Du lịch Phú Yên, Khánh Hòa thiệt hại nặng nề do bão số 12
Du lịch - Ẩm thực - Ngày đăng : 22:44, 06/11/2017
Ngày 6/11, Sở VHTTDL Phú Yên cho biết: Nhìn chung các doanh nghiệp du lịch đều có kế hoạch đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách lưu trú tại khách sạn trong thời gian bị ảnh hưởng bão số 12. Bão số 12 đã gây ảnh hưởng đến tình hình phục vụ của doanh nghiệp, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch của một số doanh nghiệp bị hư hỏng nặng như: tại khu du lịch sinh thái Sao Việt, mái che lợp bằng tranh đã bị hư hỏng, hầu hết các cây cảnh đã bị ngã, thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng; khách sạn Sài Gòn - Phú Yên bị vỡ kính cường lực ở một số tầng , sập mái Hội trường, cây cảnh bị đổ, thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng; khách sạn Kaya: các đèn pha chiếu sáng bị hư hỏng, bể kính năng lượng mặt trời, đá ốp tường, nhiều tấm alu, cửa sổ, mái che bị hư hỏng, cây cảnh bị đổ, thiệt hại khoảng 800 triệu đồng; khách sạn Cendeluxe: sập trần ở một số tầng , thiệt hại khoảng 800 triệu đồng..
Bên cạnh đó, do lượng mưa lớn, đi kèm với gió mạnh nên hầu hết các cơ sở kinh doanh du lịch đều bị nước tràn vào, gây hiện tượng thấm trần thạch cao, tốc mái. Tổng thiệt hại do bão số 12 gây ra đối với các cơ sở kinh doanh du lịch khoảng 6 tỷ đồng.
Khánh Hòa: Thiệt hại hàng chục tỷ đồng
Theo báo cáo của Sở Du lịch Khánh Hòa, nhìn chung các doanh nghiệp đã tổ chức triển khai tại chỗ phương án phòng chống bão hiệu quả nên không có thiệt hại về người. Mặc dù vậy, do diễn biến phức tạp của cơn bão nên các cơ sở lưu trú vẫn bị ảnh hưởng.
Sau bão, khách du lịch hoạt động bình thường trên phố, trong khi các lực lượng chức năng của Nha Trang đang tiến hành dọn dẹp cây cối bị đổ-ảnh: Nguyễn Phương
Cụ thể: từ 60—70% cây xanh các khách sạn dọc đường Trần Phú (TP Nha Trang) đều bị ngã đổ , một số khách sạn bị vỡ kính nhưng không ảnh hưởng đến lưu trú do khách đã có kế hoạch di dời từ trước. Đa số các khách sạn 3-5 sao đều có phương án dự trữ lương thực đảm bảo phục vụ khách những ngày tới.Tuy nhiên, một số cơ sở 2 sao trở xuống không đủ thực phẩm cung cấp cho khách, dẫn đến tình trạng khách tập trung tại các điểm phục vụ ăn uống gây quá tải. Bên cạnh đó, do bị mất điện nên số lượng thang máy dự phòng ít dẫn đến việc di chuyển bị chậm trễ nhưng khách sạn vẫn bố trí nhân viên hướng dẫn không để khách bị kẹt trong thang máy. Về cụm khách sạn trên đảo: thiệt hại chủ yếu là cây xanh bị ngã đổ, bờ kè tại khu du lịch Hòn Tằm bị đánh sập, hầu hết các khu villa, bị bay mái nhà đổ sập. Dù vậy, các cơ sở đều dự trữ lương thực và nhiên liệu đảm bảo phục vụ du khách.
Về lữ hành: hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đều ngưng phục vụ trong ngày 4/11, hợp đồng đã ký từ trước nên gây thiệt hại về tài chính cho doanh nghiệp. Bè nổi kinh doanh dịch vụ lặn biển và các thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi giải trí của Công ty TNHH Liên Thành, Biển hoa, Dịch vụ Lặn biển xanh đều bị chìm. Cùng với đó, Công ty TNHH Liên Thành, Dịch vụ Lặn biển xanh bị chìm 1 cano…
Nhìn chung, thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra hết sức nặng nề cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.
Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết: Trong những ngày tới, theo thông tin thì dự kiến các công ty lũ hành tiếp tục thực hiện các hợp đồng đưa khách quốc tế đến Nha Trang- Khánh Hòa vẫn tăng cao. Chính vì vậy để đảm bảo môi trường cảnh quan một số khu vực cần thiết, Sở Du lịch kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo khắc phục sớm vệ sinh tuyến đường Trần Phú và đảm bảo phục hồi giao thông các tuyến đường vào các khu du lịch I-resort, suối khoáng nóng tháp Bà Ponaga.