chúng ta quy định nam và nữ đều là 2%. Vì lẽ đó nên từ 1/1/2018 nếu phụ nữ về hưu thì bị giảm trừ".
Theo đại biểu Lợi, đến năm 2016 số lao động nữ có số năm đóng bảo hiểm xã hội bình quân 28,8 năm và nghỉ hưu ở độ tuổi 54,1, tức là cận kề với tuổi 55.
Nhưng nam thì đóng bảo hiểm xã hội bình quân được 32 năm và nghỉ hưu ở tuổi 57. Nếu bình quân đó thì phụ nữ giảm từ 3% xuống 2% thì giảm sút mất 4% tiền lương nên chúng tôi thấy tác động là không lớn.
Đến ngày 1.1.2018 chúng ta có khoảng 50.000 phụ nữ sẽ dự kiến về hưu, trong đó có 21.000 phụ nữ có từ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội đến dưới 30 năm, số người chịu tác động lớn nhất từ 5% đến 10% là có 4.000 người.
Nếu chúng ta kéo dài lộ trình cho phụ nữ thêm 5 năm để hưởng đúng theo 3%, không phải là 2% trước đây thì tác động đến quỹ bảo hiểm xã hội không lớn.
Quan điểm của chúng tôi là ủng hộ chúng ta cho kéo dài thêm mấy năm tính theo công thức cũ để phụ nữ đỡ phải thiệt thòi so với nam giới. Chúng tôi nghĩ tác động không lớn, đề nghị Quốc hội ủng hộ, Thường vụ Quốc hội có ý kiến để chúng ta cho tính công thức lương hưu như cũ".