Dấu ấn của tình hữu nghị Việt - Nga

Tin tức - Ngày đăng : 20:23, 06/11/2017

Gần 30 năm qua, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình luôn vận hành đều đặn, cung cấp nguồn điện năng khổng lồ cho đất nước. Công trình hùng vĩ này là minh chứng cho tình hữu nghị Việt - Nga son sắt.
Dấu ấn của tình hữu nghị Việt - Nga
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. (Ảnh: Hồng Duyên)


Những mốc son đáng nhớ

Ngược thời gian về thế kỷ trước, sau khi hòa bình lập lại ở miền bắc, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định: Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa thì “điện khí hóa” phải đi trước một bước. Từ năm 1958, Chính phủ đã giao Bộ Thủy lợi cử cán bộ tiến hành nghiên cứu địa chất trên toàn bộ lưu vực sông Đà và Hòa Bình đã được chọn là nơi xây dựng công trình thủy điện đầu tiên trên dòng sông Đà hùng vĩ. Đến ngày 2-9-1971, mũi khoan thăm dò đầu tiên được thực hiện. Để chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực cho công trình, hàng vạn thanh niên của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đã được tuyển chọn, đào tạo để trở thành những công nhân kỹ thuật phục vụ công trình. Nhất là sự đóng góp của các chuyên gia, kỹ sư người Nga. Hàng loạt công trình phụ trợ như nhà ở cho cán bộ, công nhân, viên chức, trường học, bệnh viện và khu chuyên gia Nga được gấp rút xây dựng phục vụ công trường. Ngày 6-11-1979, cả nước hướng về Hòa Bình mừng ngày khởi công xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Đông - Nam Á.

Sau bốn năm thi công liên tục, đầu năm 1983 đã hoàn thành ngăn sông Đà đợt một và đến năm 1986 tiến hành ngăn sông Đà đợt hai. Đây là thời điểm vô cùng quan trọng; hàng nghìn kỹ sư, công nhân, bộ đội và chuyên gia Nga mừng vui khôn xiết. Từ đó, cả công trường sôi nổi khí thế thi công, chạy đua với mùa lũ hằng năm, thực hiện mục tiêu đưa các tổ máy vào phát điện theo kế hoạch. Những khẩu hiệu bằng hai thứ tiếng Việt, Nga xuất hiện trên khắp công trường như: “Vinh quang thay những người xây dựng thủy điện”, “Tất cả cho mục tiêu phát điện tổ máy số 1 đúng tiến độ”... Mỗi vị trí thi công là một mặt trận, dù khó khăn gian khổ và cả sự hy sinh nhưng tất cả cán bộ, công nhân viên và các chuyên gia đều không ai rời vị trí, kể cả khi xảy ra sự cố. Ngày 30-12-1988, tổ máy số 1 bắt đầu phát điện, tiếp theo, các tổ máy lần lượt khởi động và vận hành.

Ngày 20-12-1994, đất nước phấn khởi chào mừng sự kiện khánh thành Công trình Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà, đánh dấu kết quả của 15 năm lao động không ngừng nghỉ vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc.

Nhiều tấm gương lao động sáng tạo Nga, Việt Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng ngay tại công trường. 168 cán bộ, công nhân, viên chức, trong đó có 11 chuyên gia Nga đã ngã xuống trong quá trình xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình, cống hiến hết mình trong lao động.

Thủy điện Hòa Bình đã quản lý khai thác và vận hành an toàn, phát huy hiệu quả của một công trình tổng hợp nhiều chức năng, vừa chống lũ, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an toàn cho vùng đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội, vừa sản xuất điện, đồng thời trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo đảm giao thông đường thủy trên tuyến sông Đà.

Và những kỷ niệm đẹp của tình hữu nghị

Nhớ lại thời kỳ xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, ông Bùi Thức Khiết, nguyên là Phó Ban Quản lý dự án, nguyên Phó Ban Quản lý dự án, Giám đốc đầu tiên của Nhà máy thủy điện Hòa Bình xúc động kể lại: “Khó có thể nói hết những gì mà những người bạn Nga đã giúp đỡ Việt Nam ở Công trình Thủy điện Hòa Bình. Họ là người bạn lớn, họ giúp chúng ta cả về trí tuệ, kinh nghiệm và công sức. Hồi đầu, những kỹ sư, công nhân người Nga họ sang làm trực tiếp mọi việc, từ cung cấp điện cho công trường, nổ mìn, dọn đá đến việc tự lái máy xúc, máy ủi, sửa chữa ô-tô... Sau này, họ đào tạo các đội kỹ sư, công nhân của Việt Nam tham gia để sau này tiếp quản. Các chuyên gia địa chất, địa hình, thủy năng, khoan phun của Nga rất giỏi, giàu kinh nghiệm. Ở thời kỳ đó, nếu không phải là Liên Xô thì khó có nước nào giúp Việt Nam làm được việc lớn như vậy.

Ông Bạch Xuân Lập, có ba năm lái xe cho các chuyên gia Nga thời kỳ đó bồi hồi nhớ lại: “Họ làm việc rất nghiêm túc, chúng tôi học được từ họ rất nhiều về phong cách, tác phong làm việc. Ngoài giờ làm việc, họ rất thân ái, chân tình. Nhiều lần tôi được mời lên gia đình họ ở khu chuyên gia để ăn cơm do họ nấu. Họ tặng đường, sữa và thịt cho tôi. Hy vọng thế hệ trẻ sau này luôn nhớ và biết ơn những người bạn Nga đáng kính”.

Ông Nguyễn Văn Đức, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí bậc cao của Trường đại học sư phạm Kỹ thuật Nam Định đã xung phong lên Dự án Thủy điện Hòa Bình công tác từ năm 1983-1987. Nay là giảng viên xưởng thực hành của Trường đại học Điện Lực, ông tâm sự: “Hồi đó, tôi là kỹ sư cơ khí bậc cao của Việt Nam, song, cũng chỉ biết công nghệ cắt bằng axetilen (cắt bằng đất đèn), nhưng các kỹ sư Nga họ đã cắt hơi bằng xăng và hiệu quả cao. Sau này, họ đã dạy chúng tôi kỹ thuật này. Họ làm việc với tinh thần rất cao, rất trách nhiệm mà chưa bao giờ thấy than vãn về sự vất vả. Còn nhớ, chiến dịch lấp sông Đà đợt hai (90 ngày đêm), tất cả đều chung một tinh thần quyết tâm cao, ăn ngủ tại công trường, hừng hực khí thế gần như quên cả mệt mỏi. Những bài hát, trên công trường như: “Ca Chiu Sa”, “Đôi Bờ” và “Tiếng đàn Ba lai ca trên sông Đà” vẫn còn vang vọng mãi trong ký ức tôi cho đến bây giờ. Suốt quá trình làm việc, tôi nhận thấy ở họ là những con người thật thà, thẳng thắn nhưng lại rất lãng mạn”.

Giờ đây, là giảng viên một trường đại học trong ngành điện lực, sắp đến tuổi về hưu, trong các giờ dạy thực hành, ông Nguyễn Văn Đức vẫn kể lại cho các thế hệ sinh viên một cách đầy tự hào về những năm tháng tham gia xây dựng nhà máy. Ở đó có những người bạn Nga vĩ đại đã giúp đỡ chúng ta để có được công trình mang tầm vóc quốc tế, là biểu tượng hào hùng của ngành điện lực, góp phần phát triển đất nước.

Trần Hảo/Ảnh: Hồng Duyên/nhândan